Núi Vũng Chua có đỉnh cao nhất hơn 580m (so với mặt biển), là một bức bình phong sừng sững mà ai đi ngang dọc Quy Nhơn hay chỉ tình cờ hờ hững trên hành trình Bắc - Nam đất nước đều dễ dàng trông thấy khi ngang qua địa phận này.

< Cụm núi Vũng Chua nhìn từ vòng cung sân bay cũ.

Cao hơn hẳn đỉnh Xuân Vân hay Bà Hoả (2 ngọn núi khác hợp thành tam giác 3 điểm cao của Quy Nhơn), dãy núi Vũng Chua trông có vẻ vướng mắt khi nó gần như chia đôi Quy Nhơn, ngăn cách khu vực trung tâm Quy Nhơn với khu vực công nghiệp chính của Quy Nhơn - Phú Tài.

< Con đường uốn lượn lên đài radar trên đỉnh Vũng Chua.

Tuy vậy, nếu bỏ qua góc nhìn quy hoạch kinh tế - xã hội, thì Vũng Chua là một điểm cao chiến lược về mặt quốc phòng, một mảng xanh sinh thái đặc sắc và là một địa điểm không thể tốt hơn cho những ai đam mê nhiếp ảnh hay khám phá để có những góc nhìn bao quát về Quy Nhơn và một vùng biển rộng lớn.

< Với những cua ngoặt gấp tay áo. Cứ trả số và vững tay lái để tiến bước thôi.

Bạn hãy chọn những ngày nắng đẹp, trời quang và vác xe lên đường nhé. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác mờ sương lành lạnh như Đà Lạt thì hãy chọn những ngày mát mẻ và nhiều mây hơn, đảm bảo bạn sẽ có những trải nghiệm khác biệt.

< Đỉnh radar trên núi Vũng Chua.

< Biển và một góc thành phố Quy Nhơn nhìn từ lưng chừng núi.

Để lên núi Vũng Chua dễ dàng và thuận tiện dù đây là ngọn cao nhất so với đỉnh Xuân Vân hay đỉnh Bà Hoả: Bạn chạy xe theo quốc lộ 1D, đến đoạn giao nhau giữa quốc lộ với đường sang Quy Hoà (khi vừa qua khỏi con đường nhỏ xuống KDC Ghềnh Ráng), bên tay phải sẽ có một con đường bê tông lên đài radar trên núi...

< Từ đỉnh núi nhìn xuống thành phố Quy Nhơn, vịnh Làng Mai và đần Thị Nại.

Đường này cũng có nhánh rẽ vào KDL sinh thái Suối Tiên (có biển chỉ dẫn đề “KDL Suối Tiên”). Bấy giờ, bạn trả số và kiên trì theo con đường đèo ngoằn ngoèo ấy để chinh phục đỉnh cao Vũng Chua tuyệt đẹp.

< Còn nhìn ra phía Đông Nam là đồi Ghềnh Ráng... với con đường QL1D.

Ngoài ra, phía Đông Nam của núi Vũng Chua là đồi Ghềnh Ráng, đây là thắng cảnh quốc gia, một tác phẩm thiên tạo với quần thể sơn thạch chạy sát biển, nơi đây đá chất chập chùng tạo thành hang, thành rạng, thành gành với khí hậu mát lành và phong cảnh hữu tình, được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ mát từ năm 1927.

< Bãi đá Hoàng Hậu.

Trên đỉnh đồi có tượng Chúa Giêsu, tượng Đức Mẹ với đường dẫn lên tận đỉnh. Dưới chân đồi Ghềnh Ráng, bên bờ gành là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn, dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu khi về đây nghỉ mát nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu...

< Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử.

... và bên cạnh sườn đồi còn có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử - một thi sĩ nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam.

Từ trên sườn đồi có thể ngắm bao quát toàn bộ phía Đông thành phố Quy Nhơn và xa hơn là bán đảo Phương Mai với đầm Thị Nại như một bức tranh thủy mặc đẹp vô cùng.

Du lịch, GO! tổng hợp