Có lẽ không nơi nào trên đất Gia Lai, người dân lại yêu thích môn đi cà kheo như ở làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. 

< Đi trên cà kheo.

Từ con gái đến con trai, từ trẻ con đến người già, hầu như ai ở làng Jun cũng có thể bước đi, thậm chí chạy trên đôi cà kheo một cách thuần thục, thoải mái như chính đôi chân của mình.

“Mỗi khi cần vận động viên cà kheo tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số trên tỉnh, bọn em chỉ cần vào làng Jun ới một tiếng là xong”- anh Lê Thái Ngọc- cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đak Pơ tâm sự đầy tự hào khi dẫn chúng tôi vào làng Jun.

“Đôi chân thứ hai” của người làng Jun

Mới hơn giờ, mặt trời vừa nhô khỏi ngọn tre mà làng Jun đã vắng tanh vắng ngắt. Hai bên đường vào làng, dưới bóng cổ thụ cao vút, xanh rì là những ngôi nhà sàn, nhà xây mái bằng xinh xắn khóa cửa nằm thiêm thiếp. Dừng chân bên nhà rông của làng, Ngọc bảo: “Bà con chắc lên rẫy chặt mía hết rồi. Các anh ngồi đợi chút, em đi xem có ai ở nhà không”. Nói đoạn, anh phóng xe máy vào làng. Chỉ dăm phút đã thấy Ngọc quay về, mặt rạng rỡ: “May quá, có trưởng thôn ở nhà”.


< Lớp mầm non làng Jun, xã Yang Bắc.

Nhà Trưởng thôn Đinh Yao nằm giữa làng. Trên khoảnh sân đất, hơn chục người đàn ông già có, trẻ có đang cặm cụi làm việc, người vung dao chẻ tre, người tỉ mẩn vót lạt, người thoăn thoắt đan những tấm phên.
Thấy chúng tôi tới, Đinh Yao dừng tay nói chuyện. Hóa ra hôm nay anh sửa nhà. Những người trên sân là anh em, bà con trong làng tới làm giúp. Chỉ tay vào người đàn ông già nhất đang ngồi vót lạt, Đinh Yao giới thiệu, đây là già làng Đinh Srơnh.

Theo lời già làng Đinh Srơnh và Trưởng thôn Đinh Yao kể thì ngày xưa, cũng chẳng rõ từ khi nào, dân làng Jun đã coi cà kheo như đôi chân thứ hai của mình. Bởi lẽ, cứ đến mùa mưa, đường làng lại lầy lội bùn đất, để giữ cho đôi chân sạch sẽ, không vấy bẩn đất cát vào nhà, nhất là nhà rông của làng mỗi lần ra ngoài, người làng Jun đã nghĩ ra cây cà kheo.

Ban đầu chỉ một vài người đi, sau thấy hay, cả làng đều làm cà kheo để đi lại vào mùa mưa. Bây giờ, khi những con đường lầy lội bùn đất đã dần được thay thế bởi những con đường bê tông sạch sẽ, người làng Jun ít khi phải dùng đến đôi cà kheo để đi lại thì họ lại coi đây như một trò chơi vừa để thể hiện sự khéo léo, vừa là giữ lại một nét đẹp trong văn hóa của làng.

Để chứng minh cho chúng tôi thấy điều mình vừa nói, già làng Đinh Srơnh lấy đôi cà kheo ra biểu diễn. Ông bảo, mình già rồi, không chạy được như lũ thanh niên nhưng đi thì… vô tư. Quả vậy, nhìn cách già làng Đinh Srơnh bước đi trên đôi cà kheo thuần thục, nhanh nhẹn như trên chính đôi chân của mình, chúng tôi tin rằng, thời trẻ, ông chắc phải là một chân chạy cà kheo có hạng ở làng Jun.


< Già làng Đinh Srơnh biểu diễn cà kheo.

Rồi cả mấy người đàn ông đang làm ở nhà Đinh Yao thấy vui cũng ngừng tay, cầm lấy cây cà kheo bước đi, ai cũng tỏ ra rất khéo léo, vừa đi vừa cười giỡn rất sảng khoái.

Rạng danh cà kheo làng Jun

Với lớp người lớn tuổi như già làng Đinh Srơnh hay Trưởng thôn Đinh Yao, đôi cà kheo đơn thuần chỉ là một phương tiện hiệu quả để đi lại trong làng những ngày mưa gió. Chưa bao giờ họ nghĩ rằng, có ngày, trên đôi cà kheo, đám con cháu họ lại có thể bước đi tới những vùng miền xa xôi của đất nước. Ấy vậy mà điều này đã xảy ra. Gần chục năm qua, những chàng trai, cô gái làng Jun đã mang đôi cà kheo vượt hàng trăm cây số lên TP. Pleiku và xa hơn, đi tới Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Phước…

Trong số những “ngôi sao” cà kheo ở làng Jun, Đinh Văn Ách có lẽ là người nhiều thành tích nhất. Khi chúng tôi đến nhà, Ách đang ngồi ở sân, cặm cụi làm một đôi cà kheo cho đám trẻ con trong làng. Vừa làm, Ách vừa kể, từ nhỏ em đã thích đi cà kheo nhưng mẹ không cho vì sợ ngã.

Mãi đến năm mười ba tuổi, Ách mới được mẹ cho trèo lên đôi cà kheo. Ban đầu, Ách cũng ngã lên, ngã xuống, cũng xây xát mặt mày, chân tay nhưng em vẫn không chịu rời bỏ đôi cà kheo. Cứ thế, ngày lại ngày, hễ đi học về là Ách lại lôi đôi cà kheo ra tập đi, đi vững thì bắt đầu tập chạy. Thấy Ách đi cà kheo giỏi, các anh chị trong làng giới thiệu Ách với cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện. Vậy là Ách được chọn lên tỉnh thi, rồi lại đại diện cho tỉnh đi thi các hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc.

Chỉ trong vòng ba năm trở lại đây, Ách đã giành được cả chục tấm huy chương, đủ cả vàng, bạc, đồng. Trong số này, đáng kể nhất là tấm huy chương vàng Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh lần thứ VI năm 2010 và hai tấm huy chương vàng mới nhất tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch miền Trung tại Phú Yên năm 2011. Không giàu thành tích như Đinh Văn Ách nhưng hai đàn chị Đinh Thị Lên và Đinh Thị Prơi cũng là những chân chạy cà kheo có tiếng.

Đinh Thị Lên nói: “Em biết đi cà kheo từ năm mười hai tuổi”. Hơn chục năm nay, hầu như cuộc thi nào trong và ngoài tỉnh cô cũng được chọn tham dự. “Huyện gọi là em đi-Lên tâm sự. Nhờ cà kheo mà em đã được đi Phú Yên, Bình Phước, Quảng Nam…, được gặp gỡ nhiều bạn bè. Thích lắm”. Còn Đinh Thị Prơi khi được hỏi thì bẽn lẽn… khoe: “Em mới giành một huy chương vàng, một huy chương đồng tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch miền Trung tại Phú Yên năm 2011”.

Những tấm huy chương mà Đinh Văn Ách, Đinh Thị Lên, Đinh Thị Prơi mang về sau những cuộc thi không chỉ khiến người dân làng Jun phấn chấn, tự hào mà còn khiến đám trẻ con trong làng thêm say mê với môn cà kheo. Chẳng thế mà mới mười, mười một tuổi, Đinh Thị Ương, Đinh Thị Hân, Đinh Văn Týp, Đinh Văn Viên đã có thể thoải mái chạy nhảy trên đôi cà kheo hay những em bé mới lên sáu như Đinh Ôk đã quấn lấy đôi cà kheo đòi tập đi.

Dường như lũ trẻ làng Jun đều muốn mai này lớn lên sẽ trở thành người đi cà kheo giỏi như anh Ách, chị Lên, chị Prơi…

Du lịch, GO! - Theo Tiến Dũng (Gia Lai Online), internet