(ĐĐK) - Đã từ lâu, mỗi khi nói đến Sông Đà - Hoà Bình, người ta nghĩ ngay đến chợ Bờ. Bởi, từ khi tỉnh Mường mới thành lập, người Pháp đã đặt tỉnh lỵ ngay tại nơi đây. Để đến được trung tâm hành chính này người ta phải vượt qua con thác nổi tiếng bởi vẻ trữ tình và hung bạo: Thác Bờ.

Thác Bờ nằm trong hệ thống thác trong câu ca xưa:
Đường lên mường lễ bao la
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh
Những người cao tuổi sống dọc sông Đà, hay những người có công, có việc đi lại, làm ăn trên sông Đà vào những năm trước 1980, thường có ấn tượng rất sâu đậm về những chiếc thuyền độc mộc được làm ra từ đất Vạn Yên.

Ngày chưa có thủy điện, tàu thuỷ từ Hà Nội ngược Sông Đà thường chỉ lên tới Chợ Bờ, còn vượt thác thì phải dùng thuyền độc mộc. Có người kể rằng, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đã lập xong tỉnh Bờ, hoàng tử nước Pháp Hăng – ri Oóc – lê - ăng đã đi tàu thuỷ lên Chợ Bờ. Ông đã cho dọn tiệc chiều ngay trên boong tàu, vừa uống rượu cùng với thống sứ, vừa ngắm những dãy núi đá vôi kỳ vĩ hai bên bờ sông.

Ngay sau đó, chiếc tàu trở về Hà Nội, còn hoàng tử cùng đoàn thuỷ tuỳ tùng đã vượt thác lên Vạn Yên bằng thuyền độc mộc.

Người Pháp đã nhiều lần muốn phá Thác Bờ để cho tàu chiến và các loại tàu vận tải nặng có thể ngược lên Tây Bắc. Vào khoảng năm 1890, công xứ Mo – ren có ý muốn khơi một con đường thuỷ giữa Thác Bờ. Nhiều cuộc thăm dò địa chất đã được tiến hành và tốn không biết cơ man nào là mìn của công binh để phá thác, nhưng vẫn vô hiệu.

Sau này, vào năm đầu thế kỷ XX (tháng 6 năm 1901) ông Gia-gô - tăng, kỹ sư, cùng các ông Gô-đa và Ga-Giăng cùng lên khảo sát Thác Bờ và tìm cách xác định sức nước Sông Đà khi chảy qua đây. Rồi lại đến cả ông Gô-mét (nhà thầu làm đường xe điện Hà Nội – Sơn Tây) cũng đã tìm cách áp dụng sức nước Sông Đà vào kỹ nghệ...

Ngay từ những năm xưa, chợ Bờ đã thành nơi buôn bán sầm uất. Những thổ sản của vùng Vầy Nưa, Hiền Lương, Vạn Yên, Phù Yên, Châu Mộc... được người ta lũ lượt gùi ra bờ Sông Đà lên thuyền độc mộc, đến chợ Bờ.

Đã có những tiệm ăn, sòng bạc của người Hoa và cũng có cả những đám cướp hoành hành suốt một dải Sông Đà. Họ có tài ẩn hiện như ma quỉ. Và đã có lúc, người Pháp cảm thấy không yên, bất lực nên đã chuyển tỉnh lỵ về Phương Lâm nhưng vẫn không bỏ Chợ Bờ. Về Phương Lâm, do chướng khí của Đầm Quỳnh (hồi cuối thế kỷ trước còn rất hoang vu), không ở được, người Pháp lại chuyển tỉnh lỵ lên Chợ Bờ. Một vài lần như vậy, tỉnh lỵ tỉnh Mường mới yên ổn ở đất Hoà Bình và được gọi là tỉnh Hoà Bình cho đến ngày nay.

Ai cũng biết, sau này người Nga đã dựa trên tài liệu khảo sát Sông Đà ban đầu của người Pháp, trong đó có khảo sát rất kỹ phía dưới Thác Bờ, để tiếp tục khảo sát kỹ hơn và đã xây dựng thành công nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Sau khi nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình hoàn thành, Chợ Bờ đã chìm sâu dưới đáy nước. Cùng với Thác Bờ và Chợ Bờ, nhiều làng Mường, làng Dao, làng Thái cũng đã chìm xuống. Dân Chợ Bờ cũ, phần vào bãi Sang, Tòng Đậu (Mai Châu), phần vào Tu Lý, Dốc Cha (Đà Bắc) phần dạt về định cư ở vùng Bình Thanh, Thung Nai.

Bây giờ những thứ cá nổi tiếng vùng Thác Bờ như cá cháy, cá rầm xanh, cá chiên, cá lăng... vẫn còn. Ở chợ Phương Lâm và các chợ bên công trường cũ như chợ Vồ, chợ Tổng, chợ Tân Thành vẫn còn bán những con cá rất lớn mà người ta phải xả ra những miếng nhỏ hai, ba cân để bán lẻ. Một vài món ăn làm từ lòng cá cũng đã bắt đầu nổi tiếng. Tuy vậy, cá anh vũ là thứ cá nổi tiếng từ xa xưa, những người cai quản lộ Đà Giang vẫn tiến vua thì nay đã hiếm. Thứ cá này có cái môi dày vì nó phải cắm ghim vào đá thác, chống lại sức nước chảy để hóng lấy thức ăn. Cá anh vũ sở dĩ nổi tiếng là ở cái môi đặc biệt của nó. Bây giờ không còn thác nữa, chắc nó lại đi tiếp lên phía thượng nguồn để tìm thác mới.

Anh Triệu Văn Phong, bí thư chi bộ xóm Ngù, một xóm thuần người Dao, định cư chon von bên sườn núi Biều có kể cho tôi nghe lịch sử di cư của người Dao vào đất Việt qua một bài cúng. Đại ý là do một hoạn nạn, người Dao từ Trung Hoa chạy sang đất Việt và cứ men theo hai bờ sông Hồng, sông Đà mà đi, nhưng không được đi quá những triền núi mà vua Lê chỉ định...

Như vậy, người Dao đã có một quá trình thiên di trên sông nước. Bây giờ định cư trên triền núi cao đã đánh mất thói quen đi đường thuỷ. Người Dao có cái gùi đan bằng lưới rất đặc trưng. Cái túi thật là vạn năng, nó đi theo người Dao bất cứ ở đâu, lúc đang làm bất cứ việc gì, đựng bất cứ vật gì, từ những thứ quí giá như bạc trắng cho đến bột cám lợn. Cái gùi lưới ấy nó tiện cho việc đi dốc núi, đi rừng rậm, đến nỗi người ta có thể nghĩ rằng người Dao sinh ra là đã được ông trời đặt cái gùi đó vào nôi rồi.

Từ làng Ngù nhìn thẳng sang Vầy Nưa, bây giờ người Dao làng Ngù đã có rất nhiều người có thuyền máy để chở hàng từ Sơn La về, chở hàng đi Chợ Bờ, đi chợ Phương Lâm... Cái thuyền nó chở được bằng hai, ba ngàn cái gùi một lúc. Nhưng đi trên thuyền , người Dao vẫn đeo gùi. Tuy vậy, cái đầu người Dao đã suy nghĩ trên cái thuyền máy chứ không phải trên đường mòn nữa.

Còn một làng Dao gọi là làng Phủ xưa thì đã hoàn toàn ngập trong nước. Những con cá chiên Thác Bờ đã về đẻ trứng trên những bụi nứa làng Phủ. Người Dao làng Phủ bây giờ không còn đất ruộng, cũng không còn đất làm nương. Họ xoay ra nuôi cá lồng, đi câu, đánh lưới... Những nghề kiếm sống hoàn toàn mới mẻ đối với người Dao. Nếu trước đây họ sống chủ yếu nhờ nương rẫy thì đến nay họ sống chủ yếu nhờ nghề cá. Cá làng Phủ chưa bị ô nhiễm, ăn rất ngon. Những kẻ sành ăn ở đất thị xã (nay là thành phố Hoà Bình ) tìm vào tận làng Phủ, phải vượt ba bốn con dốc để mua cá về ăn.

< Chợ Bờ cũ xưa đã chìm dưới độ sâu 200 mét. Chợ Bờ hôm nay ven theo bờ núi.

Bây giờ Chợ Bờ xưa đã ngập trong nước. Những cây đa, cây si cổ thụ ở chợ cũng đã chìm đi. Nhưng những kỷ niệm về nó thì vẫn đeo đẳng theo mỗi đời người. Chợ đã được dời lên một mom đất cao, trông như một cái đầu có răng nhô ra mặt hồ. Chợ Bờ bây giờ còn là cái chợ hồ theo mọi nghĩa của nó. Trong ngày phiên (chủ nhật) thuyền lớn, thuyền nhỏ đậu kín quanh mom đất. Ngoài những sản vật truyền thống như măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, lợn Mường, lợn Mán, cá hồ... Còn có rất nhiều chuối. Cả một vùng mênh mông này thích hợp với chuối.

Theo Bùi Minh Chức (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!