Với kiến trúc bằng đá độc đáo ở phần cổng cùng với những sáng tạo điêu khắc tượng phật tinh tế... chùa Đức Hạnh (Bình Phước) từng lập 2 kỷ lục Việt Nam và được nhiều người biết đến.
< Chùa Đức Hạnh và cổng đá.
Chùa Đức Hạnh ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; được xây dựng từ năm 1969 do đồng bào từ miền Trung vào sinh sống, lập nghiệp.
Công trình thực hiện từ ý tưởng của Đại đức Thích Minh Hậu trụ trì và do nhóm điêu khắc đá Đặng Hồng Phong (3 người) thực hiện từ năm 2008 đến tháng 3.2011. Các thanh đá nguyên khối này đều do ông Nguyễn Minh Hòa (chủ một hầm đá, cách chùa 2km) cúng dường.
< Cổng bằng các thanh đá khối ghép lại bằng mộng.
Hiện, với cổng tam quan và đài Quan Thế Âm bằng đá tảng, chùa Đức Hạnh tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng của các Phật tử bởi thiết kế đặc biệt của nó. Cổng chùa được kết cấu bằng 8 thanh đá khối được ráp vào nhau bằng mộng (như gỗ), cao 5m, rộng 10m. 8 thanh đá này là loại đá khối tự nhiên (đá Iolite nguyên thủy).
< Chánh điện.
Ở thanh đá nằm ngang trên cùng, mặt trước khắc dòng chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mặt sau Phật lịch 2552. Thanh này dài 3m, rộng 0,6m, nặng gần 4 tấn. Thanh nằm ngang thứ 2, mặt trước khắc dòng chữ Chùa Đức Hạnh, mặt sau khắc chữ Phước Huệ song tự. Thanh này có chiều dài và rộng bằng thanh thứ nhất nhưng trọng lượng gấp đôi. Tiếp đó là hai thanh đá trụ, mỗi thanh cao 4,7m, rộng 0,8m, nặng trên 7 tấn.
< Đài Quan Thế Âm tại chùa Đức Hạnh.
Ở hai cổng phụ, mỗi cổng cao 2,3m, rộng lòng 1,7m, gồm 4 thanh đá trụ, mỗi thanh cao 2,3m, rộng 0,7m, nặng trên 5 tấn. Các thanh đá trụ ở đây đều có khắc câu đối ở 2 mặt (ngoài và trong).
Để thi công được hạng mục này, những người thợ đã phải đục mộng thân đà, cắt ngàm các cột kết nối và lắp ráp như thi công các chất liệu gỗ.
Đây được xem là kết cấu khó thi công nhất trong các kết cấu còn lại, vừa phải bảo đảm mỹ thuật, vừa phải bảo đảm yếu tố an toàn cho công trình. Các chân cột đá đều được chôn sâu hơn 1,5-2m, dưới chân được cố định bằng bê tông và đá hộc rất chắc chắn.
< Rất nhiều trụ đá khắc thư pháp.
Đài Quan Thế Âm tại chùa Đức Hạnh được làm từ đá trắng Đà Nẵng. Đài cao 3,2m, nặng gần 4 tấn đặt trên bệ trụ là 1 thanh đá (giống loại đá làm cổng Tam quan), cao 3m (chôn dưới lòng đất 1,7m), đường kính 80cm, nặng gần 3 tấn. Bệ thờ là 1 khối đá cao 0,8m, đường kính 1m, nặng trên 2 tấn. Trên thân bệ khắc bánh xe "Chuyển pháp luân".
Theo đại đức Thích Minh Hậu, trụ trì chùa Đức Hạnh, nguyên liệu đá tự nhiên mà chùa sử dụng được phát hiện và khai thác ở một địa điểm cách chùa 3km.
Cũng theo vì Đại đức này, do tình cờ nhìn thấy các công trình được xây dựng bằng đá (thực chất là giả đá) ở Suối Tiên, ông đã nảy ra ý tưởng làm cổng chùa bằng loại chất liệu này để tạo nét độc đáo, đặc trưng trong kiến trúc của chùa. Việc chùa được công nhận kỷ lục Việt Nam là hoàn toàn ngẫu nhiên chứ không phải do tính toán trước.
< Cự thạch.
Không chỉ là ngôi chùa có cổng tam quan bằng đá nặng nhất, chùa Đức Hạnh còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là ngôi chùa có bộ tượng thờ và các vật dụng thờ cúng, làm hoàn toàn từ gỗ, độc đáo nhất. Trong số bộ thờ cúng này có 9 pho tượng Phật, 3 bệ thờ Phật, 3 lư hương, hai bàn thờ, mõ, chân đèn...
Các loại gỗ này ở dạng gốc cây đã qua khai thác được chùa tận dụng, chạm trổ rất công phu, tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao. Cụ thể như pho tượng Phật Bổn Sư Thích Ca cao 2,2m, rộng 1,4m, nặng 400kg được làm từ gỗ mít nài (mít rừng); cặp chân đèn cao 1m được làm bằng gỗ mít chạm khắc rất công phu, tinh xảo...
Du lịch, GO! - Theo Datviet, Kyluc, Giacngo
4 Comments
bài này hay quá, tiếc là em đến rồi (núi bàrá) nhưng không biết, có dịp, em sẽ đến đây, ghi chú vậy
Trả lờiXóa**nói thật với anh nha, nếu nói đi qua cổng này mà không có cảm giác sợ là em không tin, nhìn cũng ớn chứ ha :D , cái gì cũng có thể xảy ra, xe 4B nào mà xui, de đụng nó, chắc tiêu quá
Àh, anh cho hỏi, nếu comment kiểu này, khi xem phần phản hồi, mình phải vào lại đây? với quyền admin thì chắc nó sẽ email/báo cho anh biết, với khách thì thua hả anh? chỉ còn cách là vào đây chờ trả lời?
He he, xem cái cổng được sắp xếp từng tảng đá như vậy chứ thật ra nó có mộng 'âm dương' đó, và chân cũng chôn khá sâu. Phần khác, khi lắp ghép các mộng với nhau người ta cũng thêm hồ nên rất vững chắc, không sợ bị 'phiêu diêu miền tiên cảnh' nếu không đụng quá mạnh.
XóaRiêng comment thì đúng vậy, bạn phải vào đây để xem lại - tốt nhất là bookmark tạm một phát để vào lại cho nhanh, sau này cũ rồi thì mình xóa đi.
phải công nhận, anh sưu tầm nhiều bài hay quá, ngâm cứu từ từ rồi đi chinh phục sau vậy
Trả lờiXóaAh, a có phiền nếu em lấy link này để trao đổi?
http://dulichgo.blogspot.com/2012/07/hoi-ap-chuyen-phuot.html
Trời thương, qua hơn 2 năm kiến tạo blog thì Dulichgo đã tròn trèm 3700 bài viết từ sưu tầm đến những chuyến đi... trải bao quát trên nhiều nơi của cả nước.
XóaBạn cứ trao đổi trong trang đó hay trang 'About' hoặc bất kỳ trang nào.
Chúc Bienlao vui, khỏe.
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.