(Giải trí) - Bạn còn nhớ bài viết 'Lần đầu đi bụi' của tác giả Vy Vân (đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sàigòn) mà Dulichgo đã trích đăng lên đây không? Bài kể về một chuyến du lịch theo kiểu phượt và đây cũng chính là lần đầu tiên bạn ấy 'xuất ngoại' theo một chuyến bụi xa rồi tự ví mình như 'gà công nghiệp xuất chuồng'.
Kỳ này, sẽ là chuyến đi lần thứ 2 của Vy Vân theo hướng Tây tiến. Cũng với cách viết lôi cuốn, tác giả sẽ lôi kéo bạn vào một chuyến lang thang thú vị nhưng không tránh được những điều hồi hộp xẩy ra trên những nẻo đường xa lạ.
Do bài chính rất ít hình ảnh nên giống như kỳ rồi, mình sẽ thêm vào những ảnh minh họa để tiện trình bày và dễ coi hơn.
Vẫn biết: tiêu chí của Du lịch, GO! là chỉ quan tâm đến những địa danh trong nước thì bài ký sự này cũng như bài trước là một sự 'ngoại đạo', tức là phượt ra nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng bài viết đáng đọc nên mình lại đưa vào chủ đề 'Xã xì trét'. Bạn đọc để giải khuây, để hồi hộp trong các tình huống mà cô gái đã gặp phải nơi xứ lạ quê người. Nó cũng giúp các bạn: những người yêu chủ nghĩa 'xê dịch' tích tụ thêm vốn sống trên bước đường phượt.
Mời bạn xem nhé.
Chuyến du lịch bụi thứ hai, ban đầu tôi định đi Lào, nhưng trời đã sang mùa mưa, đường bên Lào rất khó đi, nên chuyển hướng đi Thái, mà đi Thái sang tháng 7, tháng 8 bắt đầu mưa nhiều có thể Bangkok sẽ bị ngập lụt, chỉ có thời điểm tháng 6 này là thích hợp nhất.
Xếp hành trang xong, tôi định chạy qua văn phòng Mai Linh trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) mua vé thì họ bảo dẹp chuyến TPHCM - Phnom Penh rồi, tôi liền chạy sang hãng xe Sapaco gần đó mua vé. Giá vé là 200 ngàn.
Trở lại Phnom Penh
Muốn đi Thái bằng đường bộ từ TPHCM, phải sang Campuchia trước rồi đi tiếp qua Thái. Tôi đến Phnom Penh vào khoảng 1 giờ chiều. Đã có kinh nghiệm, lần này tôi báo bác tài cho xuống ở ngã tư đường Monivong và Sihanouk, tìm một nhà trọ gần bến xe để sáng mai tôi đi Bangkok luôn. Từ đường Sihanouk tôi quẹo sang đường 105 rồi đi đến cuối đường gặp đường 182. Vùng này tôi chưa tới lần nào nhưng vì đọc thuộc bản đồ trước, nên đi một mạch tới nơi.
< Một ngôi chùa gần khu chợ trung tâm Phnom Penh.
Quẹo trái lần nữa là gặp Capitol Tour, nơi tôi sẽ mua vé đi sang Bangkok vào sáng mai, giá vé 17 đô la. Tiện thể tôi hỏi cô bán vé nhà trọ, Capitol có chỗ trọ giá từ 4-12 đô la, ngay bên hông văn phòng bán vé. Tôi mướn luôn phòng 4 đô la, phải dùng chung nhà tắm. Tuy là phòng tắm chung nhưng khá sạch sẽ, y như phòng tắm ở nhà chứ không bẩn như ở một số nhà vệ sinh công cộng ở xứ ta.
Lần này rút kinh nghiệm, tôi mang theo kem đánh răng, dầu tắm gội loại nhỏ dùng được vài ngày (nhà nghỉ ở Phnom Penh, có nơi không có xà bông tắm, kem đánh răng cho khách). Kế bên nhà trọ này có dịch vụ Internet và cả cho thuê xe đạp nữa. Tôi thuê xe đạp dạo một vòng Phnom Penh, giá thuê 2 đô la một ngày, nhưng tôi chỉ đi vài tiếng thôi nên kỳ kèo một lát bớt được một nửa, chỉ trả 1 đô la cho buổi chiều thuê xe, nhưng phải trả xe trước 8 giờ tối.
Lần trước đi lạc lung tung nhưng lần này tôi đã định hướng khá hơn nên không cần dùng bản đồ, dù có mang theo. Tôi chạy trên đường Monivong gặp một cái chợ, ghé vào mua hơn 1 ký nhãn giá 6.000 riel, rồi chạy vòng vòng khắp ngõ ngách. Lâu rồi không đi xe đạp, nhưng tôi thấy rất dễ chịu và thuận tiện. Dọc đường, tôi mua trứng vịt lộn ăn, giá 1.000 riel/quả (5.000 đồng). Xeo xéo trước mặt Capitol Tour có chợ O' Russey (khác với chợ Nga - Russian market), buổi chiều bán rất nhiều thức ăn bình dân từ cơm, phở, vịt quay, cháo...
Lúc về, tôi ghé chợ O'Russey mua một trái dừa (2.000 riel) để uống. Tôi định uống nước mía nhưng buổi chiều các quán nước mía dẹp hết rồi. Sau đó, lại ăn một tô nhỏ cháo gà, giá 3.000 riel. Ông bán cháo rất thân thiện, nhìn tôi ăn và hỏi tôi có ngon không. No bụng, tôi tiếp tục đạp xe lang thang...
< Chợ trung tâm thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Trên đường Sihanouk có siêu thị Lucky. Tôi ghé vào ngắm coi có gì hay ho không. Cũng có đủ thứ hàng hóa nhưng quy mô nhỏ hơn cái siêu thị Coop-mart Biên Hòa nhiều.
Tôi mua một ít thức ăn ở siêu thị rồi quay về nhà trọ, trả xe xong tôi lên mạng, mới 7 giờ tối mà tiệm Internet vắng tanh. Đến gần 8 giờ tiệm net đóng cửa. Tôi về nhà trọ, đi ngủ sớm, ngày mai là chặng đường gian nan, 14 tiếng đồng hồ ngồi trên xe di chuyển đối với tôi như bị tra tấn, thể trạng tôi yếu và tôi hay bị say xe.
Tiến về biên giới Cam - Thái
< Hàng dừa tươi tại chợ O’ Russei, giá 2000 riel/quả.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, tắm rửa cho tỉnh táo, ra chợ mua ít đồ ăn mang theo và làm thủ tục trả phòng. Tuyến xe Phnom Penh - Poipet chạy nội địa hôm đó, trên xe toàn người Khmer, không có bất cứ một người nước ngoài nào. Tuy nhiên trên kiếng xe cũng có ghi một câu tiếng Anh, nhắc nhở hành khách tự trông giữ hành lý của mình, nhà xe không chịu trách nhiệm gì nếu xảy ra mất mát. Nhìn quanh, tôi nghĩ trên xe toàn người lao động bình dân, không ai biết tiếng Anh, tôi im lặng.
Anh chàng ngồi cạnh chỉ trả lời tôi được một câu duy nhất: “Poipet” khi tôi hỏi: “Where do you go?”. Còn những câu thông thường khác anh ta đều không hiểu. Rõ chán! Tôi không muốn phí thời gian ngồi trên xe chỉ để ngắm cảnh; thực ra cảnh cũng chả có gì để ngắm, những cánh đồng Khmer bạt ngàn nhưng khô khốc, không thấy trồng trọt gì vào mùa này.
< Quán bán chuối nướng tại trạm dừng thứ nhất trên đường đi từ Phnom Penh đến biên giới Poipet, Thái Lan.
Tôi lấy cuốn sách Lonely Planet ra, phía sau có một chút song ngữ Anh-Khmer, tôi đề nghị anh ta dạy tôi cách phát âm. Tiếng Khmer khó nói kinh khủng, nên tôi muốn được học từ dân bản xứ để phát âm cho chuẩn chứ không phải tự học mò, tận dụng được thời gian rỗi trên xe học thêm chút ít. Anh chàng ngồi cạnh tôi tên là Togh, vẻ mặt hiền lành và nhiệt tình chỉ dẫn tôi cách phát âm tiếng Khmer.
Togh lấy miếng sing-gum ra mời tôi, tôi cầm lấy nhưng không ăn và giả lả nhét vào túi (đi tàu xe, tối kỵ việc ăn, uống bất kỳ thứ gì của người lạ mời, mặc dù tôi đoán anh này không có ý xấu nhưng cẩn thận vẫn không thừa). Dọc đường xe dừng lại ở trạm để hành khách vệ sinh và ăn uống, các trạm bán đồ ăn thức uống khá mắc, tôi mua một chai nước nhỏ - giống như chai C2 bên Việt Nam - hết 3.000 riel.
< Anh chàng Togh, người ngồi chung băng ghế với tôi.
Xe tiếp tục lăn bánh, Togh mua hai chai nước ướp lạnh và mời tôi, tôi nói cám ơn, không nhận và chỉ vào chai nước tôi cũng mới mua. Lúc đi tôi có mang theo nước suối, nhưng khi dừng ở trạm, tôi xuống xe trước, sợ anh ta bỏ thuốc mê vào chai nước đã khui nắp và uống trong lúc xe chạy, nên tôi uống chai nước ngọt mới mua cho an tâm. Chỉ vào cây cối hai bên đường, Togh dạy tôi thêm vài từ mới, nhưng giờ tôi quên mất rồi, chỉ nhớ được hai từ: Cây thốt nốt: đam thờ not; cây dừa: đam đo.
Tôi nhắm mắt, thiu thiu được một chút thì xe dừng ở trạm thứ hai. Một anh chàng khác ngồi đối diện băng ghế của tôi bắt chuyện, anh này nói được chút tiếng Anh. Anh ta quê ở biên giới nên biết nói một chút tiếng Thái (và đòi dạy tôi tiếng Thái mới ghê chứ). Không biết ai dạy ai đây?
Gia đình tôi người Tày, khi học tiếng Thái tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với tiếng Tày. Không chừng tôi sẽ dạy lại anh ta cũng nên! Dọc đường, xe dừng lại rước một anh Tây ba lô lên xe và ngồi ngay băng đối diện với tôi. Tôi nghĩ bụng, thế là có "bạn" rồi, ít ra cũng có người mà "tám" cho đỡ buồn.
Xe tới trạm cuối, gần biên giới, Togh bảo tôi xuống xe, tôi ngoắc luôn "bạn" Tây ba lô xuống cùng. Anh chàng này người Thụy Sĩ, đã đến Thái Lan một lần, hỏi tôi rằng có chắc là phải xuống ở đây không? Tôi bảo tôi không biết, chỉ nghe anh chàng Campuchia ngồi cạnh tôi bảo thế.
Vì tài xế và lơ xe không biết nói tiếng Anh (xe chạy nội địa mà) nên anh chàng người Thụy sĩ bảo tôi cứ đứng ở cửa xe chờ, nếu lát chạy tiếp thì chúng tôi lại leo lên xe, theo trí nhớ của anh ta thì hình như xe dừng ở cửa khẩu mới đúng.
Và quả là anh ta nói đúng thật, xe tiếp tục chạy, tôi và anh ta leo lên xe (2 người duy nhất còn lại) để tới sát cửa khẩu, số khách người Campuchia đã xuống hết ở trạm cuối rồi. Hú hồn, nếu tôi không gặp anh chàng Thụy sĩ này, có lẽ tôi đã mất tiền oan để đón xe tuk tuk tới cửa khẩu (khoảng 500 mét thôi).
Còn tiếp
P1 - Một tuần "tây tiến"
P2 - Ngày đầu trên đất Thái
P3 - Một ngày không vui
P4 - Du lịch... lang thang
P5 - Chuyến về hồi hộp
P6 - Những người bạn đường dễ mến
Phần cuối - Như tìm lại tuổi thơ
Vy Vân
Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes.vn
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.