Theo nghiên cứu, đánh giá của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh và cộng sự, từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 trở về trước, Phia Oắc – Phia Đén là một trong vùng rừng núi Đông Bắc Việt Nam còn gặp các loài thú quý hiếm như hổ, báo hoa mai, cáo, sói lửa.

Mất dần những động vật quý hiếm

Kết quả đánh giá sau sáu lần khảo sát của các nhà khoa học gần đây cho thấy Phia Oắc - Phia Đén rộng hơn 10.000 ha; độ cao từ 1500m - 1931m so với mặt biển nằm trên địa phận hành chính của các xã Thành Công, Phan Thanh, Quang Thành, và Thị trấn Tinh Túc thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Kết quả điều tra gần đây đã thống kê Phia Oắc – Phia Đén có 1117 loài trong đó có 229 loài động vật có sương sống, 17 loài lưỡng cư và 28 loài bò sát, hàng ngàn loài động vật không sương sống, côn trùng, động vật nhuyễn thể, và động vật đất.

Trong số này, các nhà khoa học đã xác định 56 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, bao gồm 24 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong đó loài hươu xạ ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp, 15 loài nguy cấp, và sáu loài bị đe dọa. Trong số đó có một số loài thuộc diện quý hiếm như sơn dương, cu li lớn, cu ly nhỏ, vượn đen đông bắc, khỉ cộc, gấu ngựa, cầy sao, cầy hương, mèo rừng, sóc bay đuôi trắng, sóc bay sao, gà lôi trắng, gà so ngực gụ, rắn hổ mang, rắn sọc dưa, trăn đất, rùa núi vàng, rùa hộp ba vạch, kỳ đà nước, cóc Quảng Tây, tắc kè, ếch cây sần...

< Ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén: Tình trạng chặt phá rừng và khai thác khoáng sản đã xảy ra từ những năm 2000, tuy nhiên từ khi thành lập ban quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén được thành lập, tình trạng phá rừng giảm hẳn.

Sự đa dạng hệ động vật ở vùng Phia Oắc – Phia Đén phản ánh sự đa dạng của các hệ cảnh quan sinh thái, các thảm thực vật tạo điều kiện thuận lợi cho giới sinh vật tồn tại và phát triển trong đó có chim, thú, bò sát lưỡng cư, côn trùng và cá. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu động vật trong nước và quốc tế quan tâm đến khu rừng độc đáo hiếm có này ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

Chính vì thế, ngay những thập kỷ năm 1943 của thế kỷ 20, nhà khoa học người Pháp R. Bourret đã đặt chân lên núi rừng Phia Oắc – Phia Đén. Ông đã phát hiện loài chuột chũi tại đèo Lea. Đây là loài thú đặc trưng cho vùng núi cao. Năm 2000 đoàn nghiên cứu của tổ chức bảo tồn chim quốc tế tại Việt Nam đã đến tìm hiểu 19 loài thú ở đây. Hay loài vượn đen và 20 loài thú khác cũng được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đề cập đến trong những chuyến khảo sát năm đó.

Người địa phương cho biết trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20 hàng năm làng Phia Đén bị mất từ 3 – 5 con trâu bò, ngựa do hổ về làng bắt mang đi. Trước đây loài nai trước đây thường tập chung ăn tại các thung lũng mà dân làng ở xã Thành Công gọi là Lũng Quang (Lũng Nai). Chúng còn về kiếm ăn ở những đám rẫy, ruộng gần làng nhưng bây giờ gần như dân không gặp. Một số loài thú khác như vượn đen, hươu xạ, sơn dương cũng trở nên hiếm. Đáng chú ý một số loài không còn gặp như hổ, sói lửa, voọc đen má trắng, báo hoa mai.


< Điểm khai thác quặng lâu dưới chân núi Phia Đén.

Trước đây thì bảo dân săn bắt động vật để cải thiện bữa ăn hàng ngày nhưng ngày nay họ biến các loài động vật hoang dã thành hàng hóa vận chuyển trên thị trường nội tỉnh, ngoại tỉnh và, thậm chí, xuyên biên giới do giá trị kinh tế cao. Qua điều tra khảo sát năm 2004, dân hay vào rừng gài bẫy, mỗi thợ săn thường có 30 – 40 bẫy, ở xã Thành Công trước đây có khoảng 400 bẫy, xã Quang Thành cũng có đến 300 bẫy. Chưa kể dân còn mang theo chó săn di bắt thú.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều loài động vật quý hiếm ngày càng ít dần và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là do môi trường sống của một số loài bị mất, bị phân mảnh do các hoạt động khai thác khoáng sản, phá rừng làm nương rẫy, tình trạng bẫy, bắt các loài động vật vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm qua.

Theo ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, tình trạng chặt phá rừng và khai thác khoáng sản đã xảy ra từ những năm 2000 khi trữ lượng mỏ thiếc Tĩnh Túc đã cạn kiện, quy mô khai thác, chế biến bị thu hẹp công nhân thiếu việc làm, không về quê mà bám trụ tại mỏ. Trong khi đó các dự án đầu tư cho công tác bảo vệ và phát rừng chưa được xây dựng đầu tư, nhân dân trong vùng chưa được hưởng lợi từ các chương trình đầu tư mới về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng.

Nhân dân trong vùng và các vùng lân cận không có việc làm ổn định, hoặc sau những ngày mùa vụ nông nhàn thì lên núi khai thác quặng kiếm sống tăng thu nhập vì quặng thiếc, volfram có giá trị cao trên thị trường và xuát khẩu. Mặt khác cũng do khu rừng chưa thành lập ban quản lý, lực lượng kiểm lâm của huyện quá mỏng, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đủ mạnh để trấn áp "quặng tặc, lâm tặc".


< "Đại khai trường" khai thác quặng thổ phỉ nhìn từ trên đỉnh đồi xuống dưới xã Thể Dục (huyện Nguyên Bình). Trước đây, nó là một thung lũng.

Anh Mông Thế Minh, cán bộ trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam, kể “trước đây trên đường xuống và lên núi tôi thường gặp cáo mèo, sóc bay, lợn rừng nhưng đã lâu rồi không thấy sự xuất hiện của chúng nữa.”

Sau khi trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam được xây dựng năm 2007, huyện Nguyên Bình (chủ quản của khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc) đã thành lập đội quản lý việc khai thác quặng chì, kẽm, volfram ở Phia Oắc nhưng từ khi mở đường lên xây dựng tháp phát thanh quốc gia ở trên đỉnh núi thì người dân tràn lên khai thác quặng nhiều hơn. Không dễ gì quản lý được. Dọc đường từ Phia Oắc – Phia Đén ra thị trấn Nguyên Bình, con sông Thể Dục chạy qua thị trấn đục ngầu bùn đất do nạn đào đãi volfram nơi thượng nguồn sông Thể Dục gây ra. Hiện nay các đường hầm xuyên sơn (núi) đủ để ba người xếp hàng ngang đi thẳng thoải mái được đào từ thời Pháp vẫn còn, người dân vẫn tiếp tục nổ mìn, phá đá, đào đãi trong đó. Sông Nguyên Bình kéo dài từ Tĩnh Túc (Nguyên Bình) đến xã Công Chừng, Trương Lương (huyện Hòa An) dài trên 20km bị ô nhiễm nặng, nước không sử dụng được từ ngày khai thác mỏ Tĩnh Túc đến nay. Tình trạng mót quặng, đào quặng trái phép quanh Mỏ Thiếc và trong lòng núi Phia Oắc vẫn khó chấm dứt.

Từ độ cao trên 1500m, rừng và đặc biệt là rừng rêu nếu bị tàn phá sẽ gây xói mòn mất đất, mất nước có thể làm toàn bộ các sông suối đầu nguồn ở đây bị mất nước, nhóm các nhà khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đưa ra cảnh báo. Vì vậy cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt và  bảo tồn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng phát triển nông lâm nghiệp xanh, kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

< Đất thải từ công trường khai thác cao lanh bị nước mưa rửa trôi, đã làm "cao lanh hóa" những khu ruộng dưới chân núi của bà con người Mán (xã Phan Thanh) và lấp đầy lòng suối.

Nhằm tránh tình trạng vô chủ tại rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định thành lập ban quản lý khu rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén theo quyết định số 2835/QĐ-UBND, ngày 27/12/2011 của UBND tỉnh Cao Bằng, trực thuộc Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn. Hiện nay biên chế có mặt 7 người, trong đó có 1 giám đốc; phòng hành chính tổng hợp 2 người; phòng quản lý bảo vệ 4 người, 1 hợp đồng theo Nghị định 68 bảo vệ cơ quan. Ban quản lý không có lực lượng kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm hiện nay tại Trạm Phia Đén có 5 người trực thuộc Hạt Kiểm lâm Huyện Nguyên Bình.

Tháng 7/2011, UBND Huyện Nguyên Bình thành lập 2 trạm bảo vệ rừng trên núi Phia Oắc với thành phần là kiểm lâm, công an, tài nguyên & môi trường và dân quân các xã có rừng đặc dụng.
“Kể từ khi được thành lập, ban quản lý phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường và Hạt Kiểm lâm Huyện Nguyên Bình xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản. Từ khi ban quản lý khu rừng đặc dụng đi vào hoạt động từ tháng 3/2012 đến nay thì tình trạng chặt phá rừng đã được ngăn chặn; khai thác khoáng sản đã giảm”, ông Bằng nói.

Theo anh Mông, kể từ khi Ban quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén được thành lập, tình trạng phá rừng giảm hẳn, mặc dù vậy “thỉnh thoảng tôi vẫn gặp cả lâm tặc và đội tuần tra bảo vệ rừng trong lúc đi hái măng trong rừng”

< Điểm khai thác mỏ Tài Soỏng của HTX Công nghiệp - Vận tải Chiến Công ngay thượng nguồn rừng phòng hộ Phía Oắc (xã Phan Thanh). Trong Quy hoạch khai thác khoáng sản của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2008 - 2015, khu vực rừng phòng hộ Phia Oắc, Phía Đén không được phép khai thác khoáng sản.

Qua khảo sát thực tế kết hợp với những tài liệu thu thập được, các nhà khoa học đánh giá hiện nay rừng bị chặt phá ngày càng mạnh mẽ, khai thác quặng, đa dạng sinh học vùng Phia Oắc – Phia Đén đã và đang bị suy giảm đáng kể. Nếu không kịp thời ngăn chặn nạn “quặng tặc” hoặc các giải pháp quản lý, bảo vệ và bảo tồn theo các quy chế của vườn quốc gia không sớm được quy hoạch và quyết định thì các báu vật  của Phia Oắc – Phia Đén, đặc biệt sản phẩm du lịch cực kỳ quý giá sẽ bị suy giảm hoặc mất mát.

Mặc dù trong điều kiện hiện nay, trong vùng Phia Oắc – Phia Đén thảm rừng tự nhiên đã bị khai thác khá nhiều, ở nhiều khu vực thảm rừng tự nhiên không còn, thay vào đó là đất trống, đồi núi trục, đa dạng sinh học cũng bị suy giảm nghiêm trọng nhưng chính điều kiện sinh khí hậu đa dạng hoàn toàn cho phép chúng ta khôi phục lại các hệ sinh thái rừng tự nhiên đa dạng vốn có, nếu chúng ta có kế hoạch nghiêm túc quy hoạch xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén để bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho việc phát triển du lịch mà bấy lâu nay gần như chưa được tận dụng khai thác.

Còn tiếp

Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P1): Độc đáo “Rừng cảnh tiên” Phia Oắc – Phia Đén
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P2): Mất dần những động vật quý hiếm
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P3): Đánh thức Phia Oắc – Phia Đén
Rừng Phia Oắc - Phia Đén (P4): Đề xuất Phia Oắc - Phia Đén trở thành vườn quốc gia

Du lịch, GO! - Theo Mạnh Cường (Tinmoitruong), internet