Nếu vẽ bản đồ Việt Nam, có lẽ nơi đặt nét bút đầu tiên chính là mũi Sa Vĩ thuộc Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh). Trải qua bao thăng trầm cùng dân tộc, điểm đầu Sa Vĩ vẫn hiên ngang như một minh chứng trường tồn trước thời gian:
“Hùng vĩ thay toàn thân đất nước,
Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa.
Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước,
Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...”.
Sa Vĩ không chỉ nổi tiếng với 2 câu thơ của Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa...” mà còn có ý nghĩa đặc biệt về biên giới lãnh thổ: Nếu điểm cực Bắc biên giới đất liền thuộc xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), thì đường biên giới biển khởi đầu tại Sa Vĩ.
Tại Sa Vĩ, do cột mốc 1377, 1378 phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc nằm ở cửa sông Bắc Luân, khi thủy triều dâng lên mốc cách bờ hàng trăm mét nên hầu hết du khách khi đến đây đều lấy biểu tượng 3 ngọn phi lao trên bức phù điêu dựng ngay trên bờ biển để chụp ảnh với niềm tự hào đã đến nơi địa đầu Tổ quốc.
Trong quá trình phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nếu như cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới đất liền (ký hiệu 1369) tại đầu cầu Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh), khánh thành vào tháng 12-2001, thì cột mốc cuối cùng (1378), mặc dù cũng chỉ đặt tại Trà Cổ (Móng Cái), nhưng mãi đến tháng 11-2009 mới được hoàn thành.
< Biển Sa Vĩ, cột ngoài khơi là cột mốc biên giới Việt - Trung trên biển.
Đến Sa Vĩ - Trà Cổ tận mắt nhìn, lắng tai nghe những câu chuyện có thật do những người dân nơi đây kể, ta lại càng thấy yêu mỗi tấc đất quê hương mà cha ông ta bao đời phải chiến đấu, hy sinh máu xương để gìn giữ cho đất nước. Gánh chịu bao nhiêu khốn khó nơi địa đầu Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh, người dân Trà Cổ vẫn kiên trì góp sức bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc...
Còn bây giờ vùng đất này đã đổi thay nhiều, các khu du lịch mọc lên như nấm trên những đồi cát trắng mịn. Khách du lịch các nơi nườm nượp đổ về để 'cảm' với cái gió Sa Vĩ là gió vi vút từ biển thổi vào, gió rì rào những hàng dương trên cát trắng. Sa Vĩ đón chào du khách với bức phù điêu xanh hình ba ngọn phi lao vươn thẳng lên trời mà hầu như ai đặt chân tới vùng đất thiêng này, dù chốc lát đều muốn được ghé lại lưu giữ hình ảnh của mình.
Xa xa trên biển, cột mốc biên giới Việt-Trung đánh dấu chủ quyền hai bên, trầm ngâm sóng đánh. Nhìn xa hơn, vào những ngày trời trong biển lặng, có thể nhận ra hình hài nhấp nhô của làng Việt cổ Vạn Vĩ, nơi những người Việt ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã đến định cư suốt 500 năm nay. Nhiều người trong số họ đã trở về Sa Vĩ để thấy mình “cùng đón bình minh và cùng ngắm hoàng hôn” với Vạn Vĩ. Nằm cạnh đường ô tô ra biển, nhà thờ Trà Cổ - điển hình của phong cách kiến trúc châu Âu, đẹp một cách cổ điển giữa những làng mạc dân dã.
Đứng ở mũi Sa Vĩ địa đầu Tổ quốc, phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bờ biển Trà Cổ cong và dài 17 km. Trà Cổ được mệnh danh là bãi tắm dài và lãng mạn bậc nhất Việt Nam. Những dự án du lịch, vui chơi giải trí lớn nhỏ xuất hiện giữa làng chài. Nhiều gia đình bị cuốn vào cơn lốc hội nhập, vội vã bỏ chài lưới vào gác bếp, lao vào làm du lịch những mong đổi nghề, đổi đời.
Sa Vĩ ngày nay không chỉ có cát, cá tôm mà còn có cả sân golf, khách sạn. Đất đai bên đường từ Móng Cái vào Trà Cổ tăng giá vùn vụt. Nhiều dự án du lịch, vui chơi giải trí lớn nhỏ được khoanh đỏ trên tấm bản đồ làng biển. Trà Cổ từ một xã thuần nghề ngư, đến nay trên 60% số gia đình trong phường Trà Cổ đã biết làm du lịch và dịch vụ. Hiện làng biển có khoảng 45 nhà nghỉ đang hoạt động với gần 600 phòng với mức doanh thu tăng đều mỗi năm.
Khách tắm biển dù không nhiều nhưng đủ để rực rỡ sắc màu trên cát trắng như một điểm nhấn hiện đại. Nhà hàng bên bờ biển Trà Cổ nằm rải rác, giá cả dễ chịu, không “chặt chém” như các nơi khác. Những bữa tiệc hải sản bên bờ biển, gồm những tôm, ghẹ, bề bề, ốc, mực... có dư vị khó tả, vì sự tươi ngon của thực phẩm, sự niềm nở của người bán và cả không khí trong lành, thuần khiết của một vùng biển chưa mất hẳn chất dân dã.
Người dân Trà Cổ vẫn còn lưu giữ ngôi đình có niên đại hơn 500 năm. Cụ già trông đình có tên gọi Vũ Tiến Nồng kể rằng: ngôi đình là tài sản vô giá mà cha ông từ 500 năm trước đã để lại. Đình được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XV). Mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình Trà Cổ hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, mang đậm chất văn hóa của người Việt, không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa, điều này càng khẳng định rằng cha ông ta ngày xưa đã rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc.
Mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh, tiền đường gồm 5 gian, 2 trái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng. Đình gồm 48 cột lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Cột cái cao 4,65 mét, chu vi cột 1,63 mét. Đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 mét.
Trong đình còn hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng đã xám màu thời gian, trên đó khắc: Địa cửu thiên trường (đất vững, trời dài) và Nam Sơn tịnh thọ (nước Nam bền vững); một bộ kiệu bát cống, 8 long ngai, 02 hạc rùa, một bộ bát biếu, 01 bộ thất sự bằng đồng, 05 bức đại tự, 05 cửa võng... đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng và nhiều hiện vật có từ thời Lê, Nguyễn. Đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để thờ thành hoàng làng là 6 vị tiên công có công xây làng, lập ấp.
Theo các bô lão trong làng truyền lại, thì tổ tiên xưa vốn là người Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề đánh cá. Trong một lần đi biển, gặp sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào đây. Trước cảnh hoang vu, chỉ toàn sú vẹt, lau sậy cùng những đồi mua, đồi sim, có 6 gia đình đã chán nản nói: "Ở đây ăn bổng lộc gì?/Lộc sim thì chát, lộc si thì già". Nhưng 6 gia đình còn lại lại lạc quan, tin tưởng vào vùng đất tuy vắng vẻ nhưng khung cảnh đẹp, nên đã trả lời: "Ở đây vui thú non tiên/Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau". 6 gia đình ra đi, 6 gia đình ở lại khai phá miền đất mới, sinh làng lập ấp..."
Rời làng biển, vẫn con đường thẳng tắp tràn ngập vị mặn mòi của biển, trước mặt chúng tôi chính là mũi Sa Vĩ. Tấm biển “Vành đai biên giới” nằm ngay cuối con đường, nơi nhô ra phía biển như ngón tay chỉ về đại dương xa ngút mắt. Ngay chót mũi Sa Vĩ, phía tay trái có một mảnh vườn nhỏ trồng rất nhiều cây. Đó là khu vườn do các nguyên thủ quốc gia trồng khi về thăm điểm đầu tiên của dải đất hình chữ S. Chúng tôi ngắm những hoa sim, hoa mua như cũng tím hơn trong chiều biên giới, giẫm chân lạo xạo trong bùn cát và hưởng trọn nắng gió biển trời Sa Vĩ.
Mũi Sa Vĩ ngày trước chỉ có bộ đội biên phòng ngày đêm tuần tra bảo vệ và người dân trong vùng qua lại đánh cá bắt tôm thì nay cũng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và cả ngoài nước. “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Nhúm một nhúm cát, nhặt lên một hòn đá cuội, nắm chặt trong tay mình để thấy cát và đá cũng ấm tình Tổ quốc. Tôi mang hai vật ấy cất vào ba lô mang về đặt lên bàn làm việc. Tôi tin chắc rằng, mỗi khi nhìn thấy cát và đá tôi lại nhớ về Sa Vĩ, nhớ về Trà Cổ, về nơi đã lưu giữ một phần tâm hồn mình, để lại nhen nhóm và thu xếp thỏa mãn khát vọng lên đường khám phá những mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú, những điểm cực khác của Tổ quốc mình và trân quý hơn những vẻ đẹp muôn hình muôn sắc khắp dải đất hình chữ S thân yêu.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ internet
Trà Cổ nằm ở cực Đông Bắc đất nước thuộc tỉnh Quảng Ninh, kề sát biên giới Trung Quốc, cách thị xã Móng Cái và cửa khẩu Móng Cái chừng 10km.
Có thể đến Trà Cổ bằng nhiều cách khác nhau. Bằng ca nô hay tàu thủy chạy từ Hải Phòng đến Móng Cái với quãng đường hơn 200 km hoặc từ Hòn Gai với hành trình 132km, bạn sẽ đến bãi biển Trà Cổ. Nếu bạn đi đường bộ thì có thể lên ôtô từ Hà Nội, theo đường 18, Hà Nội - Hòn Gai đến Tiên Yên rồi rẽ đường số 4 đi thị xã Móng Cái để ra bãi biển Trà Cổ...
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.