Hành khách phải làm gì để có thể đảm bảo an toàn tính mạng và tỉ lệ thương vong là nhỏ nhất khi đi xe khách?
Trong thời gian vừa qua, nếu theo dõi báo đài thì bạn sẽ thấy có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, đặc biệt gần đây nhất là vụ xe khách đâm vào vách núi làm nhiều người thiệt mạng.
Tai nạn là điều không ai muốn, kể cả tài xế hay nhà xe. Vậy nhưng: tai nạn vẫn xẩy ra khá nhiều do chủ quan khi vào đèo dốc, do phương tiện không đảm bảo, do tài xế buồn ngủ hay căng thẳng thời gian về bến...v.v. Nói chung là việc bất khả kháng. Vậy nhưng nếu nó xẩy ra cho chính ta thì sao?
Một vài kiến thức nhỏ trong bài viết sẽ giúp bạn về cách chuẩn bị khi sắp lên xe và giải quyết tình huống hợp lý nhất cho những người đang ở trên một chiếc xe gặp tai nạn.
1/ Hãy tìm chỗ ngồi lý tưởng: vị trí tương đối an toàn nhất trong một xe khách (ghế ngồi, giường nằm) là khoảng vị trí giữa xe, mé phải tức là hướng lề đường. Nếu là xe giường nằm thì chọn giường dưới sẽ an toàn hơn giường trên.
2/ Tập thói quen vừa lên xe là thắt dây an toàn: đây là sợi dây có thể giúp bạn có nhiều cơ hội giữ được sự sống nếu tai nạn xẩy ra. Thao tác khóa hay mở dây cũng hết sức dễ dàng, bạn hãy tập làm quen với nó để khi cần kíp không bối rối.
3/ Tránh di chuyển tới lui trên xe nếu không thật cần thiết, không bao giờ nằm kiểu 'khách phụ' trên sàn xe.
4/ Nếu xe có WC và bạn muốn sử dụng: hãy chắc chắn rằng đã chốt cửa khi vào trong này, tận dụng các tay vịn để giữ thăng bằng, xong việc nên thoát ra ngay sau khi đã nhấn nút xả nước.
5/ Trường hợp xảy ra tai nạn, cần giữ bình tĩnh tháo dây an toàn. Hãy phán đoán tốt vị trí thoát hiểm nhanh nhất. Trong trường hợp cửa chính kẹt, dùng búa phá kính (nhiều xe không có thứ này hay tài xế đã cất đi), dùng túi hành lý nặng hay quấn mền vào cánh tay và dùng cù chỏ phá kính. Trường hợp xe chìm trong nước: hãy hít một hơi thật sâu trước khi làm việc này.
Nếu có thể, cần ưu tiên giúp người già và trẻ nhỏ thoát ra trước. Thoát ra rồi thì tránh xa chiếc xe nếu lửa đã bùng lên, đừng tiếc hành lý của mình vì rất có thể nó sẽ là thứ đổi mạng của chính bạn.
6/ Gọi cấp cứu bằng ĐTDĐ nếu tai nạn tại khu vực vắng người hay trong đêm tối. Sơ cứu những hành khách khác nếu có thể.
Chúc bạn không bao giờ gặp phải những chuyện này.
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
4 Comments
Thắt dây an toàn ? hầu như không có xe khách nào còn dây an toàn ,búa phá kính cũng không có .Không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra ! Tất cả đều phó mặc cho may rủi ,như anh Dũng đã nói khả năng giống như trúng số độc đắc .Cũng cầu mong cho đừng có ai trúng số kiểu này.
Trả lờiXóaKhông hiểu sao nhưng 9 phần 10 các nhà xe mình đã đi đều có đai an toàn. Lơ xe thường nhét các đai này dưới giường nằm hay trong các kẻ của ghế ngồi, chỉ còn lòi ra hai chân đai (ta tự kéo ra). Tuy nhiên: trong số 9 phần 10 đó thì có 1/10 xe bị hư khóa dây an toàn nhưng không được thay thế - Trong các trường hợp này: mình đều góp ý với tài xế sau khi xuống xe..
XóaÁc nỗi, chỉ khoảng 5% khách đi xe sử dụng đai này chỉ đơn giản do nguyên nhân 'không muốn... khác những người xung quanh' (chứ hoàn toàn không phải lười do thao tác thắt và mở dây rất đơn giản).
Từ ngày phát minh ra những chiếc xe chở khách cho đến ngày nay là một sự phát triển dài với các tiến bộ vượt bậc. Dây an toàn là một sáng chế hoàn toàn ý nghĩa với khả năng tăng sự sống còn của hành khách trên xe trong trường hợp bị va chạm mạnh. Vậy nên không lý do gì mà ta lại từ chối sự bảo vệ đó cả, đúng không bạn?
Riêng búa phá kính thì ít thấy, mình cho rằng chỉ 1/10. Thiết kế xe cũng có đấy (có chốt treo búa ở khoảng giữa xe) nhưng nhà xe thường đem cất trong gầm vì họ... sợ mất.
Có lẽ CSGT cần làm mạnh tay hơn với các vấn đề thiếu sót này.
trước hết là chọn lái xe:về cơ bản những người lái xe đứng tuổi thì bao giờ cũng điềm tĩnh và lái xe an toàn hơn.sau đó là nên có sự quan sát chiếc xe:hành khách có thể quan sát thấy một số những đặc điểm bộc lộ ra bên ngoài như sau:vỏ xe phải tương đối tốt sáng sủa.lốp xe không mòn nhẵn quá phải còn ta lông(các đường gân,gờ chống trơn trượt trên lốp)tất cả các lốp xe đều như vậy nếu mòn nhẵn quá rễ trơn trượt.rễ nổ lốp trong quá trình tham gia giao thông.các bu lông bắt các bánh xe ở ngay giữa bánh xe phải còn đầy đủ(từ chuyên môn gọi là bu lông tắc kê)cái này mọi người đều có thể nhìn thấy không khó khăn gì.sau đó lên xe mọi người quan sát tiếp:ghế ngồi sạch sẽ chắc chắn.quan sát búa phá kính xe nằm ở đâu.mở thử cửa kính thoát hiểm và đảm bảo là mở tốt thao tác dễ dàng.số lượng người trên xe không quá đông.thấy có điều gì không ổn phải có ý kiến với nhà xe ngay.trong hành trình của chuyến xe mọi người có thể thấy lái xe chạy ở mức độ thế nào.cảm giác có an toàn không.trong các chặng nghỉ ngơi,ăn uống lái xe có uống riệu bia không.v.v.v nếu thấy không ổn phải có ý kiến với nhà xe ngay.tất nhiên là sẽ không dễ dàng gì khi góp ý với các nhà xe bạn có thể gặp phải những phản ứng xấu.v.v.v.nhưng ban có rất nhiều đồng minh đó chính là các hành khách đồng hành cùng bạn nên tranh thủ sự ủng hộ của mọi người.vì đó là sự an toàn của chính bạn và mọi người và cuối cùng là không nên mạo hiểm đi trên những xe không đảm bảo yên tâm ngay từ những quan sát của mình.không nên tiếp tục hành trình trên những chuyến xe mà thái độ của nhà xe thiếu thiện cảm không nghe sự góp ý của hành khách bởi đó chính là tính mạng của mình và mọi người trên xe.chúc mọi người luôn an toàn trên mọi chuyến đi.
Trả lờiXóaCó lẽ cũng nên chọn nhà xe nào đó có uy tín một chút. Nhà xe vô danh tiểu tốt, góp ý coi chừng bọn họ sừng sộ lại ngay (mấy vụ này cũng đã xẩy ra khá nhiều, được đăng trên báo).
XóaTuy nhiên: nếu đồng lòng thì hành khách sẽ thắng.
Cảm ơn ý kiến của bác.
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.