Di tích tháp Poklongarai (Po Klong Garai) là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu, (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

< Cổng vào tháp Po Klong Garai.

Quần thể này gồm ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở, cao 20,50 m, dài 13,80 m, rộng 10,71 m - đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua, cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách, cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m) được xây dựng để thờ vua Poklongarai (poklongarai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua SINHAVARMAN III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì, từ 1152 đến 1205 - vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương.

Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm, có một cặp vợ chồng nông dân nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh nằm trên bọt nước, trôi từ thượng nguồn dòng sông Dinh (chảy qua địa phận huyện Ninh Sơn và qua thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đổ ra bể). Tiếng khóc của đứa trẻ đã làm động lòng cặp vợ chồng làm rẫy gần đấy và họ đã đem bé về nuôi. Họ đâu biết, đứa trẻ này được bề trên phái xuống để thử lòng dạ người trần.

Trời làm cho đứa bé bị ghẻ lở đầy người, mà các thầy thuốc giỏi trong vùng đều không thể chữa khỏi, cốt ý để xem cặp vợ chồng này đối xử như thế nào với đứa bé. Sau đó, trời cho Rồng vàng xuống trần, liếm hết những vết ghẻ lở trên người của cậu bé đang chăn trâu rồi nằm nghỉ trưa ở ngoài đồng. Cậu bé sau đó trở nên khôi ngô tuấn tú khác thường... Sau khi vị vua trị vì mất, nghe lời của một vị chiêm tinh, cậu bé (sau này đã trưởng thành) được phong làm vua, lấy tên hiệu là Poklongarai...

Huyền thoại dân tộc Chăm ở Ninh Thuận còn gắn liền với sự nghiệp xây dựng tháp và giữ đất của vua Poklongarai khi người Tàu đến chiếm đất của người Chăm. Theo truyền thuyết, vua Tàu và vua Chăm đưa ra một cuộc thi xây tháp, bên nào xây xong tháp trước trong thời gian đã quy định thì bên ấy được ở lại giữ đất, ngược lại bên nào xây chậm hơn thì phải rút quân đi. Vua Tàu đốc thúc quân lính đào đất nung gạch, xây tháp suốt bốn tháng trời mà tháp vẫn chưa xong.

Trong khi đó vua Poklongarai thì ung dung thong thả. Vào đêm cuối cùng của thời giao hẹn, Poklongarai mới cho quân dựng lên một khung tháp với chất liệu gỗ và trét phên tre lên rồi phủ thêm vải đỏ bên ngoài. Đến sáng ngày hôm sau quân Tàu từ xa đã trông thấy tháp của vua Chăm trụ sừng sững trên đồi mà không hiểu vua Chăm đã có phép lạ gì mà xây tháp nhanh như thế. Không biết mình đã bị lọt bẫy vì cái kế: "Xây tháp giả bằng gỗ" của Poklongarai. Cuối cùng, vua Tàu đành phải chấp nhận rút quân đi khỏi đất của người Chăm như đã giao kết.

Di tích tháp Poklongarai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương. Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Poklongarai.
Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Đầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng 4 theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Katê (tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm), đây cũng được xem là lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác. Cuối cùng là Lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Nếu có dịp ghé thăm khu di tích Tháp Poklongarai, du khách sẽ được thưởng thức những đường nét ngoạn mục với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt, được thưởng thức cái nắng và gió hơi "ngang tàng" nhưng rất đặc biệt của xứ sở Ninh Thuận này.

Từ tháng 3 chớm vào hè đến hết tháng 8 khá đông khách nội địa, ngày lễ có khi tới vài nghìn người tham quan. Từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau thì phần lớn là khách nước ngoài đi theo tour, gần như không có khách Việt. Vé vào tham quan đồng hạng 10.000 đồng/lượt.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thị Trường, Laodong