Bản Lác (xã Chiềng Châu, H.Mai Châu, Hòa Bình) thời gian gần đây đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay, du khách khắp nơi kéo về Mai Châu, khiến bản làng nơi đây rộn ràng hẳn.

< Đèo Cun dẫn tới Mai Châu.

Theo người dân địa phương, Mai Châu thường chỉ đông vào dịp cuối tuần hoặc những tháng cuối năm do thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, do đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay kéo dài nên lượng du khách tìm đến Mai Châu cũng đông hơn các năm trước.


< Xinh xắn với "kiến trúc" độc đáo từ tre nứa ở Mai Châu.

Bà Kristine, quốc tịch Pháp, cho biết: “Tranh thủ năm ngày nghỉ trước đợt làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tôi đã đến Mai Châu để khám phá nơi này. Tôi thật sự thích văn hóa của các bạn nơi đây. Rất độc đáo”.

< Tập nấp du khách đến với Mai Châu trong kỳ nghỉ lễ 30.4 năm nay.

Còn chị Nguyễn Thu Hà - một du khách đến từ Quảng Ninh - cho hay: “Lễ 30.4 đến đâu cũng rất đông. Nhưng tới Mai Châu, chúng tôi thật sự cảm thấy thư thái và yên bình”.

< Cơm lam là món ăn đặc sản ở Mai Châu.

Từ Hà Nội, men theo quốc lộ 6, chạy thẳng đến Hòa Bình, qua đèo Cun, đến đèo Thung Nhuối thì bản Lác xinh đẹp đã hiện ra mờ mờ trong sương trắng.

< Những con đường phơi đầy vải thổ cẩm được dệt bởi chính những cô gái Thái ở bản Lác.

Thị trấn Mai Châu có nhiều bản làng như Pom Coọng, Văn, Lác (gần thị trấn Mai Châu), Bước (xã Xăm Khòe), Xô (xã Nà Mèo) rồi các bản lẻ ở xã Piềng Vế, xã Hang Kia, Pà Cò, Mai Hịch nhưng trong đó bản Lác cùng với bản Pom Cọong (xã Chiềng Châu) đã được quy hoạch thành các khu nghỉ dưỡng với những mái nhà sàn, những sản vật đặc trưng mang đầy đủ nét văn hóa của người dân tộc nơi đây.

< Những xiên thịt nướng cho bữa cơm chiều thung lũng.

Được biết, 100% người dân ở bản Lác là người Thái với 5 dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác và Lộc.

< Một du khách nhí thích thú với sáo trúc ở Mai Châu.

Ở đây, không khó tìm những người Thái còn giữ nguyên được cách ăn mặc, tục lệ dệt vải dưới gầm các ngôi nhà sàn.

< Du khách thích thú khi được ở trên những ngôi nhà sàn tại bản Lác.

Người địa phương cho hay, ở đây, con gái từ tuổi thiếu nữ phải biết dệt vải, thêu thùa khăn áo thuần thục, nếu không thì rất khó lấy chồng.

< Con đường trong bản Lác trong những ngày này bỗng rộn ràng hơn.

Theo Trưởng bản Hà Công Tím, bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm. Bản Lác được người Pháp tìm đến như một nơi nghỉ dưỡng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

< Trong trang phục của cô gái Thái, thiếu nữ đến từ Hà Nội trông xinh hơn.

Tuy nhiên, đến năm 1993, UBND huyện Mai Châu mới chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Từ đó cho đến nay, bản Lác - Mai Châu ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến.

< Cánh đồng lúa xanh rì trong thung lũng.

Trong thung lũng Chiềng Châu, bản Lác hiện lên xinh xắn, nhỏ nhắn như một bức tranh với những mái nhà sàn dựng bằng tre, gỗ, nứa, hay những cánh đồng lúa nước xanh mơn mởn, những con kênh xanh nhỏ cứ róc rách bốn mùa.

< Đến bản Lác, du khách có thể thuê xe đạp để đạp vòng quanh bản.

Đến bản Lác, du khách thích thú khi được thưởng thức cơm lam, được nghe những cô gái Thái trong chiếc váy dài đen tuyền, mái tóc búi cao sau gáy nói tỉ mỉ về cách gói, cách nướng cơm cho thơm ngon.

< Những chiếc khung cửi vẫn ngày đêm quay đều dưới đôi tay khéo léo của những cô gái Thái.

Người trong bản hiền lành, dễ mến, không hề chèo kéo du khách, ai cũng nở nụ cười tươi nếu bạn chỉ muốn thử chụp ảnh mà không mua đồ.

< Một góc thung lũng nhìn từ đỉnh đèo Cun.

Chiều ở Mai Châu đẹp lạ lùng với những tia nắng như rót mật xuống thung lũng.

Nhà bản sẽ nướng thịt, nấu một nồi măng đắng luộc chấm muối vừng, ly rượu Mai Hạ..., để du khách vừa thưởng thức vừa lắng nghe tiếng cồng chiêng rộn ràng từ một ngôi nhà nhỏ trong bản vọng lại, đủ thấy bao mệt mỏi, xô bồ của cuộc sống đời thường bỗng chốc tan biến.

Du lịch, GO! - Theo báo Thanhnien

Cảm giác "Homestay" tại bản Lác