Những ngày lang thang trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, “người rừng” Trần Ngọc Lâm đã kể cho tôi nghe một sự thật thú vị về thác nước tuyệt đẹp trong đại ngàn, có tên là thác Tình Yêu.

< Suối Vàng có màu vàng óng ở đại ngàn Hoàng Liên.

Ai lên Sapa, cũng mong được vào rừng chiêm ngưỡng thác nước này, và được nghe một câu chuyện huyền thoại liên quan đến thác nước.
Tuy nhiên, huyền thoại về thác nước có cái tên lãng mạn ấy có sát thực, hay do “nhà văn” nào đó mới bịa ra như vô vàn những câu chuyện mang tính hư cấu vẫn lưu truyền trong dân gian? Huyền thoại thì luôn đẹp, nhưng câu chuyện có thực ông Lâm kể còn đẹp hơn cả huyền thoại đang lưu truyền về thác nước này.

Huyền thoại thác Tình Yêu

Trên đường từ cổng Vườn Quốc gia Hoàng Liên chinh phục đỉnh Fansipan, du khách sẽ thấy một tấm biển hình mũi tên phía bên phải ghi rằng: Thác Tình Yêu. Nhiều du khách, đặc biệt là các đôi yêu nhau, khi từ Fan trở về, dù rất mệt mỏi, song vẫn cố nhấc bước đi tìm thác Tình Yêu, để tận mắt thác nước đã đi vào huyền thoại.

Con suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh Fasipan, chảy vòng vèo qua các rông núi, qua những cánh rừng cổ thụ, đại ngàn trúc, rừng đỗ quyên, rồi đổ từ mỏm núi xuống suối Vàng, tạo thành thác Tình Yêu. Dòng nước mạnh mẽ đã biến lòng suối Vàng thành một hồ nước trong mát.

Theo huyền thoại vẫn lưu truyền, sở dĩ gọi là thách Tình Yêu, vì nó liên quan đến câu chuyện về các nàng tiên xuống suối tắm, một mô tuýp khá quen thuộc về các cảnh đẹp dưới hạ giới.

Chuyện rằng, xưa kia, vì cảnh sắc nơi đây tuyệt trần, nên các nàng tiên nhà Trời hay trốn xuống tắm mát, đùa giỡn. Các nàng đều say mê với vẻ đẹp không khác gì cảnh trời. Rồi nàng tiên thứ bảy phát hiện ra chàng tiều phu nấu cơm bên suối Vàng. Trong lúc chờ cơm chín, chàng chặt cây trúc, khoét thành sáo để thổi.

< Ông Lâm cũng hay thổi sáo trong đại ngàn Hoàng Liên, nhưng để gọi bầy khỉ, chứ không phải "gọi" nàng tiên thứ bảy như chàng Ô Qui Hồ.

Tiếng sáo của chàng lúc trầm, lúc bổng vang vọng cả núi rừng. Vì mê mẩn tiếng sáo của chàng, mà nàng quên mất phải về trời. Không chịu được hơi lạnh của núi rừng, nàng đã đến bên đống lửa sưởi nhờ.

Chàng tên là Ô Qui Hồ, con trai cả của Thần núi ngự trị trên dãy Ai Lao. Vì mê loài trúc nơi đây mà quên phận sự của con trai cả là phải tu luyện để nối nghiệp cha. Vì giận chàng nên Thần núi đã hóa phép biến chàng thành người thường thả xuống đỉnh núi này để trồng trúc, chăn mây và thổi sáo. Chàng thổi sáo cho nàng nghe cả đêm. Tiếng sáo của chàng hay đến nỗi hươu, nai, hổ, báo và chim rừng cùng kéo đến nghe, nhảy múa cho đến khi trời tảng sáng.

Thế rồi, ngày nào cũng vậy, nàng đều trốn xuống trần gian để suốt đêm được nghe tiếng sáo của chàng. Chỉ đến khi mặt trời lấp ló sau tán rừng, nàng mới bay về trời. Nhà trời phát hiện, không cho nàng xuống trần gian nữa.

Nàng nhớ chàng tiều phu da diết. Chiều chiều, nàng ra cổng trời nhìn xuống thác nước thương nhớ chàng. Nỗi muộn phiền khiến nàng biến thành một loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi và luôn miệng kêu 3 tiếng Ô Qui Hồ buồn thảm.

Đến nay, tiếng chim gọi bạn vẫn da diết vào mỗi buổi chiều buông, làm cảnh vật thiên nhiên tuy đẹp nhưng nhuốm màu buồn chia ly.

Sự thực cuộc tình

Ông Trần Ngọc Lâm là người từng mắc bệnh ung thư phổi. Vì có cơ duyên với các thiền sư Tây Tạng, ông đã học được bài thuốc chữa bệnh cho mình. Ông đã sống trong hang đá ở độ cao 2.900 trên đỉnh Fansipan để thiền, trồng cây thuốc, sống với chim muông, thú rừng.

Vào năm 1999, khi đang thiền trong hang, ông gặp hai vợ chồng người Pháp leo lên đỉnh núi. Ông người Pháp này tên là Christiane Pasquel Kagheau, khi đó 84 tuổi, từng là phó đồn Trạm Tôn, sống nhiều năm ở vùng núi này, cho đến khi người Pháp thất thủ ở Điện Biên.

< Các nàng tiên đã xuống hồ nước này tắm?

Ông Lâm chào bằng tiếng Pháp, nhưng ông già này lại nói bằng tiếng Việt. Nhiều năm sống ở Việt Nam nên ông nói tiếng Việt rất sõi. Sau khi thăm thú chán Fansipan, ông cho mấy người dẫn đường đưa vợ về, còn ông ở trong hang cùng ông Lâm suốt một tuần. Trong thời gian đó, ông già người Pháp kể cho ông Lâm nghe rất nhiều chuyện thú vị liên quan đến lịch sử Sapa mà có lẽ ngành du lịch Sapa cần phải nghiên cứu thêm.

Chẳng hạn, tên gọi Sapa không phải là từ Chapa (mang nghĩa gò cát) mà là tên gọi tắt của đại úy nam tước thủy quân lục chiến De Chapa (Đờ-cha-pa). Sau khi tiến công theo sông Đà lên Điện Biên, Lai Châu, Phong Thổ tiêu diệt tàn quân Thái – Mèo và quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, đại úy Đờ-cha-pa đã chiếm được làng người Mông, nay là địa danh Sapa.

Để thưởng công cho đại úy, Bộ chỉ huy đã đặt tên cho làng Mông đó là Chapa và in ấn trên bản đồ. Sau này người Việt đọc chệch thành Sapa. Làng Mông chính là thị trấn Sapa ngày nay. Trong cuộc chinh phạt đó, còn có một vị quan địa lý triều Nguyễn tên là Phan Văn Sơn đi theo để hoạch định biên giới với nhà Thanh từ Lào Cai đến Mường Tè.

< Ông Lâm bên thác Tình Yêu.

Lúc nghỉ chân ở Sapa, ông Sơn đã cùng dân phu leo lên thám hiểm đỉnh núi cao nhất và đo độ cao của đỉnh núi này. Ông ta đã lấy tên mình đặt cho đỉnh núi và sau nhiều lần dịch ra tiếng Đông, tiếng Tây thì thành Fansipan như ngày nay. Tên cái đỉnh núi này có đến cả chục cách viết: Phanxiphăng, Phanxipan, Phanxipăng, Fanxipang, Fansipan… Chính vì tồn tại nhiều cách viết, nhiều cách gọi, nên mới có chuyện dễ bị thay đổi, biến hóa.

Riêng thác Tình Yêu có một lịch sử khá lãng mạn. Tuy nhiên, không ai hiểu gì về nó. Ngay cả cách gọi thác nước này cũng khá lung tung. Người Sapa thường gọi nó là thác Vàng, vì nó đổ xuống con suối có nước màu vàng rất đẹp. Có thời gian người ta gọi là là thác Cầu Trắng.

Sự thật về cuộc tình đẹp hơn huyền thoại ở Sapa

< Tại hang đá này, ông Lâm đã được cựu sĩ quan người Pháp kể câu chuyện thực về thác Tình Yêu.

Câu chuyện thực về thác Tình Yêu còn đẹp hơn cả huyền thoại. Ông Christiane Pasquel Kagheau kể với ông Lâm rằng, sở dĩ thác nước này có tên là thác Tình Yêu vì nó liên quan đến một câu chuyện lãng mạn, rất đẹp nhưng cũng rất buồn về một cuộc tình.

Vào năm 1943, một hạ sĩ, là y tá, người Sénégal (Xê-nê-gan) có cái tên rất đàn bà Tomeburn (Tôm-mê-bơn), đen như cột nhà cháy, đã yêu cô gái 17 tuổi, người Mông bản San Sìn Hồ có cái tên rất đàn ông Hạng A Mỷ.
Cha Mỷ là ông Hạng A Chơ. Vợ ông mất sớm, chỉ có mỗi mình Mỷ, ông lại muốn có con trai, nên đặt từ đệm A cho cô (người Mông dùng từ đệm A cho đàn ông). Hai bố con thường vào rừng săn bắn. Lính Pháp cũng hay mang rượu xuống nhà ông cùng ăn thịt thú rừng do ông săn được.

< Đã mười mấy năm qua, ông Lâm vẫn đi tìm hai nấm mồ trong câu chuyện tình buồn, nhưng chưa thấy.

Một lần, Mỷ chạy lên Trạm Tôn thông báo với ông Christiane Pasquel Kagheau rằng bố cô bị thương nặng.
Ông đã gọi hạ sĩ Tôm về bản San Sìn Hồ. Khi đó, ông Chơ nằm bất động trên giường, với mảnh vải chàm bọc kín chân. Ống chân ông Chơ dập nát do lợn rừng cắn. Ngày nào hạ sĩ Tôm cũng xuống nhà thay băng, đắp thuốc cho ông Chơ. Tôm và Mỷ nảy sinh tình cảm từ đó. Trong cuộc họp sĩ quan, Tôm-mê-bơn đã báo cáo chỉ huy cho lấy Hạng A Chơ làm vợ. Cả đám sĩ quan cười rũ rượi.

Trung úy Truva (Tru-va cũng là tên một con suối ở bản San Sìn Hồ) vỗ vai bảo: “Mày cần gì phải cưới, như chúng tao đây, thích đứa nào cứ đưa ra rừng… chán lại tìm đứa khác”. Nói xong, Truva cười hô hố. Anh chàng hạ sĩ da đen điên tiết vì bị xúc phạm đã tung một đòn như trời giáng vào mặt chỉ huy rồi vác theo súng trốn vào rừng. Truvada rất tức giận, sai lính Pháp vào rừng tìm kiếm. Suốt ngày hôm ấy, thi thoảng người ta lại nghe thấy tiếng súng nổ trong rừng.

< Sự thật về cuộc tình đẹp hơn huyền thoại ở Sapa.

Nhưng rồi, Truva trở về, mang theo một mảnh giấy đưa cho ông Christiane Pasquel Kagheau. Mảnh giấy có nội dung đại để, Tôm không muốn giết Truvada và cũng đã tha thứ cho Truva vì tội xúc phạm Mỷ. Truvada cùng đám lính tiến đến chỗ thác nước, nơi phát ra tiếng súng, thì thấy Tôm và Mỷ đã chết. Hai người đã ăn lá ngón tự tử. Chính Truvada và đám sĩ quan Pháp đã chôn hai người tại đó, lập cả thánh giá trên mộ, rồi đặt tên cho thác này là thác Tình Yêu để tưởng nhớ một cuộc tình đẹp, nhưng buồn.

Ông Christiane Pasquel Kagheau chỉ cho ông Trần Ngọc Lâm biết con đường mà người Pháp đi về Fansipan trong vòng một ngày, thay vì con đường từ bản Cát Cát mà chúng ta vẫn đi, mất 3 ngày ròng. Ông Lâm đã mất cả năm để phát trúc, tìm lại con đường đó. Giờ, con đường này trở thành đường chinh phục Fan ngắn nhất.

Đã 13 năm qua, ông Lâm vẫn chưa tìm được hai ngôi mộ trong câu chuyện tình mà ông Christiane Pasquel Kagheau kể. Nhưng ông Lâm tin rằng, đó mới là huyền thoại thực sự của thác Tình Yêu.

Du lịch, GO! - Theo VTC News