(VTC News) - Sau những lần vật lộn với con đường mòn lầy lội, đối mặt với cái chết luôn rình rập mỗi khi đi về bản khiến hình ảnh về một con đường khang trang dẫn về tận bản luôn ám ảnh tâm trí Blao. Với ý chí của người con đại ngàn, con đường mang tên BLao đã thành hiện thực.

Xã Tr’Hy cực Tây Quảng Nam nằm ở độ cao trên 1.500m, quanh năm mây mù. Con đường hun hút gần 30 km, nối từ vùng núi phía Đông Trường Sơn ấy xuống vùng trung du quanh co uốn lượn, nhìn xa như con mãng xà trong cổ tích Cơ Tu đang trườn nhanh về phía trung tâm huyện. 35 năm trước, một người đàn ông ở đây đã một mình vạt rừng, rẽ núi, vật lộn với những lớp đất trộn đá của đại ngàn để làm nên con đường ấy.

Ám ảnh con đường về bản!

Chúng tôi đến thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam vào một buổi chiều muộn cuối năm. Trời càng về chiều, thôn Voòng càng đẹp. Và càng đẹp hơn khi thôn Voòng ngày càng sung túc, đời sống dân bản ngày càng khấm khá.

< Con đường được mở bằng ý chí nối Tr’Hy tới trung tâm huyện.

Tiếp chúng tôi trong mái nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu, già làng Clâu BLao (SN 1943) nở nụ cười khỏe khoắn của những người con đại ngàn. Khi chúng tôi hỏi về chuyện mở đường được cho là huyền thoại trên vùng núi này, Blao tâm sự, đó là cả một quá trình gian khổ. Nếu không có ý chí và sự đồng lòng thì khó có thể làm được con đường này.

< Blao trong căn nhà nhỏ của mình cùng những bằng khen ghi nhận công sức của ông trong việc xây dựng con đường mang tên ông.

Blao kể lại, từ khi được bà con bản làng phong tặng cho danh hiệu “y sĩ của bản làng”, mình vui lắm. Mừng cũng có mà lo thì cũng không ít. Blao thường đi khám bệnh cho bà con, có khi hàng chục cây số. Đặc biệt, có nhiều lần đi họp ở trung tâm huyện có khi đi về gần 10 ngày đi bộ khiến BLao nảy sinh ý tưởng: “Làm thế nào để cho dân mình có một con đường đi đúng nghĩa. Và tại sao lại không làm?”.

Vùng núi này, ngày trước người dân ở xã Tr’Hy và các xã như AXan, Ch’Ơm và Ga Ry (tách từ hai xã Tr’Hy và Tr’Um) để xuống trung tâm huyện Tây Giang (xã Lăng hiện nay) phải mất 2- 3 ngày cho quãng đường đi và chừng ấy ngày đêm cho quãng đường về. Còn từ năm 1977 nhập huyện Tây Giang và Đông Giang thành huyện Hiên muốn về trung tâm huyện (thị trấn Prao của huyện Đông Giang ngày nay) phải mất 8 - 9 ngày cho hai quãng đi về.

< Một góc thôn Voòng ngày nay.

Người dân thì không ai hoặc ít ai dám đi về, chỉ có cán bộ khi nào có họp hành thì mới hành quân về trung tâm huyện. Theo Blao thì mỗi lần đi họp, ông áng chừng thời gian đi khoảng bao lâu để chuẩn bị lương thực cho đủ chuyến hành trình. Mỗi lần xuất phát, trên vai BLao nặng trĩu lương thực, nước uống, chăn mền, tấm ni lông… cho chuyến hành trình và không quên cây rìu, rựa để phát cây, cối cùng cái ăng-gô để nấu ăn. Vất vả là vậy nhưng Blao luôn phải đối mặt với sự nguy hiểm.

“Cực nhất vẫn là lúc gặp mưa rừng. Những lúc gặp lũ thì coi như mạng sống của con người giữa chốn hoang sơ nhẹ tênh như chiếc lá. Đặc biệt, những cơn lũ ống bất thần đánh ầm bên tai cuốn đi tất cả những gì có thể", già làng BLao tâm sự.

< Blao bên con đường được ông phóng tuyến qua ngọn cây trong ngày đầu xây dựng.

Sau những lần vật lộn với con đường mòn lầy lội, đối mặt với cái chết luôn rình rập, trong thâm tâm BLao luôn nuôi ý tưởng phải tìm sự sống vững bền cho dân bản mình. Và việc phải có một con đường dẫn về bản luôn ám ảnh Blao.

Phóng tuyến bằng… ngọn cây!

Vào cuối năm 1977, khi quyết tâm nghiên cứu, khảo sát mở một con đường hình thành cũng là lúc ông BLao gặp muôn vàn gian khó. Như một vật thể lạ thả vào vũ trụ… rừng bao la, với những kiến thức số học, căn đo đong đếm, kẻ vẽ, tưởng tượng hình học khiến ông nhiều đêm mất ngủ, quay cuồng tìm hướng đi và nhiều lúc tưởng như vô vọng.

Trên mỗi quả đồi, đỉnh núi, BLao trèo từ cây này qua cây khác, tìm cây cao nhất để mở rộng tầm nhìn và ước lượng. Và các ngọn cây cao suốt dọc tuyến đường về bản đều ghi dấu ấn của Blao mỗi khi “phóng tuyến”. Các cây cao ở phía cuối chân đồi được chọn làm điểm mở đường sao cho hợp lí, thuận tiện nhất. Cứ thế mỗi chân đồi, sườn núi đều có một cây làm “cọc mốc” để mở hướng một con đường… trong tương lai.

Cứ như vậy, hết từ ngọn đồi đến đỉnh núi, hết cây tùng, đến cây lim… BLao hướng về phía chân núi, sườn đồi lấy rựa khắc vào cây, chặt một vài cây nhỏ để làm dấu, hình thành một con đường theo… dấu cây. Khác với nhiều lần trước, những lần đi họp ở trung tâm huyện kết hợp nghiên cứu, khảo sát, ngày đi của BLao kéo dài ra; có khi BLao xin nghỉ 1 tuần, 10 ngày để thực hiện ý nguyện của mình.

< Con đường mang tên BLao nối liền trung tâm xã Tr'Hy đến thôn Voòng trong những ngày đầu xây dựng.

Và cứ thế, ròng rã gần 4 năm, BLao đã đưa ý tưởng xây dựng một con đường thành hiện thực (thể hiện qua dấu cây) để trình bày trước Đảng ủy, UBND, HĐND xã Tr’ Hy, khiến ai cũng… giật mình.  Nhiều người còn xầm xì: “Chắc BLao đi rừng nhiều quá nên nhiễm tính… hoang tưởng?”.

Và con đường mang tên Blao!

Khó khăn không chùn ý chí, mỗi lần họp Đảng ủy, UBND, HĐND, học nghị quyết… già làng BLao đều đưa ra ý định mở đường của mình. Mãi đến tháng 7/1981, Đảng ủy, UBND và HĐND mới đồng tình quan điểm.


< Trung tâm xã Lăng ngày một sầm uất hơn.

Và đầu năm 1982, lãnh đạo xã Tr’Hy tiếp tục cử BLao dẫn một đoàn thanh niên đi phát một số cây rừng, khảo sát thêm một lần nữa mới đồng tình “tổng tấn công” mở con đường độc đạo từ xã Lăng lên xã Tr’Hy.

Tháng 7/1982, gần 500 con người gồm cán bộ xã, thôn, thanh niên và bà con thôn bản xã Tr’Hy đồng loạt theo chân BLao đi mở đường. Trên lưng, họ gùi theo lương thực và những thứ cần thiết để chặt rừng, san đồi, cào đất… BLao dẫn 10 thanh niên lực lưỡng đi trước, đo và chặt phần cây trên làm dấu. Phía sau, chia thành từng thôn, mỗi thôn làm từng đoạn. Đất bụi thấm mồ hôi, mưa rừng xối xả, nắng cháy trên đầu vẫn không ngăn được con đường với bề ngang 1m, bề dài từ xã Lăng về tới thôn Voòng, trung tâm xã Tr’Hy dài 37 km ven theo những chân đồi.


< Trung tâm hành chính huyện Tây Giang.

Tháng 8/1982, con đường lộ diện, kể cả BLao và những người chứng kiến dường như không tin trước mắt mình là sự thật. Đồng bào đi trên con đường hơn 20km mà lòng dạ xốn xao, niềm vui chất đầy tiếng cười lẫn những giọt nước mắt vui sướng.

Sau ngày mở đường, ước vọng và tầm mắt cũng như bước chân của đồng bào được tiến xa hơn, người dưới xuôi lên sinh sống đông hơn, các bản làng giao lưu thân thiện hơn. Nhiều bệnh nhân tưởng chừng không thể sống, nhờ con đường đã chuyển đến trạm y tế kịp thời và đã được cứu sống... Từ đó, người dân gọi con đường này mang tên BLao để ghi nhận đóng góp của ông.

Nối tiếp con đường no ấm

< Lực lượng thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn Quảng Nam cùng thanh niên xã Tr'hy làm cầu bắc qua suối nối tuyến đường Clâu Bhlao về các thôn.

Con đường được mở rộng nhờ dự án mở tuyến đường vùng biên giới do Nhà nước đầu tư. Điểm nối đầu tiên bắt đầu từ A Zích, xã A Vương trên đường Hồ Chí Minh lên bốn xã vùng cao biên giới (xã Gari mới thành lập) trên nền con đường cũ năm nào của Clâu BLao và bà con Cơ Tu mở, bây giờ  ôtô công vụ chỉ mất đúng hai tiếng đồng hồ về đến trung tâm xã Lăng (trung tâm tạm thời của huyện Tây Giang).

Ngày nay, thanh niên bốn xã vùng cao biên giới noi gương Clâu BLao tiếp tục mở những con đường về các thôn làng. Những con đường đã mở toang cánh cửa vùng phía tây của Quảng Nam, nối thông với quốc lộ 14D và đường Hồ Chí Minh tạo một tuyến giao thông liên hoàn dọc theo chiều dài hơn 170km vùng biên.
Xem thêm >

Theo VTC News
Du lịch, GO!