Từ ngày đá lở trên núi Cấm làm chết 6 người (xảy ra vào ngày 5.5) thì giá gạo, xăng dầu, mì gói, nước đá… bất ngờ tăng vọt khiến hơn 450 hộ dân sống trên núi rơi vào tình thế khó khăn.

Do lối chính lên núi vẫn còn rất nguy hiểm nên UBND huyện tạm thời phong tỏa đường núi, dọn dẹp hiện trường tai nạn. Núi Cấm cao trên 705 mét, đột ngột bị cách trở với đồng bằng; mọi thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày tăng vùn vụt.

Trước tình trạng này, UBND xã An Hảo đã cho vận chuyển gạo và xăng dầu lên núi bán theo giá bình ổn. Lực lượng vận chuyển hàng hóa của xã đã phân chia nhóm chạy xe chở hàng hóa, nhóm gánh, cõng hàng hóa lên núi theo lối mòn, tập kết tại chùa Phật Nhỏ (ấp Rau Tần). Ngay khi gạo và xăng vừa được đưa lên núi, người dân đã tập trung lại mua.

Trong nhiều ngày qua, các chiến sĩ thuộc xã đội, dân quân tự vệ, công an viên… xã An Hảo, H.Tịnh Biên (An Giang) cũng đã thay nhau cõng gạo, xăng dầu vượt “dốc trời ơi” lên núi Cấm giúp dân.
Các anh đã cõng gạo và nhu yếu phẩm vượt hơn 4 km đường rừng lên núi. Con đường mòn quanh co, khúc khuỷu, càng lên cao dốc càng đứng. Chiến sĩ Lê Thành Công, người ướt sũng mồ hôi, cõng bao gạo nặng 50 kg leo từng bước. Qua khỏi con dốc tới điểm tập kết gạo, xăng... ngồi nghỉ giây lát, Công vội quay xuống tiếp tục cõng gạo lên núi. Công nói nhanh: “Mấy ngày nay gạo trên núi tăng giá lắm, tụi tôi phải cõng gạo lên mau để cô bác không phải lo đói”.

Theo quy định tạm thời, mỗi hộ dân được mua 10 kg gạo, riêng các hộ ở xa hay người già yếu được ưu tiên mua 20 kg, khi nào ăn hết gạo đăng ký mua tiếp. Chị Bảy Tuyền, sống ở ấp Rau Tần, cho biết từ ngày phong tỏa đường lên núi, gạo trên đây ngày thường bán 12.000 đồng/kg đã tăng lên 20.000 đồng/kg, xăng tăng thêm 10.000 đồng/lít, các thực phẩm, gia vị khác cũng tăng theo. Chị Tuyền bộc bạch: “Mọi năm đây là thời điểm khách hành hương về núi Cấm đông nhất, tụi tôi chạy xe ôm một ngày được mấy trăm ngàn.

Từ ngày xảy ra tai nạn, ít người lên núi, rồi đường lên núi bị cấm không ai làm ăn, chạy xe gì được. Còn vật giá trên núi cứ tăng nên bà con lo quá, đứng ngồi không yên. Muốn xuống núi mua gạo, xăng nhưng không ai dám xách xe vượt qua dốc trời ơi, còn lội bộ lên xuống mất gần một ngày. Mấy rày nghe phong phanh xã đưa gạo, xăng lên đây bán cho bà con với đúng giá thị trường, ai cũng mừng”.

Bà Tám Bi, ngụ ấp Vồ Đầu, nói hay tin chính quyền chở gạo, xăng lên núi bán thì giá gạo, xăng bắt đầu hạ giá, kéo theo các món khác cũng lần lượt giảm giá. Dự kiến phải mất hơn 15 ngày mới dọn dẹp xong hiện trường tai nạn. Và như thế thời gian cho xe lưu thông trở lại trên núi Cấm vẫn còn khá lâu. Ông Phan Thành Tài - Chủ tịch UBND xã An Hảo - cho biết sẽ huy động lực lượng trẻ các khối ngành tiếp tục đưa gạo, xăng lên núi cho đến khi nào đường cho xe lên núi vận hành trở lại.

Núi Cấm có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn và cao nhất tỉnh An Giang. Núi nằm trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm TP.Long Xuyên khoảng 90 km.

Núi Cấm là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có các danh lam và danh thắng, như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm...

Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm.

Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái... núi Cấm còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh và nước khoáng thiên nhiên...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thanhnien, internet