Một trong những di sản văn hóa vật thể lâu đời được người dân Khánh Hòa lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay là làng cổ Phú Vinh - nơi có thể đưa du khách trở về với cội nguồn…

Phú Vinh là một ngôi làng nằm bên bờ sông Cái, thuộc xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, với nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử nhưng Phú Vinh vẫn giữ được những nét rất riêng và độc đáo, là đặc trưng của làng quê miền Trung xưa. Đó chính là những ngôi nhà cổ. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng ngàn khách du lịch đến tham quan, để được trải lòng mình về với cội nguồn.

Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay Khánh Hòa có trên 50 ngôi nhà cổ, nằm rải rác ở các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, và TP. Nha Trang.

Riêng làng Phú Vinh có 6 ngôi nhà cổ, gần như còn nguyên trạng và đều nằm trên trục đường vòng cung của xã Vĩnh Thạnh.

Những ngôi nhà này được xây dựng ở những vị trí “đắc địa”, rộng rãi, thoáng mát: “Sông giăng trước mặt, núi tựa sau lưng”. Nhà có kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói liệt; cửa chính, cửa hông được làm bằng gỗ sao, gỗ gõ; các vì, kèo xà, con đội… được chạm khắc nhiều loại hoa văn tinh xảo.

Nổi bật trong số những ngôi nhà cổ ở đây là nhà của gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (72 tuổi). Ngôi nhà đã trải qua 6 đời và hầu như chưa sửa chữa lần nào. Nhiều thế hệ gia đình ông đã sống gắên bó trọn đời tại ngôi nhà này. “Ngôi nhà này chính là dấu tích của dòng họ tôi, nó như một minh chứng khắc họa sự trường tồn của gia tộc cùng năm tháng” - ông Hải cho biết.

Nhà ông Hải nằm trong khu vườn có diện tích trên 4.000m2, xây dựng theo kiểu căn bát dần đầy đủ 3 gian, 2 chái với 36 cột gỗ. Các cột này được làm chủ yếu bằng loại gỗ căm xe, một loại gỗ quý, không bị mục, chỉ có ở miền Trung (người Pháp trước đây từng ví là “thép An Nam”). Các vì, kèo, xà, con đội chủ yếu được làm bằng gỗ sao, gỗ gõ. Nghệ thuật khắc chạm được thể hiện rõ nét thông qua hình ảnh các vì kèo. Đầu kèo lồng ba khắc chạm tinh tế công phu hình ảnh tuần lộc, mai điểu, bướm, én trĩ… Bên cạnh đó, phần tương quả, gia thu, thủ quyển trên trần nhà cũng được trang trí hoa văn rất tinh xảo, cho thấy nét tinh tế của nghệ thuật điêu khắc của người xưa.

Điều đặc biệt chúng tôi cảm nhận được khi bước chân vào những ngôi nhà cổ chính là không khí cổ xưa vẫn còn hiện hữu. Tất cả mọi vật đều toát lên nét cổ kính đã lưu truyền hàng trăm năm cùng mưa nắng, gió sương. Gian giữa ngôi nhà chính là nơi thờ cúng tổ tiên, với bức hoành phi đặt phía trên trang thờ có tựa đề: “Đức lưu phương” (Đức soi sáng cho tất cả mọi người). Đây chính là tâm niệm của gia chủ khuyên răn con cháu trong gia đình phải luôn giữ gìn tâm đức, truyền thống của gia tộc.

Phía bên dưới, hai bên trang thờ trưng bày 1 vế đối có từ lâu đời: Thập lý mai đình vinh túc bộ/Thiên niên đào lý mị cúc hoa (nghĩa là Trăm dặm rừng mai ta tản bộ/Nghìn năm đào lý khách nhàn du). Các vật dụng khác trong gian phòng như: tràng kỷ, bàn ghế, tủ trà… đều được chạm trổ tinh xảo, trải qua thời gian đã lên nước đen bóng. Bước chân ra phía ngoài, qua những chiếc cửa gỗ, du khách sẽ nhìn thấy mảnh sân gạch đã in dấu thời gian đến mòn vẹt, bạc phếch. Những viên gạch, mái ngói ở đây đã được lót, lợp cách đây hàng trăm năm.

Điều đặc biệt khi đến ngôi nhà này, du khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức những món “cây nhà lá vườn”, đó là các loại trái có trong vườn nhà như: dừa, chuối, xoài, mãng cầu, chôm chôm, mít…

Du khách cũng có thể nhâm nhi một tách trà nóng, thưởng thức vẻ đẹp của cây mai già hơn trăm tuổi cùng các loại hoa cảnh được dịp nở rộ khi Xuân về. Ở đây, du khách cũng có thể chọn mua cho mình và người thân, bạn bè những đồ vật được làm thủ công như: Bình nước pha trà làm bằng trái dừa khô, chiếc gáo dừa truyền thống của miền quê…

Những năm gần đây, du lịch làng cổ Phú Vinh luôn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trong đó phần lớn là khách nước ngoài. Nét độc đáo của chuyến hành trình thăm làng cổ là đi xe ngựa. Vó ngựa khoan thai trên đường đưa du khách đến nơi dệt chiếu truyền thống, nơi se nhang… Bên cạnh việc đi lại bằng xe ngựa, du khách có thể thuê tàu ngược dòng sông Cái đến làng Phú Vinh. Dọc theo hai bờ sông Cái là những lồng nuôi cá chình, những chiếc vó, lờ, hom bắt cá… Tài công cũng sẽ cho tàu ghé lại bên cồn đất nổi giữa sông để khách thưởng thức nước dừa ngọt mát… Những khung cảnh ấy sẽ mang lại cho bạn cảm giác yên bình.

Rời Phú Vinh trong một buổi chiều tà, chúng tôi men theo dòng sông Cái trở về trung tâm TP. Nha Trang. Làng cổ Phú Vinh chỉ còn những ngôi nhà thấp thoáng phía sau, nhưng không hiểu sao tâm trạng chúng tôi vẫn mãi bồi hồi, lưu luyến vẻ đẹp của những gì còn sót lại nơi đây. Thời gian dù bao thế kỷ cũng không bào mòn được tinh hoa của dân tộc. Làng cổ Phú Vinh chính là cội nguồn mà chúng ta cần bảo tồn cho đến tận mai sau.

Phí tham quan một ngôi nhà cổ ở Phú Vinh thường là 5.000 đồng/người. Du khách sẽ nhận được sự đón tiếp nồng hậu và mến khách của chủ nhà bởi những đĩa trái cây “cây nhà lá vườn” và được thưởng thức không gian bình yên khi cùng chủ nhà uống trà trong khu vườn xanh mát.

Ngoài những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, Phú Vinh còn là một làng nghề. Những chiếc xe ngựa dân dã sẽ đưa du khách rong ruổi trên những con đưòng cổ rợp bóng cây, bên những giếng làng rêu phong. Chi phí cho mỗi chuyến xe ngựa là 20.000 đồng và mỗi xe chỉ chở được hai người.

Đến với làng cổ Phú Vinh, du khách sẽ có được những phút giây thảnh thơi trong không gian quê kiểng, giữa rơm rạ cây cỏ. Món quà nhỏ từ Phú Vinh mà bạn có thể mua về làm kỉ niệm là những chiếc bình đựng nước và gáo múc nước xinh xắn được làm bằng trái dừa khô, để ghi nhớ một chuyến du hành về một vùng quê cổ miền Trung.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Nhatrang travel, BarSG, internet