Con gái nơi đây tuổi đời mới chỉ 13, 14 mà đã như những thiếu nữ đã đến tuổi trưởng thành. Dù không sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào nhưng các thiếu nữ tại bản Mậu da dẻ cứ trắng nõn nà, mịn màng, khuôn mặt hồng hào, cặp chân thuôn dài, cách ăn nói dễ thương làm ngơ ngẩn không ít đấng mày râu.

Nghe kể về "Bản gái đẹp" này đã lâu nhưng phải gần đây tôi mới có dịp tận mục sở thị sau lời giới thiệu hấp dẫn của anh bạn là cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Sơn Động. "Anh cứ lên đây, toàn các em xinh đẹp ngắm mãi không chán".
Từ ngã ba xã Yên Định huyện Sơn Động theo đường 291, đi hơn 20kilômét chúng tôi về xã Tuấn Mậu trong tiết trời mưa bụi nhạt nhoà.

Nhờ tay lái quen đường rừng của các anh ở phòng văn hoá, chúng tôi vượt qua đoạn đường gập nghềnh về Bản Mậu. Dưới mưa lui phui, xe đi sau trèo lên những lằn vết xe đi trước để tránh trơn trợt. Nghe các anh kể, ngày mưa con đường này chỉ còn nước lội bộ. Có đoạn bùn sình lầy đến nỗi chân cứ rút bùn đất mà bước đi.

Chỉ một con đường độc đạo như sợi chỉ xuyên dọc bản, nhà dân bám bên rìa đường tựa lưng vào triền Tây Yên Tử. Những đoạn đèo dốc như lao thẳng xuống phía con suối nước trong veo. Như nhiều nơi ở rẻo cao, người dân tự bắc cầu qua suối và thu lệ phí. Cầu đơn sơ chỉ dành cho các phương tiện xe máy, xe đạp, người đi bộ. Không khí của miền rừng trong lành lắm. Những thung bãi ngàn ngạt hoa dại tím yên ả đến thơ mộng.

Nhan sắc trên đỉnh non ngàn

Bản Mậu nằm dưới chân núi phía Tây Yên Tử thuộc xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) nổi tiếng với truyền thuyết về gái tiến vua.

Lắm trang nam tử đã không quản ngại đường xa, vượt cả trăm cây số tìm về bản, náo nức mong tận mắt chiêm ngưỡng nhan sắc những bông hoa của núi rừng được truyền tụng có dòng dõi phi tần.

Dẫu đường vào bản còn gập ghềnh nhưng cảnh sắc, tình người và những khám phá mới mẻ khác nơi chân mây miền Tây Yên Tử đã không phụ lòng khách xa. Vậy mới hay câu “Nếp làng Gà, đàn bà Tuấn Mậu” đúng là những mỹ từ đầy mê hoặc mà người đời đã đúc kết lại để dành tặng cho người con gái nơi này.

Đoạn đường chừng nửa cây số từ UBND xã Tuấn Mậu vào bản Mậu chúng tôi gặp gần chục bóng hồng qua lại trên đường. Cô nào cũng cao, trắng ngần và rất duyên dáng nhưng trước cái nhìn chăm chăm của những người lạ khiến các cô e ngại, thẹn thùng.

< Con gái Dao - bản Mậu ngày càng giống con gái thành thị.

Viễn cảnh về bản làng mà chúng tôi vẽ ra trong suốt cuộc hành trình thật khác xa so với cảnh tượng thực tế trước mắt: Nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Dao chỉ thưa thớt, thay vào đó là những căn nhà mái ngói, mái bằng mọc lên san sát dọc hai bên đường.

Trang phục váy áo xúng xính của thiếu nữ Dao, những nụ cười rạng rỡ như tiên nữ, những gương mặt hút hồn… cho đến giờ vẫn chỉ là “sản phẩm” trong trí tưởng tượng.

Trước mắt chúng tôi là các cô gái người Dao bình thường như bao cô gái khác trong trang phục của người Kinh. Nhưng phải công nhận một điều, các cô gái bản Mậu đều có làn da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt ướt đa tình làm nghiêng ngả cả trời chiều sơn cước.

Trò chuyện với chúng tôi, trưởng thôn Bàn Văn Thành cười hỉ hả khi biết mục đích chuyến đi của anh em. Cùng nhâm nhi chén rượu ngô do chính con gái trong bản làm, ông Thành nói: “Bản gái đẹp chỉ là trong truyền thuyết thôi chứ con gái trong bản cũng có người nọ người kia”.

< Trịnh Thanh Giang.

Chúng tôi gặp Trịnh Ngọc Huyền,18 tuổi dân tộc Dao, gần con suối sau bản. Đây là một thiếu nữ có dáng hình cao dong dỏng (chừng 1m64),  nước da trắng mịn, đôi má núm đồng tiền, cách nói chuyện nhẹ nhàng hóm hỉnh, lại buông nụ cười duyên càng thấy đáng yêu hơn. Huyền kể: "Em là thứ hai trong gia đình có bốn chị em. Học hết lớp 7 em phải nghỉ học giúp bố mẹ làm nương, hiện giờ em đang làm hồ sơ xin đi làm công nhân tại một nhà máy điện tử ở Bắc Ninh".

Khi hỏi đã có người yêu chưa? , cô gái thẹn thùng: “Cũng có vài đám ngấp nghé, nhưng em chưa ưng. Còn phải đi làm đã". Thấy chúng tôi mải mê chụp những tấm hình của Huyền, anh Thân Văn Nguyên, cán bộ văn hóa xã Tuấn Mậu giục tôi: "Đi thôi anh, hoa khôi ở bản này còn nhiều lắm, các anh muốn gặp, lát nữa em sẽ đưa đi".

< Trịnh Ngọc Huyền.

Gặp Trịnh Thị Giang, tôi không nghĩ đây là một cô gái dân tộc thiểu số, với áo phông, quần bò và chiếc điện thoại di động đời mới. Cô gái 19 tuổi này cuốn hút tôi bởi dáng người cao, nói cười tự nhiên và cuốn hút. Giang nói đã có người yêu ở dưới xuôi, dự định sang năm sẽ làm đám cưới. Tuy nhiên tôi cứ có cảm giác tiêng tiếc: Các cô gái ở đây chắc chắn sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu trong bộ trang phục truyền thống! Nhưng biết làm sao được, khi nhịp sống đô thị đã len lỏi đến tận những  bản làng xa xôi nhất!

Ông Trịnh Văn Phúc, 85 tuổi - một người dân bản Mậu khẳng định: So với một số bản người Dao ngay cạnh đó như Thanh An, Tân Lập, Đồng Thông thì con gái bản Mậu vẫn là đẹp nhất. Đặc biệt con gái ở đây rất "đắt chồng". Nhiều cô gái vừa mới lớn đã có đám đến xin cưới, những cô ra thành phố học tập, làm việc đều lấy chồng và ở luôn đó. Còn rất nhiều cô lấy chồng các tỉnh, thành phố lớn như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng... Ngay như cháu gái ông Phúc là Trịnh Thị Hương năm 2007 đoạt giải "Người đẹp Hoa Cúc" trong cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam", tổ chức tại Đà Lạt, cũng đã lấy chồng là người thành phố.

< Trịnh Thị Hương đoạt giải “Người đẹp Hoa cúc”.

Anh Đinh Văn Cường, cán bộ Tư pháp xã giới thiệu thêm: "Cái duyên của con gái bản Mậu còn thể hiện ở sự khéo léo trong giao tiếp, ăn nói nhỏ nhẹ. Đặc biệt các cô có tửu lượng đáng nể, tiếp rượu mấy anh dưới xuôi cả ngày mà không hề hấn gì!".

Dòng dõi cung tần

Nếu sườn Đông Yên Tử có làng gái đẹp người Dao khá nổi tiếng là xã Thượng Yên Công (Uông Bí, Quảng Ninh) thì bản Mậu bên sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) cũng chính là nơi có dòng dõi cung tần, mỹ nữ. Tương truyền rằng từ xa xưa thôn Mậu, xã Thanh Sơn là cái nôi sản sinh ra những người con gái đẹp đến mức họ luôn nằm trong tầm ngắm của những người đi kén các giai nhân từ khắp mọi miền của đất nước về kinh kỳ làm cung tần mua vui cho các vua chúa.

"Này Bản Mậu xưa gái tiến vua/ Một cười ngàn vạn chẳng dễ mua/ Trách chi quân tử dây tình vướng/ Đổ tại tà ma tại phép bùa" - một nhà thơ đến thăm bản đã thốt lên những câu thơ như vậy. Hay còn có câu "Nếp làng gà, đàn bà Bản Mậu", nghĩa là đến Sơn Động nếu được ăn cơm nếp ở làng gà (xã Long Sơn) thì rất ngon, còn được gặp gỡ với đàn bà Bản Mậu thì khó có thể quên.

< Phong cảnh hữu tình ở Sơn Động.

Bản Mậu nằm thu mình ngay sau  đại ngàn Yên Tử, 109 hộ đều là dân tộc Dao Thanh Y, từ đây mất chừng 2 giờ đồng hồ để leo núi đến non thiêng chùa Đồng (Yên Tử). Leo núi từ bản Mậu tới chùa Đồng đi qua "Bàn cờ tiên"- nơi có tảng đá phẳng lỳ, người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau rằng, các tiên nữ trên trời vẫn xuống đó đánh cờ, múa hát và ngắm cảnh trần gian. Tại đây các "cô tiên" ăn trầu và nhả bã, quanh khu vực này mọc rất nhiều lá trầu tiên, ăn cay cay, đặc biệt rất hữu dụng chữa một số bệnh hậu sản ở phụ nữ, bệnh đau bụng, đau xương, ho, cảm cúm.

Ông Trịnh Văn Phúc kể: Chuyện những cô gái bản Mậu từ xưa đến nay rất xinh đẹp là có thật. Nhân dân trong vùng còn truyền tụng một huyền thoại liên quan đến chiếc giếng thần như sau: Ngày xưa cạnh chỗ nhà sàn văn hóa của bản bây giờ có cái giếng nước trong vắt, ngọt lịm. Con gái bản Mậu thường ra đây múc nước rửa mặt, tắm gội nên cô nào cũng trắng trẻo, nhan sắc mặn mà đến "nghiêng nước, nghiêng thành".

Thế rồi bao nhiêu cô gái xinh đẹp cứ lần lượt đi lấy chồng ở các bản khác. Tức quá, đám trai bản Mậu bắt một con chó mực, cắt tiết đổ xuống giếng để các cô gái không dám múc nước giếng tắm rửa, gội đầu nữa. Thế nhưng  con gái ở đây vẫn cứ "sắc nước hương trời". Hiện nay bà con đang có ý định khôi phục lại chiếc giếng thần đó vừa để lấy nước sạch sinh hoạt, vừa làm kỷ niệm. Tuy nhiên theo ông Phúc câu chuyện trên có phần huyền bí, hư ảo.

< Nét duyên con gái người Dao.

Giải thích về sắc đẹp của gái bản Mậu còn một tích nữa nghe thuyết phục hơn. Đó là chuyện cách đây hơn 700 năm, vua Trần Nhân Tông từ kinh thành đến núi Yên Tử tu hành, nhân những chuyến theo hầu nhà vua lên vãn cảnh Chùa Đồng, trời tối nên các cung nữ vào nhà dân xin nghỉ tạm qua đêm. Được tiếp đón chu đáo, cảm kích trước tấm lòng của bà con nên nhiều người đã xin ở lại.

Cũng có những trường hợp một số cung tần mỹ nữ tuy bị thất sủng, mỗi khi vua vi hành hay vãn cảnh chùa thường được cử đi theo hầu. Nhân dịp này các cô tìm cách trốn luôn và ở lại đây sinh sống, lấy chồng thường dân và sinh con đẻ cái. Thế nên ngày nay hậu duệ của các cung tần, mỹ nữ này mới có vẻ đẹp đài các, quý phái như vậy(?!).

Huyền thoại “cây đa tình”

Cũng theo lời kể của già làng Trịnh Tiến Hiện, xung quanh huyền thoại “mỹ nữ tiến vua” của bản Mậu, vẫn còn biết bao câu chuyện kỳ bí mà người làng còn truyền tụng đến bây giờ. “Cây đa tình” trên sườn núi hàng nghìn năm tuổi, thân cao trăm trượng, tán rộng cả một vùng bao đời nay là một trong những huyền thoại ấy.

Truyền thuyết kể rằng, có hai cặp trai gái yêu nhau. Cô gái đẹp như tiên giáng trần, nước da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen mượt như mun; còn chàng trai thì xấu xí. Mối tình của họ đã vượt qua mọi ranh giới và họ giấu tất cả bố mẹ, bà con dân bản.

Cho đến một ngày, cuộc tình của họ cũng bị phát hiện. Dù bố mẹ cô gái một mực ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết chí yêu nhau, thề non hẹn biển, sống chết bên nhau. Cuối cùng, do gia đình “chia uyên rẽ thúy”, cặp đôi quyết định quyết định tìm đến cái chết để giữ trọn lòng son. Vào một ngày nọ, họ dắt tay nhau đi về hướng Bắc, ôm nhau dưới gốc cây cổ thụ cho đến chết.

< Nhiều người lý giải: do nguồn nước ở Sơn động trong lành nên các thiếu nữ ở đây có làn da trắng mịn?

Người dân nơi đây kể lại, chỗ đôi trai gái chết đi mọc lên hai cây đa, bên trên 1 cây, bên dưới 1 cây. Hai cây đa tựa vào nhau, quấn quýt cành lá, tồn tại cho đến tận bây giờ, rễ cây tua tủa cắm xuống mặt đất. Người ta đếm được có đến 200 tua rễ như thế. Dân bản gọi cây đa bên trên gọi là “cây đực”, cây đa bên dưới là “cây cái”. Ở cây đa “đực”, có một cành cây uốn cong như một cánh tay, “ôm” trọn lấy gốc cây bên dưới. Vì thế dân bản mới đặt cho cây cái tên đầy lãng mạn “Cây đa tình”.

Nghe kể về huyền tích đầy thê lương nhưng không kém phần lãng mạn này, chúng tôi bày tỏ ý muốn được thấy tận mắt “Cây đa tình”. Xách con dao quắm đi rừng, ông Hiện phăm phăm dẫn chúng tôi băng rừng leo núi khi bóng chiều đang dần dần đổ xuống.

Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ băng qua những con đường rừng sâu hun hút, chúng tôi mới đến được cây đa tình. Mồ hôi vã ra xối xả, chảy tràn vào hai hốc mắt cay xè. Trên diện tích bằng khoảng 4-5 manh chiếu ghép lại, hai cây đa hiện ra sừng sững giữa rừng. “Quả thực là một kỳ quan nằm lặng lẽ nơi sườn núi Tây Yên Tử”, mấy anh em trong đoàn thốt lên.

Đoản khúc buồn nhan sắc

Bắc Giang có "Bản gái đẹp" nổi tiếng. Thế nhưng, tại cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc gia, tỉnh này chưa một lần đoạt giải cao. Năm ngoái Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã lên kế hoạch tổ chức tuyển chọn, "đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn" ấy bằng cách về tận nơi tuyển chọn những cô gái đẹp cho đợt thi nhan sắc trên toàn quốc.

Nhưng theo ý kiến của không ít người: Đó là điều không đơn giản vì các tiêu chí hoa hậu phải toàn diện, không chỉ phải đẹp về thể chất mà cả về trí tuệ lẫn tâm hồn... Trong khi đó có một sự thật: Dù được tạo hóa ban tặng cho sắc đẹp là thế nhưng hầu hết các cô gái bản Mậu bỏ học rất sớm, nhiều em chưa học hết phổ thông đã bỏ học đi làm thuê tại các khu công nghiệp dưới xuôi, làm nương rẫy giúp cha mẹ, rồi phải lấy chồng... Tuổi thanh xuân tươi đẹp mau chóng đi vào quá vãng.

Cùng đó, điều mà anh cán bộ văn hóa xã Thân Văn Nguyên lo lắng là sự đổi thay mau chóng của bản làng, lối sống thành thị đang du nhập vào bản Mậu. Không ít sơn nữ mộc mạc  đã bị "nhiễm" lối sống đó, từ trang phục cho đến mái tóc, cách sinh hoạt, dùng điện thoại di động sành điệu, váy áo xanh đỏ... Nét đẹp xưa đã phai lạt đi nhiều...

Vậy nhưng nói gì thì nói nhưng thật tế thì con gái nơi đây tuổi đời mới chỉ 13, 14 mà đã như những thiếu nữ đã đến tuổi trưởng thành. Họ đều có làn da trắng ngọc ngà, đôi mắt đưa tình nghiêng cả trời chiều sơn cước, dáng đi nhẹ nhàng trên đôi gót hồng thoăn thoắt, giọng nói thỏ thẻ vừa đủ nghe, nhưng ấm và vang xa mười ngọn núi, chín dòng khe... Có lẽ một trong những nguyên nhân là môi trường sinh thái và khí hậu ở vùng sơn cước này không quá nóng cũng không quá lạnh, rất hợp với sự phát triển của các thiếu nữ.

Chúng tôi rời bản Mậu khi trời đã nhá nhem, những căn bếp của đồng bào người Dao Thanh Y đang tỏa ra làn khói trắng nghi ngút. Lòng tôi có phần hụt hẫng khi không có cơ duyên ngắm nhìn những cô gái đẹp bản Mậu. Có thể tiếng tăm của các cô gái bản Mậu chỉ là trong truyền thuyết hay có thể chúng tôi không có may mắn gặp được nhiều người đẹp hơn nhưng chúng tôi hiểu thêm rằng, trên khắp mảnh đất Việt thân thương vẫn còn rất nhiều điều kỳ thú.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Xaluan, VNCA, VTC và nhiều nguồn khác.