Huyện Krông Păc nằm ở phía đông của tỉnh Đăk Lăk, kéo dài trên 30 km, từ km 12 đến km 50 dọc hai bên Quốc lộ 26. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, Krông Păc luôn là một địa bàn chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía đông vào thành phố Buôn Ma Thuột.

Krông Păc đã trải qua nhiều biến đổi về địa giới hành chính và tên gọi. Khi thành lập tỉnh Đăk Lăk, thực dân và chính phủ Nam Triều đã chia Đăk Lăk thành 5 quận để cai trị, trong đó phần đất phía Tây Krông Păc những năm 30 thuộc quận Buôn Ma Thuột, phần phía đông thuộc quận M’ Đrắk, phần phía bắc đường 26 thuộc quận Buôn Hồ và phía nam đường 26 thuộc quận Lạc Thiện (huyện Lăk ngày nay). Đến năm 1965, chế độ cũ thành lập quận Phước An.

Đến tháng 10 năm 1965, do yêu cầu đòi hỏi của phong trào cách mạng trong tỉnh lúc bấy giờ, theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, sau khi hợp nhất B3 và B5, mật danh H8 (huyện 8, tiền thân của huyện Krông Păc ngày nay) được thành lập cùng với 9 huyện, thị khác trong toàn tỉnh, lấy tên H1 đến H10. Từ đó cho đến trước giải phóng năm 1975, có thêm hai lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính và thay đổi tên gọi H89, đông H6 rồi H11. Sau giải phóng năm 1975, hợp nhất 3 huyện: H1, H9 và H11 thành huyện Krông Păc.

Huyện được mang tên một con sông lớn nhất huyện “sông Krông Păc” bắt nguồn từ Chư Tông - M’ Đrăk, chảy ngang qua trung tâm huyện rồi nhập vào sông Krông Bông. Đến tháng 7 năm 1977, toàn bộ khu vực H1 cũ được tách ra thành lập huyện M’Đrăk. Tháng 10 năm 1981, tách các xã phía nam huyện bao gồm cả H9 cũ, thành lập huyện Krông Bông; cùng lúc tách 3 xã phía Tây: Êa Bhôk, Hoà Hiệp, Ea Ktur tiếp giáp đường 21 Bis (nay là Quốc lộ 27) sáp nhập vào huyện Krông Ana.

< Thị trấn Phước An (huyện Krông Pak).

Tháng 12 năm 1985, tách các xã phía Đông huyện thành lập huyện Ea Kar. Tháng 4 năm 1995, xã Hoà Đông được tách ra từ thành phố Buôn Ma Thuột, sáp nhập về huyện Krông Păc theo Nghị định 71 của Chính phủ. Từ đó cho đến nay huyện Krông Păc được ổn định diện tích tự nhiên 62.581 ha, là một huyện miền núi nhưng địa hình Krông Păc tương đối bằng phẳng, phần lớn diện tích đất thuộc nhóm đất Bazan nâu đỏ màu mỡ.

Krông Păc có 02 sông lớn là sông Krông Păc, sông Krông Buk và nhiều suối nhỏ phân bố khá đều khắp trên địa bàn; hầu hết suối nhỏ thường cạn kiệt vào mùa khô. Để khắc phục nhược điểm này, với sự nỗ lực của Huyện cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh, đã đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, trong đó, có hệ thống công trình Hồ chứa nước Krông Buk hạ vừa phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp cho một số xã của 02 huyện Krông Păc, Ea Kar, vừa có thể khai thác du lịch sinh thái.

Dân số hiện nay khoảng 200.000 người, có 23 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,4% dân số toàn huyện. Huyện Krông Pắc hiện có 16 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã và 01 thị trấn)..

Với tổng chiều dài trên 30km dọc Quốc lộ 26, theo hướng Đông - Tây, phía Tây nối liền Krông Păc với thành phố Buôn Ma Thuột, phía Đông nối liền với các huyện Ea Kar, M’Đrăk, thông đến Quốc lộ 1; Tỉnh lộ 9 nối với huyện Krông Bông; cùng với một số đường liên huyện và hệ thống giao thông được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh.

Với những điều kiện như trên, Krông Păc có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp toàn diện, nhất là: cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao và các loại cây đậu đỗ, cây lương thực và chăn nuôi. Do đó, Krông Păc là địa bàn có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh, đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội huyện trong thời gian qua.

Tài nguyên du lịch

1. Di tích lịch sử:

Đồn điền CADA hiện nay nằm ở địa bàn hai xã: Ea Kênh và Ea Yông, huyện Krông Păc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 27 km về hướng Đông trên Quốc lộ 26.

Đồn điền ra đời trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng (năm 1922). CADA là từ viết tắt của cụm từ COMPAGNIE ARGICOLE D'ASIE: Công ty Nông nghiệp Á Châu, với diện tích ban đầu 2.000 ha, là một trong những đồn điền cà phê lớn nhất ở Đắk Lắk. Đồn điền được thành lập cũng là thời điểm giai cấp công nhân CADA bắt đầu ra đời mà chính họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hoá, trong đó đồng bào Êđê, Mnông chiếm tới 70%.

< Xã Ea Yông, huyện Krông Pắk.

Đây cũng là nơi ra đời chính quyền Cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh; sáng ngày 18/8/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Uỷ ban Cách mạng lâm thời của đồn điền.
Nơi đây vẫn mãi là một địa chỉ đỏ để đời đời con cháu chúng ta hiểu rằng để có hoà bình, hạnh phúc như ngày hôm nay thì đã có biết bao nhiêu xương máu của thế hệ cha anh đã thấm xuống đất này.
Ngày 26/01/1999, đồn điền CADA đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

2. Tài nguyên du lịch:

Địa bàn huyện Krông Păc có khá nhiều tài nguyên du lịch; là địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, gồm các dân tộc Tây nguyên như: Ê Đê, M’Nông, Xơ Đăng, Vân Kiều, Gia Rai và một số đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc vào định cư như: Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái, HMông...

Cộng đồng các dân tộc với những truyền thống, bản sắc riêng góp phần tạo thành nền văn hoá đa dạng, độc đáo. Hiện tại vẫn còn duy trì được một số lễ hội văn hoá truyền thống như: Lễ hội cúng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ hội Lòng tòng... và các di sản văn hoá Cồng Chiêng.

Về vật thể có cảnh quan rừng, vườn cây công nghiệp dài ngày, suối thác, hồ nước... Tại các khu vực hồ Tân An, hồ Ea Nhái, hồ Ea Wy, hồ Krông Buk hạ, thác Drai Dăng... có thể xây dựng các khu du lịch sinh thái. Ngoài ra còn một số hồ đập khác trên địa bàn huyện trong tương lai cũng có thể khai thác đưa vào hệ thống các điểm vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi phục vụ nhân dân trong huyện.

< Thác Drai Dăng (Dray Đrăng).

Hiện nay, tài nguyên du lịch của huyện phần lớn đang còn là tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác.
Ngày 16/5/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số: 1075/QĐ-UBND, công nhận thắng cảnh thác Drai Dăng là di tích danh thắng cấp tỉnh.

Thác Drai Dăng (Dray Đrăng) nằm ở huyện Krông Pắc. Muốn thưởng lãm cảnh quan đẹp nhất thì nên đi vào mùa mưa do nguồn nước của thác này từ một Hồ đập chứa nước tưới rẫy cà phê, khi nước nhiều thì họ mới xả lúc đó mới có dòng nước tạo thành thác.

Du lịch, GO! - Theo web Krongpac.daklak, ảnh internet