Đèo Dran ở Lâm Đồng nổi tiếng thách thức người cầm lái. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm khiến con đường vô cùng hiểm trở buộc người cầm lái phải thật sự tỉnh táo. Nhưng đã một lần đi qua con đèo này rồi thì nhiều người lại cứ “say”: say những đường cua ngoằn ngoèo, say cả cảnh vật thiên nhiên tuyệt mỹ...

Dran cũng là tên của một thị trấn thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đèo Dran nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển, cao hơn thành phố Đà Lạt. Khu vực này được biết đến lâu rồi bởi là nơi đặt chân của bác sĩ Yersin thử nghiệm trồng cây ký ninh trị bệnh sốt rét sau khi đã trồng ở Hòn Bà-Nha Trang.

Trước đây, đèo Dran nằm trên tuyến đường chính của Đà Lạt nối ra biển Đông trên đất Phan Rang, qua đèo Ngoạn Mục. Sau đó, có một tuyến đường khác mở ra thay cho con đường này ít hiểm trở hơn.

Từ đó Dran trở nên vắng vẻ. Có lẽ yếu tố này đã giúp Dran giữ được nguyên vẹn hình ảnh một thảo nguyên mênh mông và thơ mộng như thuở ban đầu khi có người đặt chân đến đây để trồng trọt, sinh sống...

Để đến được Dran du khách phải trải qua con đường quanh co uốn khúc của con đèo. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách theo đường của những biệt thự đẹp đi hướng Trại Mát, nơi có nhiều danh thắng đẹp. Qua khỏi Trại Mát, con đường khá vắng vẻ, bạt ngàn rừng thông. Đèo Dran dài chỉ khoảng 10 cây số, nhưng đủ sức tạo cho khách nhiều cung bậc cảm giác.

Những lúc thời tiết trong, ít sương mù, người cầm lái cũng phải căng mắt và tỉnh táo để vượt qua những đoạn hiểm trở, những khúc cua hẹp. Nhưng lộ trình qua đèo giúp du khách có thể chiêm ngưỡng được những cảnh đẹp tuyệt vời luôn biến đổi theo những vị trí nào đó trên đường.

Phía sau bạn con đường quanh co ẩn hiện trong bạt ngàn màu xanh rừng thông tạo một cảm giác cực khoái. Vượt chỉ mười cây số thôi nhưng làm khách mất hàng giờ bởi vừa vượt đèo vừa ngắm cảnh, chụp ảnh.

Rừng thông bạt ngàn, già cỗi như có tự bao giờ chìm lẩn khuất trong mây. Du khách có thể “sờ” được mây và cả áng sương bởi mây và sương luôn bất chợt hiện ra lúc ở giữa lưng chừng đèo, lúc ở đỉnh đèo... như muốn ôm bạn vào lòng. Cứ mỗi km vượt đèo Dran, bạn như đang đi thẳng vào xứ sở ôn đới, bởi nhiệt độ thay đổi rất nhanh chóng, chẳng bao lâu bạn chìm trong khí hậu lạnh mát của Đà Lạt.

Suốt con đường vắng vẻ mà dường như chỉ có ta với thiên nhiên hoang dã, du khách dễ mềm lòng trước phong cảnh hữu tình. Rừng thông chập chùng trên những ngọn đồi thấp, núi cao. Đâu đâu cũng một màu xanh của những hàng cây thẳng đứng.

Có những lúc bạn phải thót tim vì cung đường quá hiểm trở nhưng không ít lần bạn cũng thót tim vì thiên nhiên quá đẹp. Đó là cảm giác khi chinh phục đèo Dran, tìm về một miền đất lịch sử, mở màn cho cuộc chinh phục cao nguyên Lang Bian nổi tiếng này. Dran có thể coi là điểm đến của những người yêu thảo nguyên xanh, yêu cảm giác “say đèo”.

Xung quanh đèo Dran là những ngọn đồi trồng nhiều loại cây đặc sản và đặc biệt là trà. Tuyệt nhất là đồi trà bậc thang ở gần trung tâm thị trấn Dran. Một vạt đồi nằm cặp con đường chia thành những luống ngay ngắn băng xuống chân đồi. Phía bên kia, một ngọn đồi khác tiếp nối bằng những luống trà bậc thang như ruộng ở Tây Bắc. Từ chân đồi, những bậc thang lại chất chồng lên nhau đến đỉnh đồi, tưởng chừng có thể chạm mây cao. Du khách phải mất rất nhiều thời gian thưởng ngoạn đồi trà này.

Được biết trà ở đây được trồng rất sớm. Ngay sau khi bác sĩ Yersin đến đây thì cây trà cũng theo chân người Pháp đến để mở những đồn điền rộng lớn bên cạnh cây cao su và cà phê. Ngày nay, những cây trà trăm năm tuổi vẫn còn hiện hữu làm chứng nhân cho sự ra đời của một nghề truyền thống của cư dân.

Dran hiện nay trở thành điểm đến không thể thiếu của người yêu cao nguyên Lang Bian. Mùa đông, Dran sở hữu cái lạnh dưới 5OC. Mây và sương dường như bao phủ Dran suốt cả ngày. Du khách có thể nghịch mây thỏa thích.

Mùa đông, rất nhiều du khách lên Đà Lạt rồi vội vã đến Dran để thưởng thức thời tiết giá lạnh, đứng giữa trời mây. Gió lồng lộng giữa mây ngàn, du khách như chìm trong biển mây và sương lạnh buốt. Mùa đông Dran lạnh tê tái nhưng du khách lại thấy thích thú...

Không chỉ có mùa đông lạnh giá, du khách có thể tìm đến Dran mà bất kỳ thời gian nào trong năm để trải nghiệm...
Hầu hết cư dân ở vùng đất này đều sống trong những ngôi nhà làm bằng gỗ thông nghe như nhựa thông tỏa mùi ấm áp. Chiều sâu của Dran là bất tận như đỉnh Langbian huyền diệu, như những ngọn gió phóng túng thổi ào ạt, bất tận trên cao nguyên huyền bí, ẩn chứa những điều hư huyền nhưng rất thực.

Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ và nhiều nguồn tin ảnh khác