Bà Rịa –Vũng Tàu là vùng đất vừa có núi rừng, vừa có biển, nên đặc sản ở đây cũng rất phong phú và đa dạng.
Đến với Vũng Tàu, du khách cũng sẽ được thưởng thức nhiều món ăn được coi là đặc sản của địa phương như: bán canh Long Hương, cua rang muối, các món hải sản tươi sống… Và một trong những đặc sản của vùng đất này không thể không nhắc đến đó là món bánh khọt.
Bánh khọt vốn là món ăn dân dã nổi tiếng xuất hiện từ khá lâu tại TP.Vũng Tàu với nhiều quán ăn nằm rải rác trên khắp các đường phố Vũng Tàu. So với nhiều món ăn khác, bánh khọt mang một hương vị rất riêng, đậm chất dân dã. Đây cũng là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ.
Tuy nhiên, tại Bà Rịa- Vũng Tàu, cũng với nguyên liệu là bột gạo quyện với nước cốt dừa béo ngậy, nhưng bánh khọt hấp dẫn du khách bởi nó mang yếu tố đặc trưng riêng của thành phố biển.
Theo những người am hiểu về món đặc sản xứ biển này, muốn bánh ngon đòi hỏi người làm bánh phải có kinh nghiệm pha bột và nêm nếm nước mắm. Để có một chiếc bánh khọt thành phẩm, phải trải qua nhiều công đoạn.
Trước tiên, bột được xay từ gạo ngâm hơi mềm và để qua đêm. Trong lúc xay bột, thêm chút cơm nguội. Ngoài nước cốt dừa pha lẫn trong bột, khi bánh gần chín tới, người ta còn cho chút nước cốt dừa lên trên để tạo vị béo, thơm. Bánh khọt Vũng Tàu khác với bánh căn miền Trung và bánh khọt miền Tây ở chỗ: Trên mặt bánh khọt Vũng Tàu là những con tôm đỏ hồng xen lẫn màu xanh của hành lá, trông rất bắt mắt.
Công đoạn làm món bánh này không phức tạp nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến. Nếu cho nước nhiều hơn bột thì bánh dễ vỡ vụn trong quá trình chiên và bánh khi lấy ra khỏi vỉ cũng không giòn. Còn cho bột nhiều hơn lượng nước quy định sẽ làm bánh không ngon vì không có độ dai. Bánh khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai.
Mỗi chiếc bánh khọt tròn, to hơn miệng ly uống trà một chút, trong lòng mỗi chiếc bánh trắng tinh lại được trang trí bằng màu xanh của lá hành được xắt nhỏ, màu đỏ gạch của tôm được lột sạch vỏ. Không chỉ có tác dụng trang trí, hành lá và tôm còn giúp tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho mỗi chiếc bánh.
Để tạo cảm giác ngon miệng cho thực khách, đặc biệt là để hạn chế cảm giác ngán vì dầu mỡ, món ăn kèm với bánh khọt chính là gỏi đu đủ. Đu đủ rửa sạch và xắt sợi nhỏ. Sau đó ngâm trong nước sạch có pha chút giấm chua. Gỏi đu đủ ngon là những sợi đu đủ hơi chua chua, ngọt ngọt và quan trọng là phải giòn.
Ngoài gỏi đu đủ, như ở nhiều nơi khác, bánh khọt Vũng Tàu cũng ăn kèm với rau xà lách, rau cải và các loại rau thơm như húng quế, ngò gai, tía tô và một số loại rau rừng khác... để tăng hương vị của món ăn. Cuối cùng, nước chấm trong món bánh khọt được coi là khâu rất quan trọng đối với mỗi người chế biến vì nó đòi hỏi người chế biến phải biết cân bằng và pha nước chấm vừa khẩu vị của từng thực khách.
Nước chấm dùng trong món bánh khọt gồm nước mắm, chút nước đun sôi để nguội để pha loãng nước mắm. Sau đó cho nước mắm ra tô, trộn lẫn với những hạt li ti màu ngà của tỏi bằm, màu đỏ của ớt và những tép chanh trong trong. Người thích ăn béo thì cho thêm chút nước cốt dừa vào. Nước mắm vừa chua, vừa ngọt, có thể nhúng cả bánh ngập trong nước mắm mà không bị mặn.
Đến Bà Rịa –Vũng Tàu, du khách có thể thưởng thức món bánh đặc sản này tại một số quán ăn nổi tiếng như: Bánh khọt Gốc Vú Sữa (14, Nguyễn Trường Tộ, phường 2, TP.Vũng Tàu), bánh khọt 41 (24A, Trần Đồng, TP.Vũng Tàu)… Đến, thưởng thức và cảm nhận, du khách sẽ hiểu vì sao món bánh khọt luôn nằm trong danh sách những món ăn đặc sản không thể bỏ qua khi một lần đặt chân đến thành phố biển này…
Du lịch, GO! - Theo Thy Vũ (Báo Hải Quan), internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.