Đường đến Linh Ẩn tự - thiền viện Trúc Lâm thứ hai của Đà Lạt - qua nhiều con dốc quanh co với những đồi thông nhấp nhô, nhiều hình thù lạ mắt. Qua bản làng đồng bào người Nùng (xã Tà Nùng), bạn sẽ đến thị trấn Nam Ban, nơi Linh Ẩn tự tọa lạc.

Từ tỉnh lộ 725, thấp thoáng dưới rừng thông, Linh Ẩn tự hiện lên như đầu một con rồng phun nước. Nằm trên độ cao 1.080m, ở thế “tọa sơn ngọa thủy”, sau chùa có đồi thông xanh ngút ngàn, trước mặt có thác Voi ào ào tuôn chảy quanh năm nên không khí ở chùa luôn luôn mát mẻ, yên tĩnh.

Du khách đến với Linh Ẩn tự ai cũng trầm trồ khen ngợi vị sư trụ trì, thượng tạo Thích Tâm Vị - khi ngài có con mắt tinh tế khi chọn địa thế để xây dựng ngôi chùa cho bà con người Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Hà (Lâm Hà ghép từ hai địa danh Hà Nội và Lâm Đồng).

< Linh Ẩn tự ẩn hiện nhìn từ thác Voi.

Nằm ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng kiến trúc Linh Ẩn tự vẫn toát lên vẻ hiện đại và thân thiện với thiên nhiên. Toàn bộ diện tích đất hơn 4 ha của chùa được phủ xanh với những loại cây rừng như gió, sộp, si, bằng lăng…

Nơi hoành tráng nhất của chùa là Tòa chánh điện (khởi công năm 1999), rộng trên 1.400m², lợp ngói đỏ. Phía tiền điện, hai bên bậc cấp dẫn lên chánh điện nội là hai con rồng tinh xảo đắp bằng xi măng dài 20 mét.

< Phía sau Linh ẩn Tự.

Còn sau những nhành hoa bằng lăng tím nở trái mùa, trên nền trời trong xanh, tượng Di Lặc sừng sững hiện ra, tượng cao 12,5m, rộng 6,5m, ngang 9m (chiếm trên 630m³  không gian).

Bên trái vườn dựng tượng Thích Ca thành đạo, vườn Lâm Tỳ Ni… Theo gợi ý “sao không qua đêm ở chùa để đêm nằm nghe thác đổ” của thầy tri viên Thích Hạnh Viên (thầy chăm sóc hoa cây cảnh của chùa), chúng tôi liền thử sống chốn thiền môn một đêm.

Trong khuya vắng, tiếng chuông chùa thời kinh tịnh độ thi thoảng ngân vang hòa cùng tiếng thác rì rầm đổ khiến không gian trở nên yên ả, thanh tịnh lạ thường.

Một đêm, chỉ một đêm sống nơi già lam nghiêm tịnh của miền rừng núi Lang Biang mà trong lòng chúng tôi nhẹ tênh như vứt bỏ mọi phiền muộn của cuộc sống bon chen thường nhật và thức dậy miệng không khỏi mỉm cười...

< Tượng Phật Di Lặc sừng sững nở nụ cười hỷ lạc chào đón du khách.

Linh Ẩn tự cách thành phố du lịch Đà Lạt 22 km, từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách, đặc biệt là du khách Tây phương ưa mạo hiểm, thích khám phá và tận hưởng sắc màu Đông phương. Chùa Linh Ẩn cách TP.HCM khoảng 300 km, cách Buôn Ma Thuột chừng 200 km và cách Phan Thiết chưa tới 200 km.

Có hai đường đến chùa Linh Ẩn: từ TP.HCM qua QL27 đến Cửa rừng rồi đi về thị trấn Nam Ban hay từ Đà Lạt theo đường Hoàng Văn Thụ qua thác Cam Ly đi thẳng về Nam Ban.

Du lịch, GO! - Theo Phạm Văn Ký (Thanhnien), ảnh internet