Từ ngã ba Quán Cơm nằm cạnh khách sạn Mỹ Trà (Quảng Ngãi) xuôi về hướng đông chưa đầy 15km là một chuỗi di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh đủ để hình thành một tuyến du lịch ở bờ bắc Sông Trà Khúc. 

< Thiên Ấn niêm hà.

Mặc dù ngành du lịch Quảng Ngãi chưa có hình thức đầu tư, khai thác phù hợp nhưng mỗi năm có hàng triệu du khách tìm về tham quan, thưởng ngoạn hoặc nghiên cứu tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa ở nơi này.

Đứng ở ngã ba Quán Cơm, điểm mở đầu cho tuyến du lịch bờ bắc sông Trà Khúc, nhìn chếch về hướng đông nam hoặc tây nam là quang cảnh đẹp tuyệt vời của dòng sông từng đi vào thơ ca và giai thoại.

Dòng sông này cùng với núi Thiên Ấn đã là biểu tượng của Quảng Ngãi nên người Quảng Ngãi tự nhận mình là con em của quê hương núi Ấn, sông Trà.


Sông Trà Khúc phát nguyên từ Kontum và những dãy núi cao phía tây lững lờ trôi qua những làng mạc, cánh đồng. Nhà thơ Cao Bá Quát từng đặt chân đến con sông này và cảm tác bài thơ Trăng sông Trà nổi tiếng. Thế kỷ trước, khi người Quảng Ngãi chưa ngăn dòng sông Trà Khúc làm đập thủy lợi Thạch Nham để lấy nước tưới lúa, ven bờ sông có những bờ xe nước quay đêm ngày.

< Lăng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hình ảnh những bờ xe nước đã tạo thành một dấu ấn đẹp với những ai đã từng một lần dừng chân ở vùng đất miền Trung đầy nắng gió nhưng cũng không kém phần lãng mạn này.

Sau khi ngắm sông Trà, du khách theo quốc lộ 24B xuôi về hướng đông chừng 1km là đến Thiên Ấn - “đệ nhất thắng cảnh" của Quảng Ngãi. Núi hình thang cân vuông vức lại nằm bên bờ sông nên mới gọi là Thiên Ấn niêm hà (tức ấn trời đóng trên sông). Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, có chùa, giếng nước sâu và những ngôi tháp cổ rêu phong.


< Một góc cổ thành Châu Sa.

Du khách vãng cảnh chùa, thắp hương niệm Phật. Sau đó theo con đường lát đá ở phía tây nam đến thắp hương tưởng niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Huỳnh quê ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Với tư cách là phái viên của Chính phủ, cụ vào chỉ đạo mặt trận Khu 5 rồi qua đời ở huyện Nghĩa Hành. Chính quyền cách mạng đã chọn núi Thiên Ấn làm nơi yên nghỉ cho cụ.

Lên núi Thiên Ấn vào ban mai hay lúc bảng lảng trời chiều, ngắm nhìn phong cảnh, thắp nén hương thơm nơi bàn thờ Phật, nơi lăng mộ cụ Huỳnh nghe tiếng chuông chùa ngân, người ta sẽ nghe lòng mình dịu lại.


< Đền thờ anh hùng Trương Định.

Rời núi Thiên Ấn cũng theo trục quốc lộ 24, xuôi về hướng đông chừng 3km, qua những bãi bồi ven sông xanh mượt bắp, rau màu là gặp chợ Châu Sa. Theo ngã ba gần chợ đi theo phía bắc chừng 100m là cổ thành Châu Sa, một di tích lịch sử của người Chăm Pa từ thế kỷ 9. Thành đắp bằng đất sét, xung quanh có hào sâu. Những cuộc khai quật gần đây của ngành khảo cổ đã phát hiện nhiều di tích, vật dụng của người Chăm.

Rời cổ thành Châu Sa, bạn sẽ đi qua những cánh đồng lúa xanh, đắm mình trong những rừng dương rì rào trong gió.


< Dưới chân tượng đài Sơn Mỹ.

Đi chừng 4km sẽ đến đền Trương Định - người được nhân dân lục tỉnh Nam kỳ suy tôn là "Bình Tây đại nguyên soái" trong những năm nửa cuối thế kỷ 19. Đền quay về hướng bắc, lưng dựa vào núi. Trong đền có nhà trưng bày hiện vật, tư liệu tuy chưa nhiều nhưng thường ngày khách thập phương vẫn đến để thắp hương viếng người anh hùng xả thân vì nước.


Cũng từ đó xuôi về hướng đông chừng vài trăm mét là đến khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi quân đội Mỹ gây nên vụ thảm sát vào ngày 16-3-1968 đối với 504 thường dân, nơi hằng ngày có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước viếng thăm.


Ở khu chứng tích, ngoài những bức ảnh của Haeberle, trung sĩ nhiếp ảnh của quân đội Mỹ, những năm qua bảo tàng đã phục dựng một số di tích sau vụ thảm sát, sưu tầm thêm tư liệu về vụ thảm sát từ phía quân đội Sài Gòn, báo chí trong nước và nước ngoài đưa tin về vụ thảm sát.

Nhiều du khách đến tham quan bảo tàng, ngắm những bức ảnh, tư liệu, hiện vật, thắp hương dưới chân tượng đài Sơn Mỹ đã không cầm được mước mắt và chỉ muốn góp tay làm một điều gì đó trong cuộc hồi sinh của đất này.

< Du khách nước ngoài tham quan khu chứng tích Sơn Mỹ.

Qua khỏi khu chứng tích, nếu tiếp tục xuôi về hướng đông, đi khoảng 3km là đến biển Mỹ Khê. Tại bãi biển còn chưa bị "bêtông hóa" này bạn sẽ tha hồ ngắm trời mây, nghe tiếng nhạc của rừng dương, vùi mình trong cát trắng rồi ngâm mình trong làn nước biển trong xanh. Bơi chán lại lên bờ thưởng thức món bánh xèo tôm, cua huỳnh đế, ghẹ, cá mới đánh được từ ngoài biển cũng là một cái thú mà nhiều khách du lịch "bụi" vẫn thường tìm tới.

Những điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh này từ lâu trở thành một chuỗi liên hoàn rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch. Thế nhưng do chưa có một hướng dẫn cụ thể và quảng bá nên nhiều du khách đến Quảng Ngãi còn chưa biết tới. Với những di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh bên bờ bắc sông Trà, có thể hi vọng về một tuyến du lịch hấp dẫn cho vùng đất miền Trung này.            

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre