Số tiền 2000 đồng không đủ gửi xe hoặc không mua được cốc trà đá ở nhiều nơi tại TP.HCM, nhưng có thể mua được cơm không ở gần ga Sài Gòn và tại quán cơm 2000 đồng dành cho người nghèo.

Giá gửi xe máy ở nhiều chợ vùng trung tâm TP.HCM khoảng 4000 đồng, một ly cà phê vỉa hè khoảng 9000 đồng. Từ chục năm nay, những quán bán cơm không tự phát mọc lên ở cuối đường Nguyễn Thông gần ga Sài Gòn đáp ứng nhu cầu của người lao động nghèo kiếm sống gần ga.

Chị Hồng, chủ quán cơm cho biết, “ông tổ” nghề bán cơm ký tên là Thuận, nghĩ ra kiểu bán này trước năm 1975, sau đó ông qua Mỹ sinh sống. Ông Thuận nấu cơm ở nhà, bỏ vào rổ, bưng ra ga Hòa Hưng bán cho những người khách lỡ đường hay chờ tàu.

Cơm thường được bán với giá khoảng 8000 đồng/ký, cơm ngon khoảng 10.000 đồng/ký.

Mỗi ký cơm lãi khoảng 500 đến 1000 đồng. Những người bán cho biết, người mua đa phần là người nghèo, sinh viên nghèo nên không thể lãi cao, họ thường bỏ công làm lãi là chủ yếu. Phố bán cơm không là một nét đặc sắc của Sài Gòn, chưa ở đâu có.

Chị Nguyễn Thanh Nga, người bán cơm ký ở gần ga Sài Gòn đã 13 năm cho biết, khách đến mua cơm không đa phần là người nhập cư, sinh viên nghèo thuê nhà trọ không có chỗ nấu, người già neo đơn, người bán vé số, xe ôm, người chở xe ba gác…

Họ chỉ hỏi mua “cơm thường”, lác đác cũng có “người giàu” có việc bận không nấu cơm, giới văn phòng ghé qua “bán cho cho tôi cơm ngon”. Người đến mua cơm thường mua thấp nhất là 2000 đồng đã có bữa đủ no cho một người.

Người đàn ông này là khách “ruột” của chị Nga từ 7 năm nay, ngày nào ông cũng đều đặn mua cơm trưa và tối, mỗi lần mua 4000 đồng cơm không.

Ông đã hơn 70 tuổi, làm nghề chở thuê bằng xe ba gác. Mua cơm xong, ông cẩn thận cất lên xe, bên cạnh bịch đậu hũ tươi vừa mua. Tính ra, ông chỉ mất khoảng 8000 đồng một bữa cơm.

Khi vật giá leo thang từng ngày, một bữa trưa ở các quán cơm bụi Sài Gòn cũng vào khoảng 20.000 đồng, nhiều người đã chọn giải pháp tiết kiệm bằng cách mua cơm không, từ 2000 đồng đến 4000 đồng tiền cơm, với quả trứng luộc mang từ nhà giá khoảng 3000 đồng, thêm trái dưa leo là đã có một bữa no với chỉ vài ngàn đồng.

Tại con hẻm 14 Ngô Quyền, Q.5, “Cơm 2000” mở vào ngày thứ 3, 5, 7 do diễn đàn Người tôi cưu mang lập ra dành cho người nghèo, một bữa trưa như thế này chỉ có giá 2000 đồng.

Nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người mà sự đóng góp của họ công khai trên trang web của diễn đàn, quán cơm 2000 đồng đã tồn tại được từ năm 2009 đến nay.

Hiện có thêm hai quán nữa ở Cần Thơ và Đà Lạt. Một quán cơm 2000 đồng khác ở địa chỉ 56/21 đường 281, P.15, Q.11, do gia đình quản lý, mở vào thứ 2, 4, 6.

Với thực khách đặc biệt ngồi xe lăn không vào quán được, các nhân viên phục vụ bữa ăn cho họ trên vỉa hè Ngô Quyền.

Anh Nguyễn Hồng Ánh, người quản lý diễn đàn Người tôi cưu mang đang đi nhặt rác do thực khách trước làm rơi trên vỉa hè cho biết, trước đây người nghèo đến xếp hàng mua cơm còn cãi lộn, tranh nhau đứng trước, nhưng chỉ đến vài lần, họ hiểu rằng, mỗi thực khách đều được đối xử chu đáo và như nhau.

Cái đích mà quán cơm 2000 đồng hướng tới, không chỉ là từ thiện cho người nghèo, mà còn là nơi chia sẻ lòng nhân ái, tạo môi trường cho những con người lâu nay phải bặm trợn, bon chen mưu sinh hiểu rằng, sống trên đời, cần nhất là ở tấm lòng.

Mỗi ngày, có khoảng 500 người đến quán cơm 2000 ở hẻm 14 Ngô Quyền. Hầu hết trong số họ làm nghề bán vé số, ve chai, xe ôm, người tàn tật, người neo đơn, hay đơn giản chỉ là có đông con cháu, muốn bớt gánh nặng cho con.

Quán chật hẹp nên ai cũng ăn nhanh chóng để nhường chỗ cho người vào sau đang xếp hàng chờ ở ngoài.

Phần cơm nhiều hay ít đều có giá 2000 đồng bởi nhiều người lao động chân tay cần ăn nhiều cơm mới đủ no. Cơm và canh được lấy thêm miễn phí.

Bếp nấu ăn sạch sẽ, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang khi chế biến thức ăn và đưa cơm cho khách. Có nhiều em nhỏ, sinh viên, người làm nghề buôn bán đến quán cơm tình nguyện phục vụ người nghèo.

Cả gia đình đi bán vé số là thực khách thường xuyên ở quán cơm 2000. Sài Gòn hoa lệ, có những bữa ăn hàng chục triệu đồng, nhưng cũng có bữa ăn chỉ 2000 đồng là tình người dành cho nhau.

Du lịch, GO! - Theo Hương Giang (Vietnamnet)