Con đường đèo nối đèo, dốc nối dốc để rồi bất ngờ mở ra một thung lũng trong mây. Mắt tôi ngợp trong màu xanh cốm giót của ngô non, mía nõn, màu xanh tím của những rặng núi mờ xa, màu xanh trong như lọc của nền trời miền thung Rếch…
< Cảnh sắc thung Rếch.
Một thời chưa xa, cán bộ xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) lên họp trên thung phải vạch lau lách, bám vách đá mà leo, đi từ chiều hôm trước, ngủ lại đến sớm hôm sau mới kịp. Một thời chưa xa, chỉ có hai bản thung Dao, thung Mường bám ở rìa còn cả thung lũng hoang vắng đầy cỏ tranh, lau lách.
Một thời chưa xa, khi hai người đàn ông huyện Đà Bắc đi tìm miền đất hứa một lần đi lạc trong thung, giữa rừng già bỗng gặp một luồng khói lạ, lần theo luồng khói gặp khe nước Khặp Khẹ. Có nước là có tất cả. Hai người về thông báo cho mấy chục hộ gia đình Dao Tiền ở quê dỡ nhà sàn cho lên thuyền vượt lòng hồ sông Đà rồi từ thuyền lên ô tô, từ ô tô lên vai vác ngược thung Rếch. Đó là những năm đầu của thập niên 90.
< Đường vào bản Kim Bắc 1, xã Tú Sơn (Kim Bôi) được mở rộng giúp bà con đi lại và giao lưu hàng hóa thuận lợi hơn.
Trưởng bản Kim Bắc 1 Bàn Văn Thắng vốn gốc ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc kể khi xây dựng thủy điện Hòa Bình cả bản phải di lên đồi theo dạng di vén, mồ mả, nhà cửa còn chuyển được chứ ruộng nương đành để ngập dưới sâu vài chục mét nước. Không có đường xá, không ruộng nương, không trường học, không trạm xá, khổ quá bản mới cử người đi tìm chỗ di dân và chọn được thung Rếch.
Hành trang rời quê của họ mỗi hộ được 1,5 triệu đồng tiền vận chuyển, hỗ trợ sản xuất, 3 triệu đồng tiền làm nhà. Nhà chưa dựng xong phải ở tạm trong lán, sáng đi khẩn hoang, tối kê đầu xuống đất mà ngủ. Sáu tháng đầu còn có hỗ trợ, sáu tháng sau phải ăn củ mài, củ sắn cầm hơi, đói trũng sâu hố mắt, đói vàng bủng thịt da.
Cày bằng trâu thì sức trâu không kham nổi vì vướng rễ cỏ tranh đan kết nhiều đời tầng tầng, lớp lớp, vì mắc đá dắt nên phải cuốc bằng sức người. Một nhát cuốc giơ lên phải trải qua các công đoạn đập, rũ, nhặt từng cái rễ cỏ tranh gom lại mà đốt. Nhấc cuốc cả ngày đầu quyết chặt bụi đất lại thêm lẽ nước hiếm hoi, con trai bản ai nấy rủ nhau cạo trọc đầu cho đỡ bẩn.
< Màu xanh cây trồng tràn ngập Thung Rếch.
Đất mới độc, xuất hiện bệnh “sên” ăn, chân tay ngoằn nghèo những đường như giun đi rồi nổi phồng lên nhức đến mức phải lấy kim khều, buốt đến nỗi phải bóp hết nước độc rồi lấy thuốc nam mà đắp. Quần quật cuốc từ lúc mặt trời rạng đến khi gà lên chuồng mỗi người cũng chỉ được mảnh đất bằng hai manh chiếu. Mùa khô ba tháng khe cạn kiệt, cả bản chia nhau vét từng gáo nước đọng đầy mùn, lá mục ở hang Nai về ăn.
Trên thung lắm chuột rừng. Chúng ăn từ lúc hạt ngô giống ở dưới đất đến khi cây đã lên bắp, đóng hạt, có vụ mùa màng gần như xóa sổ. Hết vật họa lại đến nhân họa. Gừng trồng xuống có người vượt núi buổi đêm sang đào trộm, mỗi cân giống khi ấy giá trị bằng non nửa chỉ vàng. Gỗ quý trên rừng đầu nguồn lâm tặc cũng không tha, vác cưa rìu đến đốn. Đất đai tranh chấp giữa cư dân bản địa và người di cư lắm bận đánh nhau toạc máu đầu, trâu bò nhiều khi bị bắt làm “con tin” đòi tiền chuộc.
Bận ấy ở trên núi lại có con chim quỷ về kêu “oong oóc”, đêm đến người lớn không dám ra ngoài, trẻ con không dám đi đái, nhà nhà đóng chặt cửa. Nhiều người hoang mang vì nghĩ chim báo điềm xấu. Một phần ba dân chạy về quê vì sợ ma, sợ miền đất dữ. Trưởng thôn, Bí thư phải tổ chức họp bản gấp chỉ để giải thích đó là tiếng diều hâu kêu mùa giao phối.
< Người nông dân trong ruộng mía nguyên liệu.
Lời nói suông vẫn chưa đủ trọng lượng, cả bản lại bàn nhau góp sức lập một ngôi miếu thờ thành hoàng cho ngài phù trợ, kiên tâm mà ở lại. Khi đó hai bản cũ là thung Mường và thung Dao có ông Triệu Hệ mổ lợn mời người già bản mình cùng người ở bản mới xuống hòa giải.
Sau bữa rượu đoàn kết ấy ông Hệ còn cho bương, cho tre để dựng nhà, đám tang cho người đến giúp đóng hòm, đám cưới cử người đến góp rượu thịt. Những cuộc hôn nhân giữa người mới với người cũ càng thêm bền tình nghĩa thâm giao. Bền đến mức ngay cả cái tên bản ghép đôi Kim Bôi và Đà Bắc thành Kim Bắc 1, 2, 3, 4, 5.
Buổi hội hè, người Dao quần chẹt ở thung Dao, Hạ Sơn, người Mường ở thung Mường, người Tày ở Kim Bắc 2, Kim Bắc 3 đều đến dự. Đến năm 1998 thung Rếch giải phóng hết đất hoang, năm 2003 giải phóng cho cái chân khỏi cảnh đi bộ vì đã có đường vào, liền đó điện kéo về giải phóng nốt cảnh đốt đèn dầu tù mù.
Giờ người lên thung chỉ thấy một màu xanh mướt mát của cây cối, vườn tược mà không thấy biết bao mồ hôi đầm đẫm dân bản đổ xuống. Thế mà đào rễ tranh cấy lúa nương không kết quả, trồng mận sai quả mà không bán được, trồng sắn không có nơi tiêu thụ. Chỉ đến khi cây ngô lai, cây mía giống mới dân bản mới được mở mặt, mở mày.
< Nghề chăn nuôi của dân bản.
Kim Bắc 1 giờ có 20 nhà kiên cố, nhiều hộ như Đặng Văn Thu, Bàn Văn Tiền, Bàn Văn Phong, Bùi Văn Sự, Bạch Công Hợp mỗi năm thu 100-200 triệu đồng với năng suất ngô 6-7 tấn/ha, năng suất mía 70-130 tấn/ha. Vụ vừa rồi ông Triệu Văn Thu không bán ngô tươi mà xây lò sấy, tăng giá trị từ 4.000đ/kg lên 7.000đ/kg. Cả bản có 12 em đại học, cao đẳng, có nhà hai con đều đi như Triệu Văn Thu, Bàn Văn Hưng. Bản thành làng văn hóa vì kinh tế, vì giữ rừng, giữ thuần phong, mỹ tục, vì mấy năm liền không sinh con thứ ba thậm chí có người chỉ sinh một con dù trai hay gái.
“Trước không bao giờ dân chúng tôi mơ đến học đại học bởi trường xa, đi đò cả tiếng đồng hồ mới đến còn đi bộ cả ngày dù trường ở ngay trước mắt bởi vòng qua không biết bao nhiêu núi, bao nhiêu đồi”, trưởng bản Thắng bảo. Để khắc phục chuyện con gái của bản hiện không biết thêu thùa, in váy, nhuộm chàm, con trai của bản không biết đan, không biết chữ của ông cha, sắp tới Kim Bắc sẽ thành lập các lớp học đặc biệt.
Áo của người Dao Tiền cả nam lẫn nữ độc đáo ở chỗ không mặc đơn mà hai cái lồng vào nhau, áo trong dài hơn áo ngoài, áo nam cũng hoa văn, màu sắc như áo nữ. Trong bản nhà nào cũng dành một góc vườn trồng cây chàm nhuộm với những công đoạn cầu kỳ ngâm, lọc bã lấy bột, lấy bột trộn vôi rồi lọc với tro bếp. Ngoài trồng chàm nhuộm (có lá to rất độc) dân bản còn trồng loại chàm xôi chuyên dùng làm màu cho xôi ngũ sắc.
Lớp dạy chữ Dao đã có 50 học viên ở Kim Bắc 1, Kim Bắc 4 đăng ký còn trưởng bản Thắng sẽ đứng ra làm giáo viên. Anh giải thích: “Chữ là chìa khóa mở ra văn hóa cổ. Người Dao Tiền có 12 bộ sách chia làm 3 loại: sách giáo dục nhân cách con người, sách giáo dục lịch sử và sách văn chương, có bộ đã lưu truyền cả ngàn năm. Người Dao Tiền sinh con dăm ngày phải làm mâm cơm báo tổ tiên cho nhập khẩu.
Mỗi gia đình đều có sổ hộ khẩu ghi bằng chữ cổ chép họ tên, giờ, ngày, tháng, năm sinh. Nếu con trai đến 10 tuổi sẽ được đặt tên chính thức còn dưới 10 tuổi không có tên mà chỉ gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5. Khi đứa bé 6-7 tuổi người nhà đã làm vài chĩnh thịt chua để đến lễ đặt tên thì khao bản. Con gái không có lễ đặt tên, lúc nhỏ gọi bằng những con số đến khi lấy chồng gọi theo tên chồng”.
+ Dạo mới mở đất, mỗi khi xuống chợ hễ trông dáng người ai thô kệch, quần áo lôi thôi đoan chắc mười mươi chỉ có người thung Rếch. Thế mà giờ đây nhờ có những “người rừng” ấy gộp vào thu nhập bình quân của cả xã Tú Sơn tăng trông thấy.
+ Dân thung Rếch ước mơ có nguồn nước ngầm để đỡ cực trong những tháng mùa khô khát. Họ bỏ tiền ra khoan thử, chỉ sâu chừng 30 m là chạm nước nhưng để đầu tư một hệ thống nước ngầm cần số tiền rất lớn.
Du lịch, GO! - Theo Nông nghiệp Việt Nam + Internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.