Xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) có đèo Lũng Lô, một địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Toàn xã có diện tích tự nhiên 9.346ha, gồm 7 dân tộc anh em cùng chung sống. Phía Đông có đường sang Thu Cúc, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ); phía Tây 7km thuộc quốc lộ 37A nối Yên Bái - Nghĩa Lộ; phía Nam 5km vượt đèo Lũng Lô sang Phù Yên, Sơn La.

Đặc biệt, núi Tè có độ cao trung bình hơn 1.300m so với mực nước biển, như một lá chắn hình cánh cung, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ nằm cách Thượng Bằng La gần 2km. Thượng Bằng La có vị trí quan trọng, án ngữ hai con đường huyết mạch là quốc lộ 13A (nay là đường 37A) về hướng tây bắc Tổ quốc và quốc lộ 32 chạy qua phía đông xã, xuôi 160km là đến Thủ đô Hà Nội.

< Trung tâm xã Thượng Bằng La.

Với địa thế có vị trí chiến lược quan trọng nên trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến theo quốc lộ 13A qua Thượng Bằng La tiến vào giải phóng Tây Bắc, làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Trong khí thế hào hùng ấy, năm 1953, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cùng Đại đội súng cối 267 thuộc Đoàn B08 hành quân từ Đại Từ vượt đèo Khế, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù lên miền Tây Bắc.

Khi tới Thượng Bằng La, Đại đội được lệnh dừng chân. Cấp trên phổ biến nhiệm vụ cho đơn vị là tham gia "Chiến dịch Trần Đình". Trần Đình là địa danh nào trên bản đồ Tổ quốc? Không ai biết. Có anh đoán già, đoán non: "Có lẽ ta hành quân nghi binh, qua Nghĩa Lộ rồi lại quặt về đồng bằng", nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến dự đoán khác, sôi nổi hẳn lên.

< 58 năm về trước, công binh phá đá trên đèo Lũng Lô mở đường ra chiến dịch.

Bỗng trong đoàn hành quân có một chiến sĩ cất giọng nói to: "Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi". Nhạc sĩ Đỗ Nhuận chộp lấy cuốn sổ tay và cẩn thận ghi nguyên câu nói của người chiến sĩ ấy. Đơn vị lại hành quân tiếp và bài hát được ra đời ngay trong tâm tưởng nhạc sĩ trên bước hành quân lên Tây Bắc đẫm sương... Bài hát nhanh chóng được phổ biến, trở thành nguồn động viên tinh thần của bộ đội.

"Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi", bài hát thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí quyết thắng của lớp lớp Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ xông ra tiền tuyến diệt quân thù, làm nên thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn còn tươi mới, theo bước chân các chiến sĩ bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.


< Đường 32A, đoạn đèo Lũng Lô được nâng cấp, tôn tạo.

Từ mảnh đất cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã ghi dấu ấn đầu tiên để thành bài hát "Hành quân xa" ấy, trong hai cuộc kháng chiến đã động viên 532 thanh niên các dân tộc lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường và cũng chính từ mảnh đất ấy đã có 131 liệt sĩ, 55 thương binh, bệnh binh cống hiến, hy sinh xương máu của mình cho ngày tự do, độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Dẫu vẫn còn không ít khó khăn nhưng với truyền thống cách mạng và khí thế, tinh thần bài hát "Hành quân xa", cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Thượng Bằng La càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Du lịch, GO! - Theo Yenbai.gov, ảnh sưu tầm