Hòn Nẹ là tên chỉ hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, Biển Đông. Đảo Nẹ nằm thuộc hải phận tỉnh Thanh Hóa, nó nằm cách đất liền huyện Hậu Lộc khoảng 6km về phía Đông, cách bờ biển Hoằng Hoá khoảng 5 km về phía Đông Bắc và cách bờ biển Nga Sơn khoảng 6 km về phía Nam.

Hòn Nẹ nằm ở tọa độ 19°54'46" độ Vĩ bắc và 106°00'32" độ Kinh đông. Đảo có đồn trú của một đơn vị bộ đội biên phòng của quân đội nhân dân Việt Nam.

Hòn Nẹ có đền thờ Long Vương. Hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch là ngày “Trời đất giao hoà” dân chài ven biển Nga sơn, hậu Lộc, Hoằng Hóa lại tổ chức các đoàn thuyền rồng ra đảo làm lễ hội cầu mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng.

Cũng tại Hòn Nẹ, vào tháng 7 năm 1964, các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chọn Nẹ làm nơi phục kích để đánh đuổi sự khiêu khích và vi phạm chủ quyền của tàu khu trục Maddox trong biến cố "sự kiện vịnh Bắc Bộ"

Hòn đảo này hiện đang được bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa quản lý. Hòm đảo Nẹ này còn gắn liền với 1 tích về tình mẫu tử và trong tích đó thì còn gắn liền với cả 2 ngọn núi của huyện Hậu Lộc. Đứng trên bờ biển từ đất liền thuộc hai huyện Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Kim Sơn (Ninh Bình) nhìn rất rõ Hòn Nẹ, những chiều biển động, ta có thể nhìn rất rõ từng con sóng biển xô vào bọt tung lên trắng xóa.

Mang tiếng là người con của quê hương Hậu Lộc, ấy vậy mà tôi chưa có lần nào ra đảo Nẹ. Cũng may, anh Hải và anh Đồng ở Ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh gọi điện cho tôi, nói là ngày mai có chuyến ra đảo, em có đi cùng các anh không? Tôi mừng quá, chỉ biết cảm ơn các anh rối rít...

Sáu rưỡi sáng, chúng tôi bắt xe buýt tuyến số 11 đi Hậu Lộc. Tuyến xe này lúc nào cũng đông khách, người lên, người xuống nhộn nhịp. Vừa lên xe, chúng tôi đã nghe thấy giọng nói của quê mình đặc sệt miền biển không lẫn vào đâu được. Họ là những người dân lao động chất phác, có lúc “ăn sóng, nói gió”, có lúc chỉ trầm ngâm như khi biển lặng, là những người con Hậu Lộc đi làm ăn xa nhà mang theo chút nhớ nhung mỗi khi sóng lòng trỗi dậy và rồi cả những người có duyên ngầm với quê biển nữa...

Đang bần thần vì một chút nghĩ ngợi thì anh Đồng khẽ khàng vỗ vào vai tôi, nói:
- Đến bến rồi, ta xuống thôi!

Lúc ấy tôi mới dứt được cơn suy nghĩ đang thường trực trào dâng trong lòng. Không phải vì lâu ngày mới lại về quê mà xúc động thế đâu, nhưng sao lần nào cũng vậy, cũng vẫn là những con người ấy, chân chất, lam lũ đến thân thương... Có lẽ anh Đồng, anh Hải đi cùng cũng hiểu cho tôi một phần. Các anh đưa tôi vào Trạm đảo Nẹ trước, báo cáo sơ bộ chương trình làm việc với các anh em ở trạm. Thực ra anh Đồng và anh Hải ngoài việc “bảo đảm” đưa tôi ra thăm đảo còn làm nhiệm vụ quan trọng đó là quay phim, chụp ảnh làm phóng sự cho chuyên mục Quốc phòng toàn dân trên sóng của  Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Rồi các anh ở trạm hôm đó cũng nhân dịp đưa lính mới ra đảo nhận công tác. Như vậy là một công được cả đôi ba việc, ai cũng thấy háo hức, chộn rộn một niềm vui riêng khó tả.

Hơn bảy giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát, phải nhờ một chiếc thuyền nhỏ của ngư dân chở thành hai lượt sau đó mới có thể trèo lên con tàu 24 CV của trạm đang đậu sẵn ở phía ngoài cách bờ chỉ chục mét. Lúc này thủy triều đang lên, con tàu như được tiếp thêm sức mạnh, bắt đầu chuyển hướng ra đảo, nhè nhẹ lướt sóng. Những ngày trời nắng ráo thì đứng ở đất liền có thể nhìn thấy đảo Nẹ rất rõ, vào những ngày biển động, còn nhìn rất rõ từng con sóng biển tung bọt lên trắng xóa, còn hôm nay trời âm u, sương mù giăng dày đặc, trông xa chưa thấy đảo đâu cả.

Nhìn quanh chỉ là một vùng mênh mông sóng nước trắng đục, thấp thoáng lưa thưa những chòi canh ngao nằm rải rác bên trái, bên phải và đằng trước. Thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp một vài thuyền nhỏ đánh cá gần bờ của ngư dân. Thấy tàu của bộ đội ra đảo, họ vẫy tay chào và cười tươi roi rói. Ngư dân ở đây quý bộ đội lắm, bộ đội giúp dân nhiều thứ, trong đó có việc cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển, nên họ biết ơn bộ đội, tình cảm quân dân vì thế mà ngày càng gắn bó keo sơn bền chặt như cá với nước.

Đến lúc này màn sương đã bắt đầu giãn ra, dáng dấp đảo Nẹ hiện trông một rõ. Tôi hình dung giống như một nàng công chúa ngủ trong rừng vừa mới được chàng hoàng tử đến thức giấc, nàng khẽ vén bức màn tuyn trắng muốt bước ra thực tại... Chúng tôi tranh thủ lúc này giở máy ra quay phim, chụp lấy mấy kiểu ảnh. Thật tuyệt!

Tự dưng tôi nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ Mẹ Tơm của nhà thơ Tố Hữu:
Hòn Nẹ ta ơi mảng về chưa đó?
Có nhiều không con nục, con thu?...  

45 phút lênh đênh trên biển đã không thể làm  tôi - người lần đầu tiên ra đảo Nẹ, sốt ruột hơn được nữa. Tàu đã cập vào đảo trong niềm hân hoan đón đợi khôn xiết của các cán bộ và chiến sĩ trên đảo. Anh Thịnh, đảo trưởng, người lâu năm công tác ở đảo, nắm tay chúng tôi, bồi hồi xúc động, nói: “Anh em ra được tới đây thì quý quá!”.

Nói rồi, anh Thịnh cùng anh Hưng, đảo phó, và mấy anh em nữa mời chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo. Tôi chợt hỏi anh Thịnh xem anh có còn nhớ bác Nguyễn Đức Hinh, bác Hàm, bác Hiển - nguyên cựu chiến binh đã từng sống và chiến đấu trên đảo trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không. Anh Thịnh gật đầu: “Nhớ chứ, chỉ có thế hệ các bác ấy ngày trước là biết rõ nhất lịch sử cái đảo này thôi, đến anh em tôi thì cũng có biết nhưng còn lơ mơ lắm...”.

Trước năm 1954, quân Pháp đã từng đến chiếm đóng ở đảo Nẹ. Năm 1955, quân ta mới ra tiếp quản và lấy năm đó là năm thành lập đảo. Những năm tháng ấy, Mỹ đánh phá rất ác liệt, nhất là trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Họ cho máy bay ném bom từ Đò Lèn, đến Hàm Rồng, còn lại chúng trút hết bom đạn xuống đảo. Quân ta trên đảo lúc ấy chưa đủ một đại đội, vũ khí ít, trong khi đó Mỹ liên tục ban ngày dùng máy bay ném bom, đêm xuống lại cho tàu khu trục tiến gần vào đảo để bắn phá dữ dội.

Thế nhưng, cuối cùng tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ đảo Nẹ ngày ấy đã chiến thắng những cỗ máy quân sự bậc nhất của Mỹ.
Đơn vị đảo Nẹ đã vinh dự ghi danh vào bảng thành tích của cả tỉnh, cả nước, bắn cháy 1 máy bay, một tàu chiến của Mỹ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì...

Vừa đi, chúng tôi vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện về đảo. Rằng hòn Nẹ linh thiêng lắm, vì có đền thờ Long Vương, hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch là ngày “trời đất giao hòa”, dân chài ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa lại tổ chức các đoàn thuyền rồng ra đảo làm lễ hội cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.

Trên toàn diện tích một cây số vuông, mất vài tiếng đồng hồ đi bộ, leo trèo lên những con dốc cao, dốc nghiêng nhất là 35 độ và đến nơi cao nhất – đỉnh đảo cao 80 m so với mặt nước biển, chúng tôi mới thấm thía những mệt nhọc trong công việc hàng ngày của lính đảo. Ngày đêm, các anh vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng và bảo vệ đảo, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển hướng Đông - Bắc tỉnh Thanh. Trong nhiều năm qua, đơn vị đảo Nẹ đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị huấn luyện như: thao trường, bãi tập, mô hình học cụ, vật chất, soạn giáo án.

Là đơn vị hỗn hợp nên huấn luyện đồng hóa tất cả các loại hỏa lực: pháo 85, cối 82 và 12,7 mm, bảo đảm các cán bộ, chiến sĩ đều sử dụng thành thạo các loại vũ khí có trong biên chế và huấn luyện bổ sung cho chiến sĩ mới nhận. Đơn vị còn tận dụng thời gian, nhân lực, vật lực tích cực củng cố cảnh quan; xây dựng và làm mới các công trình nhà bếp, nhà vệ sinh, bể nuôi ếch, kè tường và đường đi lại...; tích cực tăng gia sản xuất, tự túc trồng được rau xanh, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm... để có nguồn lương thực, thực phẩm, rau sạch bảo đảm đời sống hàng ngày cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Với các chiến sĩ trẻ, ra đảo cũng là một thử thách. Trung sĩ Nguyễn Quốc Lực, quê ở Nga Sơn, chia sẻ với chúng tôi: Cuối năm 2010, em ra đảo nhận công tác, lúc đầu còn khá bỡ ngỡ chưa quen với cuộc sống ở đây, nhưng rồi được các anh trong đơn vị động viên, giúp đỡ, em đã trưởng thành lên rất nhiều, gánh vác trọng trách nặng nề hơn với vai trò là khẩu đội trưởng 85. Ngoài thời gian huấn luyện, giờ giải lao em còn giúp đơn vị hoàn thành xây một bảng tin, bảng ảnh, xây tường rào, xây vườn tăng gia sản xuất, tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Quá trình phấn đấu rèn luyện tốt em đã được đơn vị tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua...

Trung sĩ Lê Văn Nhất, người trẻ măng, quê ở Nông Cống cũng chứa chan bao cảm xúc. Em kể rằng, ra đảo được anh em trong đơn vị giúp đỡ, em đã nhận thức tư tưởng vững vàng hơn, từ đó xây dựng cho mình phẩm chất, lối sống trong sạch, lành mạnh, sau này giúp ích cho xã hội... Nhớ có lần em bị đau lưng, không đi được, anh em trong đơn vị đã tận tình chăm nom, cơm cháo từng bữa, rồi lại đưa em vào đất liền chữa trị, sau nửa tháng bệnh đã đỡ em lại tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ. Cái Tết năm ngoái nhớ nhà lắm nhưng anh em cũng tự động viên nhau “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”...

Kể ra nữa thì nhiều tâm sự lắm nhưng các chiến sĩ trẻ vẫn còn hơi e dè, khiêm tốn khi nhắc hỏi về mình. Có lẽ chúng tôi hiểu được một phần trong suy nghĩ của các anh, những người lính vững vàng trong gan sắt, dẫu cho cuộc chiến đấu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gian khổ nhưng mong các anh phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ vững tinh thần chiến đấu, vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc, vì đất mẹ quê cha của chúng ta đã dày công xây dựng, vun đắp và bảo vệ cho khát vọng bình yên đến muôn đời.

Chia tay các cán bộ, chiến sĩ đảo Nẹ trong bữa cơm thân mật, đầm ấm nghĩa tình, tôi nhớ rất rõ ánh mắt, nụ cười, lời nói và cả bước chân hành quân của các anh nữa. Trong cái lạnh lẽo, giá buốt của ngày cuối đông, các anh vẫn giữ chắc tay súng gìn giữ những mùa xuân cho cuộc đời, luôn cất cao tiếng hát “đời mình là một khúc quân hành”.

Sáu giờ chiều tối hôm ấy, anh Thịnh, anh Hưng và một vài anh em nữa bịn rịn, xúc động tiễn chân chúng tôi vào tận đất liền. Xa xa nhìn về phía đảo Nẹ chỉ còn là một chấm sáng nho nhỏ đẹp tựa sao sa giữa màn đêm tối mờ...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Thanhhoa, Violet và nhiều nguồn ảnh khác.