Cách trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai) hơn 10km về phía Bắc hướng đi Simacai, đèo Pha Long mang trong lòng bao huyền sử của sông Chảy đã bồi đắp nên những tầng những lớp trầm tích văn hóa bản địa độc đáo.
Tên đèo cũng là tên của xã vùng cao vốn vẫn còn giữ được cho mình vẹn nguyên những bản sắc văn hóa của người Mông, Dao, Tày, Nùng cùng những đặc trưng không thể trộn lẫn thể hiện rõ nét trong lễ hội Gầu Tào hàng năm.
Cả con đèo dài khoảng 20km với những con dốc cheo leo đầy thách thức. Ngày nay tuy đã được tu sửa và rải nhựa giúp việc đi lại thuận tiện hơn vài năm trước nhiều nhưng bất kể ai đi qua đều vẫn phải hết sức thận trọng bởi đường đi hẹp và những con dốc thì cứ ngày một cao hơn. Và khi đã ở chính giữa đỉnh đèo rồi thì cũng vừa lúc cái duyên Tây Bắc hiển hiện mê hoặc khách đường xa với vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng.
Từ những cánh núi thuộc khối vòm sông Chảy với những đỉnh núi quanh năm mây vờn ở phía xa xa, cho tới những bức tranh ruộng bậc thang được pha phối bởi những mảng màu vàng, xanh, tía phía thung lũng trù phú được điểm xuyết bởi những thân sa mộc rắn chắc đang vươn mình đón nắng. Bên mép vực nơi những cột mốc biên giới và mốc đường bộ vừa mới được dựng lên, từng khóm hoa rừng không quên gốc tích của mình vẫn kiên cường bám trụ để rồi khoe ra vẻ đẹp mộc mạc của mình trên nền xanh lá mạ đã hơi hướm chuyển vàng của những thửa ruộng bậc thang.
Ẩn hiện đâu đó trong bức tranh hùng vĩ ấy là những nếp nhà trình tường với những mái ngói thâm rêu nổi bật lên những sắc màu đầy tươi vui của cuộc sống, từ những tà váy sặc sỡ đang tung bay bên bờ rào đá cho tới tiếng kẻng trâu bằng gỗ trầm ấm vọng đi khắp vòm núi. Vẻ đẹp ban sơ của thiên nhiên hòa lẫn với vẻ đẹp được tạo ra từ bàn tay cần mẫn của con người đã bày ra trước mắt lữ khách xiết bao niềm thương mến.
Từ đây đi tiếp sẽ gặp con đường nhỏ lổn nhổn đầy đất đá và những ổ trâu khổng lồ dẫn tới cửa khẩu, nơi đó vẫn còn bờ rào đá được dựng lên từ lâu lắm rồi để phân chia lãnh thổ hai nước Việt – Trung, ngẫm ra thật đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng hai từ “phên giậu”Tổ quốc.
Du lịch, GO! - Theo Tuấn Linh (An Ninh Thủ Đô), internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.