Câu hỏi “cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây khi nào thông xe?” tuy không mới nhưng luôn là vấn đề được đông đảo người dân quan tâm. Bởi, khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng sẽ mở ra lối thoát cho các loại ôtô thường xuyên bị kẹt ở xa lộ Hà Nội, ngã ba Vũng Tàu hay phà Cát Lái trong những ngày cao điểm lễ tết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Tuấn Anh, tổng giám đốc tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư dự án – thừa nhận dự án không thể hoàn thành như dự định là sau 32 tháng tính từ ngày khởi công (khởi công ngày 3.10.2009), vì trong quá trình thi công đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, với nỗ lực của các đơn vị liên quan, đến nay gói thầu xây lắp 1A đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành gói thầu 1B và đang từng bước hoàn thiện tất cả các gói thầu còn lại. “Hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đang khẩn trương thi công để đảm bảo thông xe kỹ thuật đoạn từ TP.HCM đến Long Thành (Đồng Nai) vào cuối năm 2013 và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2014”, ông Anh nói.
Tuy nhiên, theo VEC để đạt được mục tiêu trên, VEC đã đề nghị tư vấn giám sát và nhà thầu phải xây dựng lại kế hoạch, trên cơ sở tăng cường lao động và thiết bị, tổ chức làm tăng ca, đẩy nhanh tiến độ nhằm bù đắp khối lượng bị chậm. Đặc biệt, chủ đầu tư yêu cầu các địa phương là TP.HCM, Đồng Nai bàn giao toàn bộ mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Riêng đối với Đồng Nai, cần ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm, cản trở thi công, không làm ảnh hưởng đến việc thi công của các nhà thầu. Và đến nay, Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Riêng tại TP.HCM, mới đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các địa phương liên quan là quận 2 và quận 9 nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho VEC trong tháng 7.2013 để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án thành phần 1 đoạn An Phú (quận 2, TP.HCM) đến đường Vành đai 2 (dài 4km). Ngày 23.6, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, một vị lãnh đạo quận 9 cam kết “làm bằng mọi cách để thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM”.
Nếu công tác giải phóng mặt bằng của TP.HCM xong vào tháng 7.2013 thì bao giờ dự án thành phần 1 hoàn thành? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Mạnh Hùng, giám đốc ban quản lý đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, khẳng định: “Vì khối lượng công việc của dự án đã đạt được hơn 85%, nên chỉ cần cộng thêm 11 tháng nữa là cả ba gói thầu của dự án thành phần này xong. Với khối lượng công việc là thi công 4km đường theo tiêu chuẩn đường đô thị, ba cầu vượt sông, một cầu vượt đường ngang, một nút giao thông khác mức (Vành đai 2) và một nút giao thông cùng mức (An Phú). Như vậy đến cuối năm 2014, việc hoàn thành toàn tuyến là chuyện nằm trong tầm tay”.
Du lịch, GO! - Theo báo Sàigòn Tiếp Thị, ảnh internet
1 Comments
Hai đại dự án giao thông qua TP.HCM bị “ùn tắc”
Trả lờiXóaNguồn từ Sàigon Tiếp Thị (Ngày 26.06.2013): Quá trình chuẩn bị kéo dài, thiếu vốn đối ứng là tình trạng mà hai “đại dự án” cao tốc Long Thành – Bến Lức và tàu điện ngầm tuyến số 2 (có lộ trình giai đoạn 1 Bến Thành – Tham Lương) đang gặp phải. Thậm chí, việc thiếu vốn đối ứng còn khiến nhà tài trợ đưa ra cảnh báo “cân nhắc hoãn và huỷ dự án” đối với dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức.
Theo tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc Long Thành – Bến Lức, hiện dự án đã thực hiện xong thiết kế kỹ thuật, đang thẩm tra hồ sơ thiết kế. Dự án với chiều dài 57,8km (đi qua địa bàn ba tỉnh/thành là Long An, TP.HCM và Đồng Nai) có tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỉ USD, chủ yếu sử dụng vốn vay theo từng giai đoạn.
Cao tốc: nguy cơ huỷ...
Theo trên, giai đoạn 1 vay ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 350 triệu USD và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gần 169 triệu USD. Tuy nhiên, dù hiệp định vay với ADB đã có hiệu lực gần hai năm và hiệp định vay với JICA đã có hiệu lực 16 tháng, song số vốn đã giải ngân và vốn đã trao thầu vẫn dừng lại ở mức… 0 triệu USD!
Sở dĩ có tình trạng này là bởi, phía Việt Nam không có đủ vốn đối ứng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể là, năm 2013, vốn cho giải phóng mặt bằng của dự án này là hơn 1.470 tỉ đồng (khoảng 70 triệu USD) nhưng đến nay mới bố trí được vỏn vẹn... 100 tỉ đồng (khoảng 4,8 triệu USD).
Tại cuộc họp về các dự án vốn vay ADB và ngân hàng Thế giới (WB) cuối tuần trước ở Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) thừa nhận, trong số các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án ODA do bộ này quản lý, thiếu vốn đối ứng phục vụ giải phóng mặt bằng đang là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất. Theo thống kê của bộ này, vốn đối ứng chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu, thêm vào đó, còn được ghi rất chậm, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
Điều này khiến ADB từ giữa tháng 4.2013 đã có công văn yêu cầu phải bổ sung vốn đối ứng vào cuối tháng 5.2013. Tiếp đó, ADB một lần nữa “gia hạn” cho bộ GTVT đến hết ngày 30.6 sẽ phải cấp đủ vốn đối ứng. “Nếu không cấp đủ vốn đối ứng, sẽ cân nhắc hoãn và huỷ dự án. Dự án bị huỷ sẽ gây ảnh hưởng đến các dự án đường cao tốc mới”, nhà tài trợ vốn cảnh báo.
Trước tình hình cấp bách đó, bộ GTVT đề nghị bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ Tài chính xem xét bổ sung vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng để kịp thời phục vụ khởi công dự án vào quý 3/2013. Bên cạnh đó, bộ GTVT cũng lo ngại, một tồn tại khác khiến ADB có thể chậm thông qua kế hoạch tái định cư, dẫn đến nguy cơ làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng là bởi hiện nay, dù các địa phương (TP.HCM và tỉnh Đồng Nai) đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tuy nhiên, trong các quyết định phê duyệt lại có một số nội dung khác biệt so với khung chính sách và quyền lợi của dự án đã được (nhà tài trợ) duyệt.
...
Nguồn
Đọc xong bản tin, thấy rầu!
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.