Không chỉ tiết kiệm, có lợi cho sức khỏe, đi bộ là một trong những hình thức du lịch khám phá gần gũi môi trường và là cách để bạn cảm nhận thế giới xung quanh một cách ấn tượng nhất, sâu sắc nhất.
Có những điểm đến chỉ có đôi chân mới đưa được bạn tới, giúp bạn khám phá muôn điều kỳ thú. Dù ở thành phố hay nông thôn, rừng núi hay sa mạc, dù nắng hay mưa, ít hay nhiều người, thậm chí một mình bạn vẫn có thể thực hiện chuyến du lịch đi bộ theo cung đường đã định.

Du lịch đi bộ đường dài (tiếng Anh: hiking hoặc bushwalking) là hoạt động ngoài trời chủ yếu ở môi trường thiên nhiên theo các tuyến đường mòn nhằm khám phá, thưởng thức cảnh vật. Nếu du lịch đi bộ nhiều ngày có đeo balô trang thiết bị ngủ đêm, nấu ăn thì được gọi là backpacking, du lịch đi bộ nhiều ngày ở các tuyến đường núi là trekking.

Tự phát

Cách đây ba năm, một nhóm đi trong giới trẻ miền Bắc mang tên “Long nhong ngoài đường” với hình thức “bỏ đường to, chỉ đi vào đường bé” đã gây ấn tượng với nhiều “dân đi” khi thực hiện các chuyến chinh phục đỉnh Phanxipăng (Lào Cai) “không theo cung đường truyền thống”, chinh phục núi Nhĩ Cồ San (Bát Xát, Lào Cai)...

Hiện ngoài các cung đường quen thuộc và mức độ dễ như khám phá rừng quốc gia Cúc Phương, Cát Bà, Ba Vì, thăm bản Sa Pa, Mai Châu, nông thôn Ninh Bình, cù lao, miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, leo núi Bà Nà, Lang Bian..., các nhóm ưa thích du lịch đi bộ đang tìm trải nghiệm mới trên nhiều tuyến khó hơn.

Tự thu thập thông tin trên mạng, vạch ra các cung đường dựa trên bản đồ và với sự trợ giúp của phương tiện định vị GPS, các nhóm đi đã bắt đầu các hành trình chinh phục dãy Phu Song Sung (thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Yên Bái), Tam Đảo (đông bắc VN) hay tìm đường lên Tây Yên Tử, xuyên rừng Cát Bà (Hải Phòng), rừng quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), Pù Luông (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), khám phá động Thiên Đường (Quảng Bình)... Đặc biệt, một số bạn trẻ hợp nhau sau một thời gian đồng hành đã lập thành một đội bán chuyên nghiệp.

Thời gian từ một đến vài ngày, các hình thức du lịch đi bộ phổ biến ở VN là leo núi, cắm trại, đi xuyên rừng, thăm làng mạc... Trong đó, khách du lịch nước ngoài thường chọn vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc hoặc đồng bằng sông Cửu Long để đi bộ đường dài và leo núi Phanxipăng là một trong những tuyến ưa thích nhất.

Khi con đường mới là đích đến

“Hơn tất cả các loại hình “xê dịch” khác, đi bộ là cách cảm nhận thế giới xung quanh chân thực nhất. Người tham gia du lịch đi bộ theo đó cũng nắm bắt tinh thần chuyến đi một cách trọn vẹn nhất” - G.Giang, một thành viên của phuot.vn, chia sẻ. Chính quá trình đi bộ, những quan sát phát hiện và tình huống trên đường cùng các cung bậc cảm xúc của người đi mới là điều đáng để tâm chứ không chỉ chăm chăm nhằm đến đích cho sớm. Đã có tuyến leo đến đỉnh Phanxipăng chỉ mất một ngày, nhưng nhiều người vẫn chọn hành trình dài hơn để... leo cho thỏa thích.

Du lịch kết hợp với thể thao mức độ nhẹ như đi bộ, cơ thể không phải vận động quá sức và tiết ra hormon adrenalin tăng hưng phấn. Ngắm làng mạc, hoa cỏ, núi non, ong bướm, chim muông, chào hỏi chuyện trò với những người gặp trên đường, thi thoảng dừng chân nghỉ ngơi chiêm ngưỡng cảnh vật và lắng lại ngẫm ngợi nghe chính bản thân mình. Vậy là bạn đã có chuyến du lịch đi bộ thành công!

Bài toán khai thác các tuyến du lịch đi bộ ở VN

Hiện nhiều điểm đến nổi tiếng của VN đang bỏ qua lợi thế địa phương trong việc khai thác du lịch đi bộ, thậm chí không tuân thủ Luật di sản, phá vỡ cảnh quan môi sinh, điều cấm kỵ trong việc phát triển hình thức du lịch này. Điển hình, dự án xây dựng hàng loạt thủy điện tại Sa Pa đang có nguy cơ “giết chết” thung lũng Mường Hoa với rất nhiều bản người dân tộc thiểu số cũng như nhấn chìm bãi đá cổ đã xếp hạng di tích cạnh dòng suối.

Khách du lịch đến Sa Pa để làm gì nếu không phải đi bản, ngắm núi. Chưa kể các tuyến điểm tham quan phần lớn do chính khách du lịch xây dựng, tự chọn điểm nhìn bao quát toàn cảnh. Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn hiện là điểm hút khách du lịch trẻ nhưng cũng chưa đưa ra tuyến đường tham quan cụ thể, lộ trình chi tiết để kéo họ ở lại lâu hơn.

Một chuyên gia trong ngành du lịch ở Đức - quốc gia nổi tiếng thế giới với hình thức du lịch đi bộ - có lần nói VN có các điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển những tuyến du lịch đi bộ đáp ứng nhu cầu du khách nhưng dường như khía cạnh này vẫn còn bỏ ngỏ.

Không cần vốn đầu tư lớn, xây cất hoành tráng... nếu các địa phương phối hợp với ban ngành chức năng lên được quy hoạch tổng thể các tuyến du lịch đi bộ, vạch ra cung đường cụ thể, cung cấp thông tin đầy đủ và quảng bá rộng rãi thì sẽ thúc đẩy người dân vận động nhiều hơn, thu hút được khách du lịch nước ngoài lưu lại dài hơn.

Mỗi du khách đều có thể trở thành người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các công viên quốc gia cũng có thể hạn chế nạn tàn phá rừng bừa bãi... Rừng vàng, núi đẹp, sông nước êm đềm trên đất Việt sẽ thêm phần gắn bó với mỗi người dân và hái ra tiền nhờ vào đó!

Du lịch, GO! - Theo Thủy Trần, Minh Lý (Dulich Tuoitre), ảnh internet