Mo So theo tiếng dân tộc Khmer có nghĩa là núi Vôi - tên gọi trái núi nằm trong hệ Chung Sơn, quần đảo Bà Lụa, huyện Kiên Lương, cách thị xã Hà Tiên non 30 km về phía Tây Nam. Thời chiến tranh, Mo So là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Ngày nay, đường đi dễ dàng nên có nhiều khách du lịch tìm đến Mo So để ngoạn cảnh và tìm hiểu lịch sử.
Tròn 4 năm, kể từ chuyến đi đầu tiên năm 2002, tôi mới có dịp trở lại thăm động Mo So. Cảnh vật núi non, sông nước chẳng khác mấy, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã mọc lên rất nhiều.
Trước đây, để đến được Mo So chúng tôi phải mất hai giờ đồng hồ, hết đi bộ, băng đồng rồi tiếp tục quá giang tắc ráng len lỏi qua nhiều con lạch, bây giờ chỉ hết 10 phút ngồi ô tô chạy thẳng một mạch từ lộ lớn vào tận chân núi.
Lối mòn dạo quanh chân núi xưa kia cây dại um tùm nay cũng được khai hoang, đắp đất, rải đá trông thông thoáng đến không ngờ. Trong lòng hang người ta thiết kế cầu gỗ tại các nơi trũng nước, trang bị hệ thống máy phát điện, chiếu sáng nhằm giúp cho du khách đi lại được thuận lợi, an toàn.
Mo So có một hệ thống hang động ẩn hiện giữa một vùng đồi núi điệp trùng mà ở giữa có một thung lũng độc đáo rộng chừng 1.000m2. Bên trong, nắng và gió theo khe đá lọt vào hang động tạo ra không gian thông thoáng ngay trong hang đá.
Những hang động ăn thông, luồn với nhau hình thành những ngóc ngách bí hiểm. Có chỗ hang chỉ vừa một người lách qua. Có chỗ hang phình ra rộng rãi như căn nhà lớn với nhiều cửa.
Thuở xa xưa, lúc chân núi còn tiếp giáp với biển cả, một cơn chấn động địa chất đã gây ra hiện tượng đất đai lún sụt, nước biển vì thế tràn ngập đất liền.
Mực nước thời ấy cao hơn mặt đất hiện nay vài ba mét đã cùng sóng biển xâm thực chân núi đá vôi. Sự tác động kéo dài theo thời gian xoáy sâu vào núi hoặc trổ hướng thông nhau tạo thành hang chân sóng. Lòng hang trông rất kỳ lạ, dạng hình bầu dục, trơn tru bóng loáng rộng rãi, có thể khom lưng luồn lách qua lại dễ dàng.
Lòng hang tạo cảm giác cho khách vào thăm như đi khảo sát lòng đất với không khí ẩm ướt, mát lạnh. Thỉnh thoảng vài con dơi đập cánh bay sàn sạt ngang mặt khiến người đi giật mình. Sau khi đi ngoằn ngoèo trong bóng tối thâm u, bỗng ánh sáng bừng lên, ấy là khi du khách đã đến cửa và đối diện với thung lũng. Trong hang cũng có các hàng quán bán đồ ẩm thực và nước giải khát phục vụ cho khách tham quan, hành hương.
Người địa phương thường đặt tên hang cá sấu bởi truyện cổ kể rằng đây là nơi trú ngụ của loài cá sấu vốn sống rất nhiều ở vùng ngập mặn Hà Tiên.
Hiện nay, chung quanh chân núi lộ diện hàng trăm, hàng nghìn hang chân sóng khiến khách phương xa lần đầu tiên ngoạn cảnh Mo So không thể tránh khỏi cảm xúc dâng trào trước vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ. Giữa động là một thung lũng có đất bằng mênh mông, có trời mây lồng lộng và vách núi lô nhô bao bọc giống hệt đấu trường giác đấu thời trung cổ.
Từ thung lũng men theo chiếc cầu cây chếch về phía Tây, du khách sẽ đặt chân vào động nước, được xem là độc đáo nhất quần thể. Ngay cửa động, chiều cao đã hơn 20 mét, nhìn lên trần, vô số dơi núi tung cánh lượn qua lại dưới luồng ánh sáng dịu dàng của giếng trời khiến cảnh vật thêm lung linh, huyền bí. Thỉnh thoảng vài con dơi lẻ đàn vút nhanh trước mặt khách. Càng vào trong, động càng hẹp dần với chiều sâu hun hút.
Đây đó, ẩn hiện sau ánh đèn vàng le lói, những cụm thạch nhũ muôn hình vạn trạng, những dòng suối quanh năm nước chảy đẹp đến ngỡ ngàng. Song gây ấn tượng mạnh mẽ là hình ảnh bộ rễ cây tuy mềm mại vẫn xuyên thủng vỏ quả núi để rồi tiếp tục phát triển sinh sôi trên nền đá ẩm ướt.
Nhiều người bảo rằng tham quan động nước tốt hơn hết nên chọn mùa khô, dù đôi lúc xắn quần lội suối nhưng mới thật thú vị; đi nhằm mùa lũ nước dâng cao phải sử dụng thuyền ba lá rất khó khăn.
Trong tương lai nếu ngành du lịch địa phương khéo quảng bá, động Mo So sẽ trở thành điểm hấp dẫn kết nối giữa các thắng cảnh hòn Chông, hòn Trẹm, hòn Phụ Tử và vùng Hà Tiên.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ SGGP, TTO, ảnh sưu tầm
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.