Nhiều tre thế nên cành cạch nhiều vô kể. Những ngày nắng to hay oi nồng, cứ tám chín giờ sáng trở đi là chúng kêu đinh tai nhức óc. Đêm cũng vậy, nhiều đêm không ngủ được vì tiếng cành cạch kêu.
Anh thanh niên Mường Bùi Văn Kiên hỏi tôi:
- Bác có ăn được con này không?
- Tôi là tín đồ thuyết “phàm là” của dân nhậu. Phàm là con gì quay lưng lên giời thì ăn tuốt. Con này có quay lưng lên giời không?
- Tất nhiên là có.
Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng chưa biết thứ côn trùng đựng trong chảo mà Kiên chìa cho tôi xem là con gì, vì cánh của chúng đã bị vặt hết và đã được chiên sơ, con nào con nấy nhuốm một màu vàng mơ rất bắt mắt.
Thoạt đầu tôi tưởng dế, nhưng nhìn kỹ thì không phải, vì chúng nhỏ hơn con dế mèn cỡ trung bình rất nhiều. Là châu chấu, nhưng, làm gì có thứ châu chấu nào to thế, to bằng đốt tay út đứa trẻ lên ba.
Thấy tôi ngẩn mặt ra, Kiên bảo:
- Con cành cạch đấy, bác ạ.
Thì ra vậy. Cành cạch chính là con châu chấu tre. Sở dĩ có tên như vậy là vì ban đêm, tiếng nó kêu cứ cành cạch, cành cạch… Và cũng vì cái tiếng cành cạch đó rất giống với tiếng hai mảnh sành va vào nhau, nên con cành cạch cũng còn một tên nữa là con “sặt sành”. Châu chấu lúa ở đồng bằng rất nhiều, nhưng châu chấu tre thì rất hiếm, bởi nơi sinh sống của chúng là ngọn tre, và thức ăn khoái khẩu nhất của chúng là lá tre non.
Châu chấu lúa nhiều màu, nhưng châu chấu tre chỉ một màu, đó là mầu lá tre xanh. Thế nên khi chúng đậu ở cành tre, kẻ thù rất ít khi phát hiện ra. Bình thường, châu chấu tre đã hiếm, bây giờ càng hiếm hơn khi những bụi tre, rặng tre càng ngày càng biến dần khỏi những làng quê. Tôi hỏi Kiên:
- Trên này nhiều cành cạch thế cơ à?
- Nhiều lắm. Vì trên này nhiều tre mà.
Quả vậy, xã Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình) của Kiên nhiều tre vô kể. Hầu như nhà nào cũng trồng hàng trăm bụi tre trên những lô rừng được giao, nhiều nhất là tre bương. Nhiều bương thế nên giá rất rẻ, cây bương gốc bằng bắp đùi người lớn, dài hơn chục mét chỉ có giá hơn chục ngàn, mà phải chặt từ rừng, vác về tận nơi thì người mua mới trả tiền. Mùa bương mọc măng, gốc nào gốc nấy cứ tua tủa. Những mụt măng bương mập ú chỉ nhìn đã thấy ngon mắt ngon miệng, ăn vào vừa giòn vừa ngọt vừa mát. Lần trước lên, Kiên chỉ xách dao ra vườn một loáng đã vác cả tải măng bương về tặng tôi, mụt măng mập nhất, khi mang về, vợ tôi cân được đúng 5 kg. 4 mụt măng Kiên cho, vợ tôi phải thái nhỏ, luộc chín rồi mang phơi bởi không thể nào dùng hết trong vài ngày.
- Nhiều tre thế nên cành cạch nhiều vô kể. Những ngày nắng to hay oi nồng, cứ tám chín giờ sáng trở đi là chúng kêu đinh tai nhức óc. Đêm cũng vậy, nhiều đêm không ngủ được vì tiếng cành cạch kêu.
Kiên kể tiếp, mùa ơ - rô mới rồi, cứ tám chín giờ tối là cánh thanh niên mang đèn, mang vợt ra đồi tre, chỉ non tiếng đồng hồ đã vợt được vài ký cành cạch, mang về một nhà nào đó. Trút cành cạch vào giỏ, rót nước sôi non từ từ vào giỏ. Gặp phải nước nóng, lũ cành cạch nhẩy tưng từng, rào rào trong giỏ, rụng hết càng và sã cánh , một lát thì chết. Lấy cành cạch ra vặt hết cánh và vặt nốt những đôi càng của những con chưa rụng. Xong rồi, cẩn thận ra thì ngắt đầu, rút hết ruột, còn không thì cứ để vậy cũng chẳng sao. Đổ cành cạch đã sơ chế ấy vào rổ cho thật ráo nước rồi trút vào bát, ướp mắm muối và các gia vị cho ngấm. Trong các thứ gia vị đó nhất thiết không được thiếu món lá chanh thái chỉ.
Trước khi trận bóng mở màn độ nửa tiếng thì cho mỡ, đập mấy lát hành khô vào chảo phi già, đến khi mùi thơm của hành dậy lên thì đổ cành cạch đã ướp vào chảo để chiên. Trận bóng mở màn cũng là lúc mớ cành cạch chiên giòn, nóng hổi, thơm điếc mũi, con nào con nấy vàng ươm, bóng nhẫy mỡ, khô se, được rải ra đĩa có lớp lá chanh lót dưới và lá chanh thái chỉ rắc bên trên. Rượu ngô rót ra.
Cả nhóm thanh niên ngồi quây quần lại trước màn hình ti vi, vừa nhâm nhi vừa theo dõi, cổ vũ cho đội bóng “của mình”. Trận cầu kết thúc cũng là lúc rượu cạn, mồi hết, tất cả ra về với sự “phân công” trận tiếp theo sẽ là ai chuẩn bị rượu, ai đi săn mồi, tụ tập ở nhà ai… Tôi hỏi Kiên:
- Tối nay có đi săn cành cạch không, cho mình đi với.
- Xong ngay.
Sau bữa rượu ngô xứ Mường “cháy cổ” nhắm cành cạch chiên giòn trưa hôm ấy, tôi cứ chập chờn trong tiếng cành cạch kêu miên man mà không sao chợp mắt được, bởi tôi thấy nhớ đến da diết một thời mà giờ đã trở thành xa lắc xa lơ.
Ngày ấy, cứ tối nào có đội “chớp bóng” (chiếu phim) lưu động của huyện về phục vụ là ngay từ chiều, cánh thanh niên lại ra đồng “săn” châu chấu lúa. Dụng cụ để bắt châu chấu là một cái vỉ tre hình tam giác buộc vào đầu cái que tre bằng ngón tay cái, dài độ hơn mét.
Vụt một lúc đã có lưng giỏ châu chấu lúa mang về, cũng chế biến như cách mà Kiên đã kể, chỉ có điều là chiên “chay” vì thời ấy, ngoài ba ngày Tết, có bao giờ có được tý mỡ trong nhà. Chiên xong, một phần dành cho bữa cơm tối còn một phần để riêng, gói vào cái khăn mùi xoa để mang ra bãi chiếu phim, vừa xem vừa ăn nhí nhách. Những đôi nào có “tình ý” với nhau thì buổi “chớp bóng” ấy không thể thiếu dúm châu chấu rang làm quà cho nhau…
Khoảng hơn bẩy giờ thì chúng tôi đã sẵn sàng nào ắc quy, bóng đèn, vợt, giỏ. Lận mỗi người một đôi ủng vào chân, chúng tôi lên đường. Địa điểm mà chúng tôi chọn là một bãi cỏ trống cách chân đồi bương chừng mươi mét. Vừa dùng lại, tôi đã thấy người ran lên. Muỗi, trời ơi, sao mà nhiều muỗi thế. Đàn muỗi rừng thấy hơi người túa ra như trấu rắc. Chỉ một thoáng, tôi đã hứng trọn mấy chú muỗi vào miệng, phải khạc nhổ lia lịa.
- Không chỉ muỗi mà còn vắt nữa. Cẩn thận không vắt xanh tấn công đấy.
Vừa nhắc tôi, Kiên vừa cắm một cái gậy dài hơn 2 mét xuống đất, mắc bóng đèn lên đầu gậy rồi bật ắc quy.ánh sáng điện vừa bừng lên, không biết bao nhiêu là thứ côn trùng đã nhao đến, nào bướm, nào bọ, nào các loại sâu có cánh, nào con vờ (phù du)…Rất nhiều châu chấu ma xấu như…ma đã từ các bụi cỏ gần đấy tung mình lên, lao vào gần bóng đèn để thực hiện màn khiêu vũ tưng bừng dưới ánh sáng. Vẫn chưa thấy con châu chấu tre nào xuất hiện. Tôi hỏi Kiên:
- Hay chỗ này không có cành cạch?
- Cứ yên tâm, tý nữa là có ngay ấy mà.
Quả nhiên, chỉ mươi phút sau, những con cành cạch đầu tiên đã nhao đến, rồi tiếp đó, từ rừng bương, chúng nhao về phía bóng điện ngày càng nhiều. Chúng tôi quơ vợt…
Du lịch, GO! - Theo Nongnghiepvietnam, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.