Sìn Hồ là huyện nằm ở giữa tỉnh Lai Châu, phía bắc giáp Vân Nam - Trung Quốc, phía nam là huyện Tủa Chùa, phía đông là huyện Phong Thổ, phía tây là huyện Mường Tè. Huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ nằm cách thị xã Lai Châu 60km về hướng tây. Ngoài ra còn có 22 xã: Pa Tần, Nậm Ban, Hồng Thu, Phìn Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Ma Quai, Nậm Tăm, Nậm Cha, Noong Hẻo, Pu Sam Cáp, Căn Co, Nậm Mạ, Nậm Cuổi, Nậm Hăn, Lê Lợi, Chăn Nưa, Pú Đao.
Khi nhắc tới hai chữ Sìn Hồ người dưới xuôi thường nghĩ về một nơi thâm sơn cùng cốc với khí hậu vô cùng khắc nghiệt vốn luôn được nhắc tới trong các bản tin thời tiết vào mùa đông. Nhưng chỉ khi tới được nơi này người ta mới chợt nhận ra nét duyên lãng đãng đầy mê hoặc từ thiên nhiên đến cảnh sắc và con người nơi đây.

Theo tiếng bản địa, 'Sìn Hồ' là nơi tập trung nhiều con suối. Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu và khí hậu tương tự như Sapa bởi nền nhiệt đặc trưng xứ lạnh, thậm chí mùa đông có thể xuất hiện cả băng giá. Đây là vùng đất còn ngủ yên, chưa bị đánh thức bởi làn sóng du lịch vì thế vẫn giữ được cho mình những nét hoang sơ, bí ẩn.

Suốt cuộc hành trình lên Sìn Hồ là những trải nghiệm thú vị khi đi xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp mà nếu nhìn từ phía xa chỉ thấy những sợi mây trắng bạc đang vương hờ trên những tán cổ thụ mọc trên núi cao. Mây không chỉ len lỏi giữa các thung lũng được xếp lớp, mây lãng đãng trên những khoảng ruộng bậc thang và con đường quanh co dốc mà ta còn có thể thấy mây vờn trên mặt hồ thủy điện khi ghé mắt vào một ống kính tele nào đấy.

Từ thị xã Lai Châu, đường lên Sìn Hồ ngang qua nhiều khu rừng rậm với những thung lũng, khe suối cùng hệ thống hang động khá phong phú. Từ Điện Biên có thể đến Sìn Hồ theo quốc lộ 12 lên Mường Lay, đến ngã ba Chăn Nưa rồi rẽ vào tỉnh lộ 128 để có dịp đi dọc theo dòng sông Đà hùng vĩ, chinh phục hai đoạn đèo Ma Thì Hồ (Mường Lay) và Chăn Nưa (Sìn Hồ) quanh năm mây phủ.

Dù đi theo đường nào, du khách cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cung đường lên xuống dốc, ngoắt ngoéo đến chóng mặt…

Băng qua những con đèo uốn mình trong mây là tới những thung lũng trù phú được bao phủ bởi một màu vàng óng ả của lúa, hay nét chấm phá của những gốc cây già nua thân sần sì mốc thếch mà hàng năm vào mùa xuân vẫn bung nở những hoa mai, hoa mận, đào, lê trong cái rét hãy còn căm căm.

Trên suốt chặng đường đèo tuyệt mỹ ấy, thi thoảng ta còn bắt gặp lác đác những nếp nhà nhỏ nằm ngay ven đường, và vào ngày đẹp trời sát phiên chợ, những cô thiếu nữ Sìn Hồ ngồi đạp máy khâu nơi khoảng sân trước nhà gợi bao cảm xúc.

Sìn Hồ tập trung nhiều cảnh đẹp hấp dẫn như cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá… gắn liền bao truyền thuyết ly kỳ. Du khách sẽ ngỡ ngàng thích thú khi trước mắt hiện ra những đỉnh núi mây giăng hay những thung lũng ửng vàng chói chang với những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa thu hoạch. Đi sâu vào những bản làng Pú Đao, Tà Ghềnh, Hoàng Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin của người Mông, Dao nép mình bên vách núi, du khách tưởng như lạc vào một không gian cổ tích khi gặp những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xinh nổi bật giữa màu xanh của núi rừng, những phụ nữ dân tộc địu nước hì hụi leo lên đỉnh dốc hay những chú lợn bản ụt ịt kiếm ăn nơi bìa rừng.

Sìn Hồ càng độc đáo hơn mỗi khi có phiên chợ họp vào hai ngày cuối tuần. Tuy bắt đầu nhóm vào sáng thứ Bảy nhưng lúc này chợ chủ yếu thu hút người bản địa sống quanh thị trấn, chỉ qua ngày Chủ nhật mới thực sự đông vui rộn ràng khi người từ các thôn bản xa xôi đổ về, từ người Mông đỏ vùng Chăn Lưa, Làng Mô hay người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin đến người Mông hoa, Phù Lá tận xã Pu Sam Cáp cách thị trấn Sìn Hồ đến cả ngày đi đường…

Họ đến đây địu theo những hàng hóa thường là do nhà làm ra. Những gương mặt hiền hòa chân chất, những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, những tiếng xì xào mua bán cùng tiếng cười giòn tan bên những món ăn mang theo hương vị của núi rừng đã hợp thành một bức tranh màu sống động.

Đặt chân tới Sìn Hồ là đến với xứ mưa - nắng thất thường, vừa mới nắng đấy mà có thể mưa rào ngay được và khi trời vừa sâm sẩm tối thì dù cho đang giữa hè trời cũng trở lạnh, ra ngoài là phải khoác tấm áo ấm kẻo mà cảm lạnh.

Cái điệp khúc thất thường của thời tiết ấy bỗng đâu trở thành nét lạ khi được đặt cạnh một thung lũng  với những con đường mây trắng trên suốt hành trình. Bởi thế, những người hay phượt vẫn thường nhắc tới tên đèo Làng Mô mỗi khi chạy qua Sìn Hồ, bởi đó là một trong những sân mây khổng lồ của đại ngàn.

Du lịch, GO!