Những triền đá thấp cùng dòng nước nhỏ hiền hoà chảy đã mang lại cho thác trượt một trò chơi có tên gọi “trượt thác”.
Thác trượt nằm giáp ranh 2 xã Đức Phú, huyện Tánh Linh và xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Có rất nhiều hướng đến thác từ Phan Thiết, Hồ Chí Minh hay từ thị trấn Đambri (Bà Sa) xuôi theo đèo Tà Pứa, rẽ phải là đến thác.
Cũng như hầu hết các thác khác của vùng đất này, thác trượt chưa được khai thác du lịch nên là địa điểm vui chơi của thanh niên địa phương hay các vùng gần đó.
Thác còn hoang sơ nên muốn vào thác, bạn phải gửi xe tại trạm kiểm lâm rồi men theo con đường đất nhỏ ẩn hiện trong màu xanh của cây và tre rừng. Thỉnh thoảng trên đường, vài mạch nước trong veo, con suối nhỏ với những viên đá cuội tròn lẳng khiến chuyến đi càng thú vị và nên thơ.
< Vượt qua con suối để vào thác - nước chỉ đến đầu gối.
Cuối con đường, thác Trượt hiện ra một bức tranh thanh bình với nước, đá, và cây. Gọi là thác, nhưng thác Trượt không có những dòng nước lao thẳng từ trên cao xuống, tạo nên âm thanh hào hùng, không có những màn hơi nước trắng xoá tạo những chiếc cầu vồng nhiều màu sắc dưới ánh mặt trời. Thác chỉ là những tảng đá bằng phẳng, dài khoảng 30m và dòng nước chảy nhẹ như không muốn phá vỡ không gian yên tĩnh của núi rừng. Bao xung quanh thác là rừng lá thấp cùng bãi đá nhiều màu rộng gần 1 héc ta.
< Nước trong veo và mát lạnh.
Cũng như các dòng thác khác chịu ảnh hưởng của dòng suối tạo nên nó, dòng chảy của thác trượt cũng thay đổi theo mùa.
Vào mùa mưa, khi thác tuyệt đẹp với những dòng chảy tung bọt trắng xoá. Song thời điểm tham quan thác tuyệt vời nhất lại nằm trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 6 dương lịch. Khi đó, những mạch nước, con suối nhỏ trên đường vào thác đủ cạn để lội. Dòng nước của thác cũng đủ đẹp cho trò chơi trượt thác.
< Ta cùng trượt nào!
Cách trượt rất đơn giản, mọi người chỉ cần lựa gờ đá có độ phẳng và độ trơn vừa phải, rồi ngồi xuống và trượt như chơi cầu trượt. Điểm khác duy nhất là phải có một người đứng ở điểm kết thúc hỗ trợ cho bạn khi bạn tới đích. Trên suốt thời gian trượt, bạn sẽ cảm nhận cái mát lạnh của nước, sự chuyển động của hàng cây.
Cái khó của trò chơi này là chọn được gờ đá đủ dài, và độ chênh lệch giữa điểm đầu và điểm cuối không quá cao, cũng không quá thấp. Đồng thời, trò chơi này yêu cầu người chơi phải can đảm, khéo léo để không bị chệch hướng, dễ gây thương tích.
Nếu không thích trò chơi mang tính mạo hiểm ấy, bạn có thể chọn cho mình ghềnh nước nhỏ nào đó, ngâm mình, cảm nhận được cái lạnh của dòng nước thượng nguồn, cái trong veo và thanh bình của khu rừng. Sau đó, nhóm bếp lửa, nướng hay chế biến những món ăn mang theo phục vụ cho cái bụng rỗng. Mùi khói, hơi ấm của lửa khiến nụ cười của mọi người như rạng rỡ hơn.
Du lịch, GO! - Theo Zing, internet
2 Comments
Cũng là một thói quen, chủ nhật cuối tuần lại quay lại Blog Go để đọc những bài hay về Du lịch của Bác Dũng... Mà tuần này lại không thấy được cập nhật... Hai bác đi du lịch đâu rồi chăng? Bác Dũng vẫn khoẻ chứ?
Trả lờiXóaChúc hai Bác ngày càng khoẻ mạnh để đi du lịch khắp nơi trên đất Việt!
@Tạ Thành Đạt: Hình như bạn nhầm lẫn gì đó thì phải.
Trả lờiXóaMỗi ngày mình vẫn cập nhật cho Du lịch, GO! ít nhất là 4 bài (thường thì 5 trở lên, bạn có thể xem ngày trên các bài).
Mình vẫn khỏe, tính từ chuyến cuối cùng về đã 2 tuần rồi nhưng chưa thể làm lần phượt kế do mùa cuối năm khá bận rộn.
Chúc bạn thật phẻ, vui - Cảm ơn bạn đã xem.
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.