Động Tiên là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang hơn 55 km về phía bắc, nằm gần quốc lộ 2, thuộc thôn Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên.

Quần thể thắng cảnh Động Tiên nằm giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, núi non điệp trùng, giàu huyền thoại. Có ba ngọn núi chính là núi Toạ, núi Chân Quỳ và núi Bạch Mã. Động Tiên nằm trong núi Chân Quỳ.
Tư­ơng truyền từ ngày xửa ngày xư­a, lúc mặt trăng còn ở rất gần trái đất, hằng tháng cứ đến hôm rằm, trăng tròn lại soi sáng khắp muôn nơi, làm cho gương mặt từ già đến trẻ đều rạng ngời, đẹp đẽ và tràn đầy hạnh phúc.

Nhưng bỗng một hôm, một mảnh trăng bị văng ra, làm cho ánh sáng đến với mọi người và nét rạng rỡ trên từng khuôn mặt bị giảm đi. Một chàng thanh niên tuấn tú khoẻ mạnh hơn ng­ười đã gánh đá ng­ược dòng sông lên vá lại mặt trăng, để đem lại ánh sáng ban đầu và lấy lại đ­ược khuôn mặt đẹp đẽ, hạnh phúc cho muôn dân.

Trên đư­ờng gánh đá, vì quá nặng, chàng phải ngồi nghỉ và bỏ lại một hòn đá. Hòn đá chính là núi Toạ (tức núi ngồi). Khi chàng nhấc gánh lên để tiếp tục đi thì đòn gánh bị gãy làm mất thăng bằng, chàng ngã khuỵu chân xuống, một hòn đá nữa lại rơi ra và biến thành núi Chân Quỳ. Chàng thanh niên mang những hòn đá còn lại ra bờ suối, rồi tắm cho lại sức. Đang tắm, chàng trông thấy nàng tiên c­ưỡi ngựa trắng đi qua, liền vẫy gọi nàng đư­a ngựa xuống giúp chở đá lên vá trăng. Thấy chàng khôi ngô tuấn tú, nàng tiên đã vui lòng giúp. Hai ngư­ời thắng yên ngựa và chở đá lên vá trăng. Ngựa hí ba tiếng để bay lên như­ng vì quá nặng, lại đứng sát bờ suối, ngựa bị lún cả 4 vó, cả ngư­ời và ngựa hoá thành ngọn núi Bạch Mã.

Động Tiên là động ngoài cùng của núi Chân Quỳ. Gọi là Động Tiên, vì nơi đây có vẻ đẹp chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh. Bà con địa phương từng có câu ca rằng:

Chân Quỳ là núi thần tiên
Có nơi hang động có đàn đá hoa...

Động Tiên có 3 cửa, nằm cách chân núi khoảng 300 mét, đường lên quanh co ngoạn mục. Từ cửa động, trong làn không khí mát lạnh toả từ suối nước trong vắt quanh năm dưới đáy hang, có thể thoả sức bao quát cả một thung lũng xinh tươi phía dưới với những bông hoa chuối đỏ tươi nổi bật giữa những thảm lúa vàng và biết bao cỏ cây, hoa lá. Động Tiên có diện tích khá rộng, có thể chứa hàng nghìn người. Theo những bậc đá đi vào lòng hang, sẽ bắt gặp những khoảng trống trông như ­những ô cửa sổ. Vào  ngày nắng, luồng ánh sáng từ cửa hang rọi xuống trông nh­ư những chiếc đèn pha cực lớn soi vào lòng hang hun hút.

Trên các vách hang có nhiều nhũ đá mang đủ hình thù, dáng vẻ diệu kỳ, lấp lánh. Có chỗ trông giống một đám mây, nơi lại giống một đàn khỉ, có mảng nhũ giống hình bầu vú mẹ, có chỗ lại giống những búp tay thon dài...

Đi sâu vào trong động, còn thấy những nhũ đá như hình chim đại bàng bay lên, chân quắp một thiếu nữ, lại có khối đá như hình Phật bà Quan âm ngự trên toà sen và hình các vị La hán bên cạnh các hình voi chầu, hổ phục... Du khách cũng có thể ngồi lặng trong luồng không khí mát lịm để thưởng thức những bản nhạc bất tận do tiếng gió luồn qua khe đá tạo nên.

Cách Động Tiên không xa, trên núi Chân Quỳ là động Thiên Đình, hang Thạch Sanh với vô số lớp nhũ đá cao thấp, hình thiếu nữ có, tiên ông, rùa vàng có... Nhũ đá trong hang có khả năng thay đổi màu sắc theo ánh sáng mặt trời: lúc rạng đông có màu hồng, buổi trưa lấp lánh như pha lê, khi hoàng hôn màu đỏ thẫm. Có những phiến đá được xếp thành hàng như đàn đá thật kỳ thú, gõ nhẹ lên chúng phát ra âm thanh vừa thân quen vừa hoang sơ.

Phía sau núi Chân Quỳ còn có một hang đá được nhân dân địa phương gọi là hang Quốc phòng. Đây là nơi Đại đoàn công pháo 351 (thuộc Bộ Quốc phòng) cất giấu đạn pháo chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đã có hơn 400 thùng đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại được dân công vận chuyển lên hang để bảo quản, cất giữ. Và ngày 15/7/1953, công trường mở đường từ hang đá này ra mặt trận Tây Bắc được khởi công, để Đại đoàn công pháo 351 và các đơn vị khác chuyển quân và vũ khí ra mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Với cảnh quan kỳ thú, không khí trong lành mát mẻ và từng gắn bó với những sự kiện lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ, Động Tiên đang được khai thác trở thành nơi tham quan kỳ thú, điểm du lịch hấp dẫn. Ngày 16/11/2005, thắng cảnh Động Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia. Tết âm lịch Bính Tuất vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ hội Động Tiên.

Lễ hội bao gồm lễ tế đình Làng Nhớn, đình thờ một người họ Phạm có công khai khẩn đất đai lập làng từ khoảng nửa đầu thế kỷ 18; lễ Cô Tiên cử hành tại động Tiên cầu nhân khang vật thịnh; và phần hội bao gồm hội thi trâu nhằm quảng bá giống trâu tốt, khuyến khích phát triển chăn nuôi, hội ném còn cho trai gái tìm hiểu nhau, và các hội thi văn nghệ, thi trang phục dân tộc... Ngoài ra, Lễ hội Động Tiên còn có các gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản vật địa phương như cam, thịt trâu, gạo nếp, gạo cẩm, gạo dự, mộc nhĩ, măng khô, mắm cá ruộng, rượu thuốc....; có các cuộc thi nấu xôi, làm bánh, làm cơm lam... đầy bản sắc.

Đến Động Tiên, du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh đẹp  hữu tình, kỳ thú, vừa hiểu thêm về lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, của bà con địa phương. Không chỉ là điểm đến đầy hấp dẫn với khách du lịch, Động Tiên còn là điểm đến của những người quan tâm đến bản sắc văn  hóa dân tộc và tiềm năng phát triển kinh tế dồi dào...

Du lịch, GO! - Theo Trung tâm Tin học - Tổng cục Du lịch (TITC), internet