Mường Chiến (còn gọi là Ngọc Chiến) đã từng được ví như vùng đất “thâm sơn cùng cốc” của núi rừng Tây Bắc. Sự cách trở về giao thông ấy đã vô tình tạo nên bao điều bí ẩn về bản người Thái bên dòng Nậm Chiến. Đến với Mường Chiến ta sẽ được khám phá vô vàn những điều kỳ bí về cuộc sống con người, thiên nhiên độc đáo không nơi nào có được.

Dân phượt vẫn hay gọi Mường Chiến - huyện Mường La tỉnh Sơn La là “cõi tu tiên”. Dòng suối Chiến nuôi nấng những người Thái nơi đây mộc mạc như cây trên rừng, đá dưới suối...

Từ Mường La, Sơn La bạn phải vượt 40 cây số, một nửa đường nhựa, phần còn lại đường đất, ven theo triền núi rồi qua đèo Sam Síp mới có thể đến thung lũng Mường Chiến. Sam Síp tiếng Thái có nghĩa là 30 bậc tương ứng với 30 khúc quanh co của con đèo quanh năm mây phủ.

< Mường Chiến (Ngọc Chiến) cũng đã được chú ý để khai thác du lịch.

Núi Sam Síp cao, đèo Sam Síp sừng sững, như để cho những người ưa khám phá có thêm cung bậc đam mê, thỏa chí tang bồng.

Vượt qua Sam Síp, bạn như lạc vào một thế giới khác, thế giới của thiên nhiên. Đó là những cánh đồng hoa ly rực rỡ bên bờ suối Chiến, với những mái nhà bằng pơ mu với hàng trăm năm tuổi cổ kính dưới tầng mây trắng.


Khách đến bản Phảy sẽ ngỡ ngàng hơn bởi lối quy hoạch đẹp đến không ngờ. Cả bản có gần 100 nóc nhà bên bờ suối Chiến nhưng được quy hoạch theo hình răng lược, nhà nào cũng có tường rào, cổng vào và tất nhiên, tất thảy đều nhuốm màu rêu phong được xây dựng từ rất lâu của loài gỗ Pơ Mu.

Bản Phảy còn được người vùng Mường Chiến gọi là bản nghệ nhân bởi theo như cách nói của thầy giáo Lò Văn Them - một người con của bản rằng: “Không biết chế tác gỗ Pơ Mu làm nhà sàn thì không phải là người đàn ông của bản Phảy”.

Những người già ở Mường Chiến kể, nơi đây xưa kia là vương quốc của pơ mu. Đồng bào Thái từ Mường Lò đến đã bị núi Sam Síp mây mù cản trở nên đã chọn nơi này để tiếp tục cuộc sống mới. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vì thế những thân gỗ pơ mu khi ấy đã trở thành vật liệu chính cho việc dựng nhà, dựng cửa.

Bao đời nay, những mái gỗ pơ mu vẫn trơ gan cùng thời gian. Giờ đến Mường Chiến, hẳn bạn sẽ phải thốt lên, “thục là vùng quý tộc” bởi gỗ pơ mu được dát ở mọi nơi, từ căn nhà sàn trăm mét vuông cho đến cây cầu treo hay máng dẫn nước vào nương nếp tan.

Dừng chân lại nhà nghệ nhân Lò Văn Pẳn hỏi chuyện - ông Pẳn là nghệ nhân chế tác gỗ Pơ Mu tinh xảo nhất vùng Mường Chiến.

Nhà của ông có kiến trúc hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột chạm khắc khá tinh xảo, 4 mái và lầu tứ giác đẹp đến mê hồn. Trong câu chuyện của nghệ nhân Pẳn mới biết, ngày xưa, người Mường Chiến có hẳn một quy định bất thành văn về loài gỗ quý Pơ Mu.

< Những nóc nhà bằng gỗ pơmu ẩn hiện trong mây.

Ông kể rằng: Thời còn trẻ, ở Mường Chiến gỗ Pơ Mu nhiều vô kể, nhiều hơn bất kỳ một loài gỗ nào khác nhưng bản mường cũng có một quy định không biết có tự bao giờ là: Lên rừng tìm gỗ Pơ Mu dựng nhà chỉ được chặt những cây gỗ phải đủ một tầm ôm của tay người, cây nhỏ hơn không được chặt để nó lớn. Nếu ai vi phạm sẽ bị bản bắt vạ một con lợn to.

< Dựng nhà trên bản.

Ngày xưa, việc dựng nhà không chỉ là việc của mỗi gia đình mà là việc chung của bản. Nếu nhà nào có con cái trưởng thành đã dựng vợ gả chồng có nhu cầu dựng nhà ở riêng thì đàn ông cả bản cùng nhau lên rừng tìm gỗ rồi đục kèo, cột, làm ngói. Còn đàn bà cả bản phải lo lên rừng tìm rau củ, nấu nướng phục vụ.

Gia chủ của ngôi nhà chỉ cần chuẩn bị lợn, trâu để khao thợ chứ không có công xá gì.

< Ngói lợp bằng những phiến gõ Pơ mu.

Cái khó nhất để làm một ngôi nhà sàn bằng gỗ Pơ Mu là chế tác các viên ngói. Những viên ngói bằng gỗ Pơ Mu phải dùng chèm để chẻ theo thớ rồi tách làm sao để nước mưa theo thớ mà chảy xuống.

Việc lợp mái cũng rất công phu, phải lợp từ nóc mái xuống và tính theo thớ gỗ để xuôi dòng chảy. Mái nhà sàn được làm bằng gỗ Pơ Mu thì không có vật liệu gì hay bằng, gỗ không bị cong vênh, mối mọt, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát mà độ bền lên đến 200 – 300 năm.

< Đường trong thôn bản Mường Chiến.

Mường Chiến không có nhà nghỉ hay nhà khách. Nơi đây chưa bị vướng “bụi trần ai” của thế giới khác. Nhưng bạn hãy yên tâm mà nghỉ lại bản, người Thái vốn hiếu khách, do vậy tất thảy những ngôi nhà sàn 100% làm bằng gỗ pơ mu đều là nơi nghỉ tốt cho bạn. Đến Mường Chiến bạn còn được tắm mình trong nguồn suối khoáng nóng thiên nhiên, thưởng thức gà đen cánh tiên mà người bản địa gọi là “gà thiên cổ”, và đặc biệt món ăn truyền thống của đồng bào Thái ở nơi đây là xôi đồ.

Nếp tan trồng trên cánh đồng Mường Chiến trải dài 8 km² sẽ đem đến những món xôi dẻo ngon miệng. Đây là giống cây trồng giá trị chỉ có thể trồng ở Mường Chiến, nhưng đã nức tiếng với loại gạo nếp bản địa riêng vùng Tây Bắc này.

Theo nghiên cứu của chuyên gia, Mường Chiến là vùng tiểu khí hậu, lại ở độ cao trên 1500m  so với mực nước biển, nên là môi trường tốt cho sức khỏe con người, cho cỏ cây thiên nhiên.

Bạn không có gì lạ khi đến Mường Chiến gặp hoa nở nghịch mùa, quả trĩu trái mùa… Đó là vùng đất không thể bỏ qua trong hành trình “phượt” đến ven trời Tây Bắc

Một cuộc sống của đồng bào người Thái thuần phác đến hoang sơ như nàng công chúa ngủ quên trong rừng bao năm qua nay được đánh thức bởi bước chân khám phá của những người ưa du lịch sinh thái và văn hóa.

Để đến Mường Chiến có 2 lựa chọn:

Một là từ đi từ phía Ngã 3 Kim (cách Mù Cang Chải khoảng 13km, cách Tú Lệ khoảng 35km). Tại đây có 1 ngã 3, nếu đi từ phía MCC về Tú Lệ thì sẽ rẽ phải. Đi vào khoảng 12-13km sẽ đến Nậm Khắt.

< Trẻ em Mường Chiến.

Đường vào NK cơ bản là ngon lành, lên dốc, xuống dốc nhiều nhưng độ dốc thoải, đường lại rộng, ô tô tải cũng vào ngon lành. Nhưng nếu gặp ngày trời mưa thì cũng không phải là thoải mái nếu đi bằng xe máy, vì ở đây toàn đất đỏ, rất trơn nếu trời mưa, dốc tuy thoải, nhưng dài.

Lựa chọn thứ 2 là đi từ phía Mường La sang. Khoảng cách từ Mường La đến Mường Chiến là 35km, trong đó 25km đường nhựa phóng bon bon (trừ 1 vài chỗ đất, đá sạt không đáng kể), chỉ có chừng 10km là đường hơi khó. Đường rộng, ô tô vào thoải mái, mỗi tội là nhiều đá và sỏi nên cũng dễ trượt.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ ANTĐ, Tintuc VNanet, Phuot forum...