(Tiếp theo) - Trong địa phận thành phố HCM: hương lộ 34 là tuyến đường nối khu công nghiệp Hiệp Phước vào nội thành Sàigòn dài 16km.

< Vẫn chạy trên hương lộ 34, mình rời địa phận xã Đông Thạnh vào xã Phước Vĩnh Tây kề cận.

Trong kế hoạch 'Phát triển Thành phố hướng ra biển Đông', Ủy ban nhân dân thành phố đã có kế hoạch xây dựng mở rộng tuyến đường trên với lộ giới 60m. Tuyến đường này sẽ được kéo dài xuyên qua nội thành nối liền với các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Đây là trục lộ Nam - Bắc quan trọng của thành phố trong tương lai.

< Đường thẳng tắp, đoạn trước qua khu phố láng bê tông thì đoạn này được láng nhựa.

Với chương trình dự án như khu chế xuất Tân Thuận, tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (đại lộ Nguyễn Văn Linh), Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp cơ bản Hiệp Phước, chương trình nạo vét sông Soài Rạp... đã được lần lượt thực hiện từng phần trong nhiều năm qua sẽ tạo nên một hệ thống dự án nối kết nhau, thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh mở rộng về hướng Nam và Đông Nam đến tận Cần Giờ, giúp thành phố phát triển ra biển Đông, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị hiện nay của thế giới là thành phố phải vươn ra biển.

< Cái gì phía trước vậy nhỉ, trụ cao thế? Công trình xây dựng?

Hương lộ 34 nếu được mở rộng sẽ giúp hàng hóa từ TPHCM - Long An thông thương nhanh hơn và tăng tốc độ phát triển các xã vùng xa của huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, để tiến triển tốt thì cần có sự đồng thuận của tỉnh bạn. Vậy nhưng theo bạn thấy: giao thông ở Long An vẫn còn rất khó khăn... nên mở rộng có lẽ vẫn còn là điều ước.

< Hóa ra đây là cây cầu có tên là cầu Ông Chuồn. Đây là cây cầu thuộc loại dây văng nhỏ với hai dàn giằn đầu cầu. Kết cấu thép, sàn lót ván dài gần trăm mét, khá vững chãi.

Do vậy, nếu bạn tinh ý sẽ thấy đoạn hương lộ 34 từ cầu Rạch Dơi (thuộc xã Long Thới và Nhơn Đức - huyện Nhà Bè - TPHCM) có bề rộng gần gấp đôi so với bề rộng đường này trong địa phận Cần Giuộc. Thôi thì, hương lộ 34 hiện nay vẫn chạy tốt và làm tròn chức năng của nó cũng là điều vui mừng rồi.

< Cả bên này lẫn bên kia cầu đều thuộc xã Phước Vĩnh Tây. Phước Vĩnh Tây là một xã thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Việt Nam. Xã Phước Vĩnh Tây gồm: 3 ấp (ấp 1, ấp 2, ấp 3).
Xã Phước Vĩnh Tây có diện tích: 50,452 km2, dân số: 6.774 người. Cạnh đó, phía Đông là xã Phước Vĩnh Đông hướng ra sông Nhà Bè.

< Trưa nắng nhưng không quá gắt như trong đỉnh hè, lúc này đã 10h30 ngày mồng 7 tết... và bọn mình đang 'Tiến về Sàigòn' sau khi lông bông một phát đi Long Hựu.

< Hai đứa nhỏ cười toét khi nửa kia ngoáy lại chộp tấm ảnh, hai bé khăn quàng đỏ vừa tan học về đây.

< Chạy sáng giờ khá rêm người nên nhác thấy căn nhà bán vật liệu xây dựng nhưng đóng cửa, mình tấp lại nghỉ chân. Hiên nhà có hai bàn đá và chiếc ghế đá mát rượi - sướng nha!

Ngồi nghỉ, nhìn trời đất. Bên kia đường có một anh thanh niên trẻ cặm cụi chất lên xe một bó lớn những cành cây, xong việc thì anh ta qua bên này ngồi trước mái hiên.
Nửa kia hỏi: 'Cắt cây về làm củi hả em?'. Anh chàng cười, chậm rãi: 'Bây giờ thì còn ai xài bếp củi đâu, mấy cây đó dùng làm thuốc phát miễn phí trong chùa ạ. Cô chú không phải người vùng này?'.

Vậy là câu chuyện rôm rả từ chuyện chiếc Win, chuyện đi phượt, chuyện cuộc sống của dân Cần Giuộc... Nói chung là đủ thứ chuyện.

Nhờ vậy, mình cũng được biết là trước kia, những người canh giữ đồn Rạch Cát đã moi dưới nền đất lên rất nhiều khối chì lớn (chả biết khi xây dựng, người Pháp dằn chì dưới móng làm gì nhưng rất nhiều) và đem bán tất theo kiểu 'Hàng cẩm lai, bán ve chai' như lời anh bạn trẻ.
Điều này khiến ngày nay, những tầng hầm đồn lún sụp gây nguy hiểm cho người tham quan. Có lẽ vì vậy nên đơn vị hiện tại đang quản lý buộc phải 'cấm cửa' để giữ an toàn, thật tiếc một di tích đã tồn tại bao năm qua nhưng không thể khơi mở cho người chiêm ngưỡng để nhìn thấy lịch sử qua hiện vật.

< Ngồi tán một hồi rồi bọn mình từ giã anh chàng dễ mến và lại lên đường. Chỉ sau một đoạn vài cây số thì lại đến cầu, đây là cầu Rạch Ván (HL12) (K8+064) với kết cấu thép, sàn lót ván - đã được sửa chữa đã dặm đinh nẹp gỗ mặt cầu vào ngày 18/05/2013. Các cây cầu nhỏ thế này ở Long An chắc đến số trăm nên việc tu bổ - sửa chữa chắc mệt cầm canh. Vậy nhưng sở GTVT Long An vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Cầu ni là cầu sắt, hổng văng dây. À lộn, dây văng.

< Qua cầu này là mình đã vào địa phận địa phận thị trấn Cần Giuộc.

Thị trấn Cần Giuộc được con sông cùng tên cắt đôi chia vùng thị tứ này ra làm 2 phần: phần chính bên cánh tả ngạn sông, phần phụ bên mạn hữu.

Sông là đầu nguồn sự sống, tuy nhiên sẽ thuận tiện hơn cho việc giao thông nếu kết nối được hai vùng Cần Giuộc bằng một cây cầu thay vì bến phà.
Có lẽ rằng tương lai sẽ có vì chỉ cần xây dựng một cây cầu cỡ cầu Thủ Bộ là đủ cho nơi này.

< Trên đường chạy, một đoạn dài chạy sát mép con sông Cần Giuộc, cũng có tên là dòng Rạch Cát.
Vị trí nơi này tại đây.

< Chạy thêm một đoạn thì đến khu dân cư khá đông đúc, có nhánh rẽ để ra phà mới hay ghe sang bên kia nội ô.

< Rồi mình đến ngã 3: quẹo phải là chạy tiếp hương lộ 34 còn rẽ trái là ra bến phà vượt sông Cần Giuộc.
Vị trí nơi này tại đây.

< Mình vào địa phận xã Phước Lại. Phước Lại là một xã thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Xã Phước Lại gồm: 5 ấp (ấp Lũy, ấp Long Bào, ấp Mương Chài, ấp Phước Thới, ấp Tân Thanh).

Xã Phước Lại nằm ở phía Đông huyện Cần Giuộc: Phía Đông giáp xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè, Đông Bắc giáp xã Long Hậu, Đông Nam giáp xã Phước Vĩnh Đông, Nam giáp xã Phước Vĩnh Tây, Tây giáp thị trấn Cần Giuộc, Tây Bắc giáp xã Tân Kim, Tây Nam giáp xã Trường Bình.

Theo thống kê năm 2008, xã có diện tích là 50,452 km², dân số: 6.774 người.

< Cầu Rạch Dừa đây, cây cầu nối Phước Lại với xã Long Hậu. Cầu ni toàn bằng sắt chứ không phải lót ván.

< Cầu Rạch Dừa nên tên con sông chắc cũng là Rạch Dừa. Rạch nối sông Cần Giuộc với dòng sông lớn Nhà Bè.

< Sắc tết vẫn còn thể hiện qua lá cờ tổ quốc màu đỏ phất phới tung bay, mới mùng... 7 mà!

< Cuối phần đất Long Hậu là cầu Rạch Dơi, nhiều cầu quá nhỉ - miệt sông nước mà, nhưng vẫn còn thua ở Cà Mau...

< Cầu Rạch Dơi bằng sắt, có chiều dài 128m với bề rộng 3m. Qua cầu này là vào địa phận quận Nhà Bè rồi.
Phía trái là xã Nhơn Đức, còn phải là Long Thới - hai xã giáp ranh.

< Đầu cầu phía Nhà Bè có ngôi chợ buôn bán xôm tụ mà bọn mình từng có dịp ghé. Vậy nhưng hôm nay trễ quá nên không còn gì - lúc này đã hơn 11h.
Vào địa phận TPHCM rồi thì đường rộng hơn, có vạch phân làn ở giữa.

< Loại cây gì đó trổ hoa vàng rực bên đường, cây này có rất nhiều ven Kênh Tẻ, trên đường Trần Xuân Soạn.

< Cờ đỏ vẫn rợp trên địa phận xã Nhơn Đức. 

Nơi này có một dự án lớn là 'Dự án Đường cao tốc Long Thành - Bến Lức (đoạn qua TP. Hồ Chí Minh)' cắt ngang, không biết bao giờ hoàn thành.

Tuyến đường cao tốc ni trong giai đoạn 1 dài 57,8km, rộng 27,5m cho sáu làn xe lưu thông (trong đó có hai làn dừng xe khẩn cấp) với vận tốc 100km/giờ. Trên tuyến đường này xây cầu Bình Khánh dài 3.783,1m (vượt sông Soài Rạp), cầu Phước Khánh dài 3.793,3m (vượt sông Lòng Tàu). Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 1,607 tỉ USD.

Bọn mình lại sắt băng ngang một cây cầu...

< Đây chính là cầu Rạch Tôm, một cây cầu sắt nhỏ nhưng lượng xe khá nhiều như bạn thấy.

< Do hồi trước đã đi 'con đường đẹp' Long Thới - Nhơn Đức rồi nên chuyến này bọn mình sẽ đi ngõ khác để vào con lộ lớn Nguyễn Hữu Thọ.
Vậy nên mình cứ chạy thẳng...

< ... Cho đến khi gặp ngã 4 có đường Nguyễn Bính cắt ngang thì rẽ phải (vị trí nơi này ở đây).
Đường ni sẽ chạy ngang khu dân cư mới Nhơn Đức.

< Cây cỏ xanh um với mặt lộ láng lẫy, lại ít xe.

< Vượt cây cầu Bê Tông có tên là cầu Bà Sáu. Cầu thẳng bon nhưng hai đường dẫn lại cong cong như một chữ S ngược.

< Chạy ngang một xóm nhà, vẫn còn treo cờ nước. Ở nhà, mình đã xếp cờ từ mồng 4, vùng ven 'ăn tết' lớn hơn nội thành, hi hi...

< Rợp bóng cây hai bên nên dù nắng gắt, không khí vẫn mát rượi. Rồi mình lại qua tiếp cây cầu nhỏ khác mang tên cầu Bà Chiêm. 'Bà Chiêm' cũng là tên hai cây cầu lớn khác trên đường Nguyễn Hữu Thọ mà bọn mình sắp đến.

< Từ đường Nguyễn Bính, sau khi vào một vòng xoay ở chân cầu thì mình vượt cầu Bà Chiêm với làn đường riêng, bên kia là làn đường ngược lại hướng đi Hiệp Phước.

< Cặp cầu Phước Kiểng kia rồi, cầu này vắt ngang dòng sông Mương Chuối được hợp thành bởi rạch Mương Chuối và rạch Tôm.

< Vào vùng đất đầy nhà cao tầng của Phước Kiểng, bỏ lại sau lưng những vùng quê...

Lúc này đã 11h30, về đến nhà chẳng chòi giữa trưa, kết thúc một chuyến lon con với xứ Cần và cù lao.
Đi cho biết, nhưng thục lòng thì chuyến ni không 'sướng' bằng những chuyến vặt vãnh 3 ngày đầu xuân với điểm đến chỉ là vùng ven thành phố.
'Ven' nhưng nhiều cái đẹp và lạ... nhưng lại đi tong mà không có cách cứu vãn do ổ cứng hư.

Từ ngày mai, mình sẽ lại post tiếp cung nhỏ du hí ngày rằm tháng Giêng, cũng chỉ là vùng ven thôi, trong đó có chùa Bửu Long trong này rằm lớn.

Hết
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Du lịch, GO!