(ANTĐ) - Tây Giang (Quảng Nam) là một huyện miền núi nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, dân số phần đông là đồng bào người Cơ Tu với những tập tục mang tính tâm linh có giá trị văn hóa được thể hiện qua các lễ hội truyền thống.

Đồng bào Cơ Tu sống giữa đại ngàn, làm nương, phát rẫy săn bắt để sinh sống nên họ tin vào Giàng (trời) và các đấng thần linh. Và lễ đâm trâu chính là một trong những tín ngưỡng thần linh quan trọng diễn ra vào dịp mừng lúa mới, ngày trọng đại của buôn làng…và là một hình thức sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu. Với quan niệm: khi Giàng và các vị thần linh nhận lễ vật, nhất là trâu, thì sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, mùa màng sẽ bội thu, cuộc sống no ấm trong suốt cả năm.

Buổi chiều trước lễ đâm trâu, các già làng đã tề tựu đông đủ dưới mái nhà Gươl làm lễ mời Giàng, mời thần linh về chứng giám cho lòng thành của dân làng. Từng tốp người tụ về quanh khoảnh sân rộng, họ mang theo gà, đầu lợn, bánh sừng trâu,… đến bên con trâu hiến tế, gửi vào lời khấn thành kính những ước nguyện về một năm sung túc.

Dân làng ăn uống, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng cho đến khuya. Còn các già làng ngồi khóc tế trâu  trắng đêm. Mượn theo hát lý Cơ Tu và tiếng trống đệm các cụ khóc kể thảm thiết: Tiếng khóc vang vọng giữa đại ngàn, xuyên qua màn sương lạnh căm tạo thành một âm thanh kỳ bí. Dường như đất trời đang giao hòa làm một.

Buổi sáng hôm sau, khi lớp sương lạnh vẫn còn là là trên mặt đất, từ khắp mọi nơi người dân đã dồn cả về quanh cột X’nur. Tiếng khóc trâu đã dứt, thế vào đó là tiếng cồng chiêng vang lên bắt nhịp cho điệu nhảy Tung tung Za-zá của nam nữ thanh niên sau khi già làng có uy tín nhất đến bên cột X’nur làm lễ cúng Giàng. Từng tốp phụ nữ uyển chuyển khép thành vòng tròn cùng nhau nhảy múa quanh con trâu. Ngoài sân, người lớn, trẻ nhỏ đứng xung quanh, vừa xem, vừa hú vang theo nhịp chiêng trống.

Sau khoảng một giờ hứng khởi với điệu nhảy “aman”, người nhảy đã thấm mệt và con trâu cũng đã bị làm cho… chóng mặt thì một đoàn gồm các già làng cầm trên tay những cây giáo sắc nhọn tiến vào. Nhát đâm đầu tiên bao giờ cũng do già làng uy tín nhất thực hiện, rồi sau đó là những thanh niên dũng mãnh. Bởi sau nhát đâm đầu tiên con trâu phát hoảng, vùng vẫy tìm đường thoát, đó cũng là lúc con trâu trở nên hung dữ nhất.

Con trâu quỵ xuống vì kiệt sức rồi tắt thở, người ta lấy chót của đuôi trâu cùng với một con gà trống còn sống mang cúng thần linh. Già làng lấy một ít phần đuôi, gan và vật cúng tung lên cái ổ trên cột X’nur, toàn bộ lọt gọn vào như một điềm báo rằng Giàng đã chấp nhận lễ vật của dân làng.

Dân làng reo vui trước điềm lành rồi hân hoan mời khách quý lên nhà Gươl cùng ăn, uống thỏa thích. Mọi người quây quần bên nhau trong ngôi nhà Gươl uống rượu, hát lý, đánh chiêng, thổi kèn, múa tung tung. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho tới hết đêm hôm đó.

Theo Tuấn Linh (báo An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!