(Tiếp theo) - Đi một đoạn nữa thì chúng tôi gặp trạm kiểm soát biên phòng của đồn biên phòng Pa Ủ, cũng một căn nhà gỗ rất đơn sơ với hai anh biên phòng đang trực tại đó. Tính ra, từ thị trấn Mường Tè đi lên Ðồn biên phòng Pa Ủ chỉ khoảng 60 km, nhưng nếu đi vào mùa mưa sẽ mất gần một ngày trời đấy.
< Đường chạy qua trạm kiểm soát biên phòng - chốn biên ải, không thể chụp hình.
Còn trong mùa hè, tại đây sẽ có cảm giác rất kỳ lạ cứ như ở một nông trang dưới đồng bằng.
< Một dòng suối chảy ngang qua đường.
Ba căn nhà, một khu nhà chỉ huy kiêm phòng họp, hai doanh trại cho các sĩ quan, chiến sĩ bao quanh một sân bóng chuyền. Tất cả đều là nhà vách gỗ, mái tôn tuềnh toàng vẫn như từ... 20 năm trước.
< Cổng vào bản Mu Chi.
Ấy vậy mà chính những người sĩ quan, chiến sĩ ở trong các doanh trại tuềnh toàng ấy đã bỏ công sức, tiền của, vác tôn từ đường cái, vác gỗ bộ từ trên rừng; người từng bị dính bẫy kiềng trên rừng, người đã ốm sốt rét, quai bị hy sinh... để bao năm nay dựng gần một trăm ngôi nhà đại đoàn kết cho người dân ở các bản Hà Xi, Tân Biên, Mu Chi với chất lượng nhà... vượt cả doanh trại đấy!
< Từ đây, đường vào trung tâm xã Pa Ủ rất xấu với nhiều đoạn sạt lở và đang thi công.
< Đường như là mới được vỡ, lẫn lộn đất đá.
Chả phải gì, đồn đóng quân ở xã nghèo nhất huyện, của huyện nghèo nhất tỉnh, tỉnh nghèo nhất nước. Người dân còn không đủ ăn, bộ đội không cùng chịu khổ với dân như thế nhưng nếu doanh trại khang trang quá, biên phòng đi ô-tô xuống bản (chẳng hạn thế) thì ai nói dân nghe, dân làm theo? Vậy thì cứ đồng cam chịu khổ với dân thì đã sao nào?
< Vượt qua một đoạn toàn đá hộc.
Anh Dũng chợt nhận ra một anh tên là Quang ngày trước đã gặp ở đồn biên phòng Nậm Xe nay lại được chuyển về đây công tác. Tôi mang giấy giới thiệu vào xuất trình để anh Quang đăng ký vào sổ rồi cả đoàn lại tiếp tục đi.
< Đường chạy bên một đập nước nhân tạo.
< Rồi lại ăn sâu mãi vào rừng già hun hút.
< Lên một con dốc toàn đá, đường kiểu này thì cho dù trời có mưa cũng không sợ bị trơn hoặc lầy. Chắc vài năm trước, khu vực này vẫn còn chìm khuất trong rừng, giờ thì đường to thế này, chả mấy rừng lại lùi sâu vào nữa.
< Liếc nhìn đồng hồ thấy chỉ độ cao 1031m.
< Lên đến đỉnh núi, cả đội tranh thủ dừng lại nghỉ ngơi ngắm cảnh và điện thoại cho người thân.
< Đứng trên đỉnh núi nhìn lại con đường cheo leo mình vừa đi lên thật hùng vĩ.
< Bỗng có một anh dân tộc ở đâu lững thững đi tới, chúng tôi liền kéo lại hỏi han và mời anh ta điếu thuốc. Rất may là anh ta bập bõm nói được tiếng Kinh.
< Tán phét một hồi, chúng tôi chia tay anh bạn tình cờ rồi lại phóng nhanh lên Pa Ủ cho kịp bữa trưa.
< Con đường tiếp tục đi lên cao, mây mù giăng đầy. Chập chùng đồi núi xung quanh.
< Một đoạn đường đất đang được vỡ nốt. Đi qua hòn đá khổng lồ nằm chông chênh này mà chỉ sợ nó lăn một cái thì không khác gì con kiến nằm dưới đế giày.
< Đi một lúc nữa thì chúng tôi đã tới lối rẽ lên đồn biên phòng Pa Ủ.
Chúng tôi lại vào xuất trình giấy giới thiệu và trao quà thăm hỏi các anh. Anh đồn trưởng hiện đi vắng, chỉ có anh Toàn đồn phó rất nhiệt tình đón tiếp chúng tôi, hướng dẫn cặn kẽ chúng tôi đường sá và giờ giấc đi lại vì con đường đang làm, thường xuyên phải chặn đường để thi công.
< Đồn biên phòng Pa Ủ (309) đóng trên một vùng bằng phẳng tương đối rộng. Doanh trại khá ngăn nắp nhưng rất đơn sơ bằng gỗ chứ chưa được xây dựng kiên cố.
Rất tiếc vì thời gian quá ngắn, chúng tôi cũng không giao lưu được nhiều với các anh biên phòng, hi vọng có dịp khác sẽ lên ở chơi với các anh được lâu hơn. Ngồi chơi một lúc, chúng tôi chia tay các anh, lên xe đi vào trung tâm xã Pa Ủ.
< Cổng vào bản Tân Biên.
Bản Tân Biên này được nhắc đến khá nhiều trên báo chí, vốn được xây dựng từ cuối năm 2010 bởi đồn biên phòng 309 và học viện biên phòng nhằm tạo nơi ở giúp bà con La Hủ chuyển về sống định canh định cư.
Mô hình nhà đại đoàn kết kiểu này được thực hiện theo mô hình giống các bản Là Si ở Ka Lăng, Thu Lũm và Hà Si, Hà Nê ở Pa Ủ.
< Trên đỉnh một con dốc rất cao vào Pa Ủ.
Vào gần đến trung tâm xã, đường càng đẹp, có rãnh thoát nước kiên cố bên đường.
< Xa xa kia đã nhìn thấy trung tâm xã Pa Ủ.
< Cuộc sống định canh định cư cũng đồng nghĩa với việc rừng núi một phần bị niến thành nương rẫy vĩnh viễn.
< Đầu trung tâm xã Pa Ủ.
< Một bóng hồng khá xinh, nhìn có vẻ là người Kinh hơn là người La Hủ.
< Trẻ con Pa Ủ.
< Trung tâm xã đã gần tới.
< Gọi là trung tâm xã chứ thực ra chỉ có vài chục nóc nhà nằm dưới thung lũng, có một con đường bê tông nhỏ xíu đi vào. Tôi tiếp tục đi trên con đường trục lớn xem nó dẫn tới đâu. Đang mát ga trên con đường rộng rãi thì thấy anh Dũng chạy ngược trở lại bảo vào xã nghỉ ăn cơm thôi.
< Bản nhỏ ven đường với những ngôi nhà vách nứa trống hoác, không hiểu đến mùa đông thì gió lùa vào chắc sẽ lạnh thấu xương.
Có vài ngôi nhà được lợp mái tôn, còn lại toàn nhà mái rạ.
< Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, mới 12h20, lúc nãy mấy anh biên phòng có dặn là phải ra trước 1h30 vì đến giờ sửa đường, nếu không thì đến tối mới ra được, tôi tranh thủ phóng tiếp xem con đường này dẫn tới đâu.
< Qua khỏi mấy ngôi nhà, con đường dẫn vào một vùng hoang sơ chẳng có bóng người. Con đường nhìn như bị bỏ hoang đã lâu, đi mãi vẫn chưa hết đường.
< Chẳng còn làng bản gì ở đây, lổn nhổn toàn sỏi đá.
< Phía dưới vực sâu là con suối to nước cuộn trắng xóa bên cây rừng um tùm.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13.
Theo Bát Trảm Đao blogspot
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.