Đình Bình Thủy (Long Tuyền Cổ Miếu) là một đình thần thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ.
Đình được dựng vào năm Giáp Thìn (1844), nguyên thủy thờ Thành hoàng của làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định - phủ Ba Xuyên - tỉnh An Giang.

Năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một hải thuyền, gặp phải một trận cuồng phong, nhưng nhờ ẩn nấp kịp nơi vàm rạch Bình Hưng nên vô sự. Thoát nạn, Huỳnh Mẫn Đạt cho tổ chức tiệc mừng để vui cùng nhân dân địa phương và cho đổi lại tên rạch và tên đất này là "Bình Thủy".

Đồng thời ông tấu trình lên vua Tự Đức, xin ban sắc phong cho thần Thành Hoàng làng. Từ đó, làng có tên mới là Bình Thủy và dân chúng cũng gọi luôn là Đình Bình Thủy.

Sau khi có sắc phong của nhà vua, dân địa phương đã cùng nhau cất lại đình lần thứ hai. Lần này lợp ngói phía trước đình để xây thêm một nhà võ ca (thường dùng để làm Nhà hát bộ, trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để cho các đoàn hát đến biểu diễn cho bà con thưởng ngoạn).

Theo cuốn "Cần Thơ xưa và nay" của tác giả Huỳnh Minh thì đình này còn thờ Trầm Hương công chúa và Huệ Cơ công chúa nhưng cũng không có sự tích. Sau này nhân dân còn đưa thêm những người có công với nước vào thờ như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập...

Đầu thế kỷ XX, đình Bình Thủy được xây lại mới hoàn toàn. Nguyên vào năm 1904, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận thấy đình sắp sập, đề nghị cất lại đình ở ngã tư trên sở đất của làng rộng 2,9 ha, ông La Xuân Thanh là nghiệp chủ bèn giúp đỡ tiền và chỉ huy xây dựng. Chẳng may quan tri phủ qua đời nên công việc bị đình trệ. Năm 1909 ông cả Nguyễn Doãn Cung cùng ông thông gia điền chủ đồng tán thành ý kiến xây dựng lại ngôi đình lần thứ ba cũng tại chỗ cũ (Vàm Bình Thủy) với số tiền chung là 5.823đ Đông Dương.

Công việc xây dựng được khởi công từ ngày 12 tháng 7 năm 1909 đến 1910 thì hoàn thành. Công việc xây dựng được tiến hành tốt đẹp với sự thiết kế của ông Huỳnh Trung Trinh. Khoảng đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1908), làng Bình Thủy được đổi tên thành làng Long Tuyền (do rạch Bình Thủy có hình tựa con Rồng nằm) và nhân dân nơi đây còn gọi là đình thần Long Tuyền hay Long Tuyền Cổ Miếu.

Đình Bình Thủy thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật độc đáo. Nay Đình nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4000 m². Cách kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc.

Về trang trí ngoại thất, nhìn trên nóc đình, ta thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Nhìn sang bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng giữa là quyển thư (tựa như cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc) bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí các hình hoa lá đắp nổi thật tinh tế với hình hoa văn trang trí bên ngoài.

Trong đình, các bàn thờ được bố trí như sau: Tại tòa tiền đường có bàn thờ Nghi Hạ, Nghi Trung đặt ở gian giữa. Nơi nhà vuông nhỏ đặt bàn thờ Nghi Thượng dùng làm lễ chính của các ngày lễ hội.

Ở tòa chính điện: chính giữa nhà là bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác, phía trong là bàn thờ Hậu tiền. Đối diện ở sát vách bên phải là bàn thờ chức sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu Bang và Tả Bang. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.

Trong đình còn giữ được nhiều hoành phi, câu đối chữ rất đẹp. Trong hậu cung còn thờ một con hổ nhồi bông, nghe nói xưa vùng này nhiều hổ dữ...

Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc cộng với ảnh hưởng văn hóa Hoa (nhất là những tượng người trên mái nhà). Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây hết sức tinh tế và sinh động mang những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ nói riêng và Miền Tây Nam Bộ nói chung trong sự giao thoa văn hóa buổi sơ khai.

Có thể nói Đình còn giữ được không khí cổ xưa, đặc trưng Nam Bộ, rực rõ, tươi mới không u trầm màu thời gian như ngoài Bắc, mang phong cách như Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn.

Du lịch, GO! - Theo Toro - Blog Opera