Anh chàng Nguyên Trâu lại còn nói như kiểu đánh đố: “Chúng ta sẽ đi chén lễ vật hỏi vợ của Sơn Tinh. Món này dâng Vua Hùng đấy. Chén món này, chúng ta sẽ làm vua”.

< Họa sĩ Lê Đình Nguyên đục trâu gỗ.

Ngày cuối năm, đang bận rộn với việc về quê nghỉ ngơi, thì họa sĩ Lê Đình Nguyên (thường gọi là Nguyên Trâu – vì từng có triển lãm về trâu gỗ gây tiếng vang) gọi điện: “Ê, nhà báo. Mai đi xơi lễ vật hỏi vợ của Sơn Tinh nhé!”.

Tôi quen họa sĩ Lê Đình Nguyên đã ngót chục năm nay và rất hiểu tính anh. Chỉ có 2 thứ mà anh quan tâm nhất trong cuộc đời mình, là đẽo trâu và chén món ngon vật lạ.

Ngay từ năm ngoái, sau khi kết thúc triển lãm Trâu Nguyên, bán những con trâu gỗ với giá hàng chục ngàn USD, Lê Đình Nguyên đã mơ về một con rồng. Anh muốn đẽo một con rồng với thân hình chữ S, con rồng thực sự của nước Việt khao khát bay lên. Nhưng cả năm nay, anh không cầm nổi cây cọ, không nhấc nổi đục. Cảm hứng hết sạch rồi. Chỉ đi uống rượu và chén món lạ thôi.

< Rừng Xuân Sơn.

Tôi rất ấn tượng với cái cảnh Lê Đình Nguyên khoái trá ngồi gác chân lên ghế giữa quán xá lịch sự nơi hà thành vênh mặt rít thuốc, nhả khói. Kiếm được con cà cuống nào là anh lại gọi tôi. Cà cuống nướng tại bàn ăn, dậy mùi thơm lừng, khiến cả quán nhậu ngơ ngác. Chỉ có bia với cà cuống thôi, mà thấy đời như lên tiên.

5 giờ sáng, họa sĩ Lê Đình Nguyên cùng với một số nghệ sĩ đã cười nói toe toét ở bờ Hồ Tây. Rồi chúng tôi lên đường.

Anh chàng Nguyên Trâu lại còn nói như kiểu đánh đố: “Chúng ta sẽ đi chén lễ vật hỏi vợ của Sơn Tinh. Món này dâng Vua Hùng đấy. Chén món này, chúng ta sẽ làm vua”. Lê Đình Nguyên cười sảng khoái với cái ý nghĩ sắp được ăn lễ vật dâng Vua Hùng.

Mấy anh bạn họa sĩ kia thì ngơ ngác không rõ món gì. Ông đoán là bọ xít, ông đoán dế mèn, ông đoán thịt hổ, ông đoán rùa Hồ Gươm, lại có ông đoán món đặc sản rêu đá ở Phú Thọ.


Tôi cứ tủm tỉm cười coi như không biết, kệ anh họa sĩ già với tâm hồn ngây thơ như đứa trẻ kia được khoái trá với bí mật có một không hai của mình. Nhắc đến mấy chữ lễ vật Vua Hùng thì tôi đã biết ngay là món gì. Voi chín ngà thì kiếm đâu ra, ngựa chín hồng mao cũng chả có, chỉ có gà chín cựa vẫn còn ở núi rừng Xuân Sơn.

Nhắc đến món gà chín cựa, tôi chợt nhớ lại cái này cách nay đã 10 năm, tập tọe đi viết phóng sự. Hồi đó vẫn đang là sinh viên năm cuối đại học. Tôi và anh bạn cùng lớp, giờ là Công an Phú Thọ, vật lộn với chiếc xe win 100 cả ngày mới đến được Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Ngày đó đường vào Xuân Sơn thật khủng khiếp với đá hộc lởm chởm, đường dốc ngược, vực thẳm hun hút, suối sâu ngập đến yên xe. Năm đó, đường vào Xuân Sơn mới được mở, đại ngàn Xuân Sơn với những bản người Dao, Mường vừa lộ ra khỏi rừng già.

Xã Xuân Sơn nằm toàn bộ trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Khi đó, hổ vừa mới tuyệt chủng ở đây, nhưng báo thì vẫn còn nhiều. Trăn mắt võng to như cây chuối treo lủng lẳng trong rừng, suối vẫn còn cá anh vũ tiến vua (giờ giá mấy chục triệu một kg) và đồng bào vẫn giữ nguyên vẹn những tục lệ và hủ tục từ ngàn xưa.


< Gà mái 6 cựa ở bản Cỏi.

Những đứa trẻ sinh ra, nếu chỉ bị một dị tật nhỏ, cha mẹ sẽ đan một cái rổ tre, đặt con vào, rồi treo lủng lẳng trên ngọn cây, để chết vì đói, chết vì khát, chết vì kiến đốt, chết vì thú ăn, trăn nuốt… Thôi thì đủ kiểu chết tê tái cõi lòng.

Những đứa trẻ may mắn được người Kinh vào Xuân Sơn xây dựng kinh tế mới cứu sống, giờ vẫn còn đó như một minh chứng cho hủ tục đau lòng từng tồn tại ở những bản làng cách biệt với thế giới văn minh.

< Tác giả và một chú gà 6 cựa ở bản Cỏi.

Quay lại chuyện gà chín cựa. Ngày đó, tôi và anh bạn phải cuốc bộ từ trung tâm xã (nói là trung tâm xã cho oai, chứ có mỗi cái trụ sở xã bé tẹo và cái nhà sàn để kiểm lâm ở, tiếp khách) mất nửa ngày mới vào đến bản Cỏi. Chỉ có một con đường rộng ngót một mét, luồn lách trong rừng, với vắt nhiều như vãi trấu. Nghĩ lại mà ghê cả người.

Bản Cỏi nằm giữa thung lũng đẹp tuyệt vời, với con suối Cỏi thơ mộng chảy qua. Bao bọc xung quanh là những dãy núi, lúc nào cũng có mây vờn trên đỉnh.

Cuốc bộ vào đến bản thì đêm tối mịt mùng vây quanh. Trưởng bản Lý Phúc Lâm bảo: “Hầy dà, lâu lắm mới thấy có người Kinh vào bản ta chơi, vui phải biết. Tối nay ở nhà ta uống rượu, rồi ngủ nghỉ lại. Người Dao ta nghèo, nhưng tấm lòng rộng mở. Thung lũng Cỏi nhiều gà, nhiều lợn, nhiều rau, nhiều thóc, nên không sợ đói đâu. Ở lại bao nhiêu ngày cũng được”.


< Họa sĩ Lê Đình Nguyên và "lễ vật của Sơn Tinh".

Mấy chén rượu nồng đã tây tây, thì bà vợ ông trưởng bản bê lên một đĩa thịt gà bốc khói nghi ngút. Ông Lâm trịnh trọng dùng tay nhặt cho tôi một cái chân và cho anh bạn Nguyễn Kiên Cường một cái.

Cái thứ gà leo núi thì chân có mà dai như dây thừng. Nhưng tục lệ bản Dao tiếp khách quý bằng chân gà, nên tôi xúc động lắm.

Cầm chiếc chân gà đưa lên miệng, tôi dụi mắt mấy lần, nhưng nhìn vẫn ra 4 cái cựa. Tôi tưởng mình say rượu hoa mắt, nhưng không phải, chính xác là một cái chân gà mà có tới 4 cựa, 2 chân thì là 8 cựa. Tôi đếm đi đếm lại vẫn ra con số đó.

Khi đó, nghĩ rờn rợn, nhưng chủ nhà quý, thì phải nhiệt tình, nên tôi gặm hết cả mấy cái cựa. Miếng thịt của con “gà quái thai” ngon, dai, ngọt tận chân răng. Đúng là gà núi, gà đồi, gà nuôi trên mây có khác.

< Khách quý mới được gặm những chiếc chân gà này.

Cơm no rượu say rồi, tôi mới hỏi ông trưởng bản rằng: “Con gà của bác hình như nó bị nhiễm cái loại chất độc mà người dưới xuôi gọi là dioxin bác ạ. Gọi là chất độc da cam cũng được”.

Ông Lâm cười rung cả căn nhà sàn bên con suối nước chảy âm âm. Ông bảo: “Người Kinh tưởng ta không biết cái thứ chất độc ấy sao. Ta đã từng đi bộ đội, đánh nhau sống mái ở vùng giặc Mỹ rải chất độc da cam ấy chứ. Gà của ta không phải gà quái thai đâu, gà xịn đấy. Nó có nhiều cựa lắm”.

Sớm hôm sau, vừa ra khỏi chăn, việc đầu tiên của tôi là xông ra chuồng gà. Vợ ông Lâm đang vãi ngô cho gà ăn, rồi mở chuồng cho chúng chạy túa lua lên đỉnh núi, vào rừng tự kiếm mồi. Tôi nhìn kỹ từng chân tên gà một, tên nào tên nấy có cả chùm cựa…

Du lịch, GO! Theo VTC, internet