Việc tòa tháp tài chính Bitexco vừa được vinh danh là một trong 20 cao ốc ấn tượng nhất đã dấy lên hy vọng các tòa nhà “chọc trời” khác ở Việt Nam cũng có thể đủ sức làm “choáng” toàn thế giới
Cùng điểm lại những tòa nhà đang cao nhất tại Việt Nam:

PVN Tower

Dự án này khi hoàn thành sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam, do Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) hợp tác đầu tư xây dựng. Chiều cao dự kiến của PVN Tower là 102 tầng, trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, các chủ đầu tư đã khẳng định, sẽ điều chỉnh con số này xuống còn 79 tầng và 600 triệu USD với mục đích đảm bảo hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí cho dự án.

Tòa nhà này nằm trong tổng thể dự án 25 ha trên trục đường Láng - Hòa Lạc, thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Dự án bao gồm khu nhà ở, khách sạn cao cấp và văn phòng cho thuê, khu công viên sinh thái và trung tâm văn phòng điều hành tài chính - thương mại và công nghệ quốc tế.

Dự án sẽ được xây dựng theo công nghệ hiên đại, thân thiện với môi trường và chịu được động đất trên cấp 7 độ MSK (khoảng 6 độ richter), cao hơn tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam.

Keangnam Hanoi Landmark Tower

Với tổng số 8 loại diện tích (từ 107m2 đến 433m2), dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower gồm một tòa tháp 70 tầng trên mặt đất và 2 tầng ngầm, được xây dựng trên diện tích đất khoảng 46.000 m2, cao 336 m và hai tòa tháp căn hộ cao 47 tầng cung cấp 918 căn hộ cao cấp đi kèm cùng với khu khách sạn, trung tâm thương mại…

Trong thời điểm khánh thành, tòa nhà này đã được coi là cao nhất Việt Nam.

Dự án này nhằm đến môi trường sống thân thiện và tiện nghi bao gồm: khu mua sắm, giải trí, cao ốc văn phòng, phòng dịch vụ, phòng thể dục với trang thiết bị hiện đại, chất lượng xây dựng tuyệt hảo, thiết kế đẹp và chuẩn mực của cao ốc và nội thất.

Tòa tháp VietinBank Tower

Tổ hợp dự án gồm các cấu phần trụ sở làm việc chính của VietinBank, trung tâm hội nghị, khách sạn và khu vui chơi giải trí, tọa lạc tại một vị trí chiến lược nằm giữa trung tâm thành phố và sân bay.

Với tổng diện tích sử dụng 300.000 m2, tổ hợp Ciputra bao gồm 2 tòa tháp, được liên kết với nhau bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng ăn uống. Trên nóc khối nhà 7 tầng là vườn cây cảnh trang trí.

Tháp thứ nhất, cao 68 tầng, được thiết kế để tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ. Tháp thứ hai, với 48 tầng, sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, dịch vụ spa và căn hộ cao cấp cho thuê, với điểm nhấn là “quán bar kim cương” hứa hẹn sẽ là điểm đến cho những bữa tối mang phong cách hiện đại hoàn toàn mới trên nóc của tòa nhà.

VietinBank Tower có cùng chiều cao với tòa nhà cao nhất TP HCM Bitexco Financial Tower.

Bitexco Financial

Với chiều cao 262m, chi phí xây dựng là 220 triệu USD, tòa tháp Bitexco có thể không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng nó vẫn là tòa nhà cao nhất của TP.HCM. Ý tưởng thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh duyên dáng, thanh thoát của búp hoa sen, quốc hoa của Việt Nam, tòa nhà được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức sống của TP HCM. Tầng 47 của tòa nhà được thiết kế nhô ra hẳn phía ngoài tạo thành một đài quan sát, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố. Tầng 50 là một sân đỗ trực thăng. Với tốc độ 7m mỗi giây, thang máy của tòa nhà này đứng vào hàng nhanh thứ 3 thế giới.

Bitexco Financial Tower có 6 tầng dành cho khu thương mại với diện tích hơn 8.000m², 37.000m² văn phòng hạng A và hơn 600m² được sử dụng cho khu ẩm thực. Phần lớn diện tích của tòa nhà sẽ được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thuê làm văn phòng. Đây cũng là tòa tháp đáng tự hào nhất khi vừa được hãng CNN nổi tiếng vinh danh.

Hà Nội City Complex

Đây là khu phức hợp tại góc phố Liễu Giai - Đào Tấn, Hà Nội. Tổng kinh phí đầu tư của dự án khoảng 400 triệu USD do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, tòa nhà Hà Nội City Complex cao 65 tầng, cao 195 m, là một tổ hợp cao cấp khu văn phòng, căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại hiện đại, các khu dịch vụ tổng hợp như phòng khám bệnh, bãi đỗ xe, rạp chiếu phim...

Tháp BIDV

Toà tháp BIDV có quy mô 40 tầng và 4 tầng hầm. Công trình cao 152 m, trên khu đất có diện tích 2.735 m2. Chủ đầu tư dự án Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có tổng vốn đầu tư cao nhất 1.800 tỷ đồng.

Saigon Pearl

Tọa lạc ở một vị trí tuyệt vời bên bờ sông Sài Gòn, Saigon Pearl là dự án quy mô lớn bao gồm 8 khu căn hộ 37 tầng lộng lẫy với 2.112 căn hộ; 162 biệt thự; 2 cao ốc văn phòng, một khu trung tâm thương mại rộng 40.000 m2, trường học, công viên, bãi đậu xe, rạp chiếu phim... Diện tích của toàn dự án là 10,3 ha. Tổng vốn đầu tư: trên 500 triệu USD, do 2 công ty Vietnam Land (Hong Kong) và Công ty CP xây dựng địa ốc SSG liên doanh thực hiện.

Là một dự án phát triển địa ốc được xây dựng công phu và đồ sộ nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, Saigon Pearl là điểm kết hợp của văn hóa Việt và những nét độc đáo của văn hóa thế giới.

Tòa tháp Vietcombank - Bonday - Benthanh Tower

Tòa tháp Vietcombank - Bonday - Bến Thành có vốn đầu tư là 55 triệu USD, riêng vốn pháp định là 17,5 triệu USD. Liên doanh sẽ xây dựng cao ốc VCB -Bonday - Benthanh Tower tại số 5 Công trường Mê Linh, quận 1, TP HCM. Cao ốc có 35 tầng có tổng diện tích trên 77.000 m2.

Tập đoàn kinh doanh bất động sản Hồng Kông Bonday tham gia 30% vốn trong liên doanh, 70% vốn còn lại do phía Việt Nam đóng góp, bao gồm Vietcombank và Tổng Công ty Bến Thành (TP HCM).

Hiện tại, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng đang xin phép để được thực hiện dự án Lotus Hotel, khách sạn 5 sao cao 100 tầng, tại Mễ Trì, Hà Nội. Nếu dự án này thực hiện thì Lotus Hotel sẽ thay thế PVN Tower chiếm giữ vị trí số 1 về chiều cao tại Việt Nam.

Du lịch, GO! - Theo Đất Việt, internet