Bàu Đưng nằm dưới chân núi Sơn Triều, giữa hai thôn Quy Hội và Đại Hội thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước-Bình Định. Bàu có từ lâu đời, rộng trên 120 ha, đa dạng nguồn lợi thủy sinh. Mặt bàu bao la, gần gũi, hiền từ như lòng mẹ đã nuôi sống bao thế hệ dân lành quanh hồ.

Phong phú nguồn lợi

Theo sõng ông Bùi Ngọc Liên, 80 tuổi ở thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tôi thật sự bị cuốn hút bởi không gian và sản vật bàu Đưng. Tầng trên mặt nước, lác ba cạnh mọc thành vùng rộng, đứng thẳng óng. Là đà mặt nước là bông súng trắng nhị vàng xen lẫn những khóm năng suôn mượt. Chuồn chuồn lác đủ màu, lên xuống bắt nước. Ong, bướm lượn lờ trên những đám rau dậy nở hoa trắng muốt. Tầng dưới mặt nước là rong đuôi chồn kết thành tấm dày, rướn thân vươn lên như những đụn san hô biển.

< Xúc cua bàu.

Đang mùa cá sặc làm tổ, mặt bàu buổi sớm luôn xao động. Ông Liên cho biết: “Lác và năng bàu Đưng là nguồn rác tủ hành, sắn nước, rau màu, dưa, kiệu rất tốt. Người dân Quy Hội nhờ nguồn lợi này mà bao đời trồng la ghim không tốn rơm, bạt tủ. Rau dậy và rong là nguồn thức ăn dặm cho heo, vịt. Dân quanh bàu tận dụng nguồn này thay cám để chăn nuôi. Lúa cỏ, lác non ở đây là nguồn thức ăn dồi dào để người dân phát triển đàn trâu, bò. Bèo lục bình là nguồn phân xanh hữu ích cho việc cải tạo đất gò. Cọng bông súng luộc chấm nước mắm ngon hay làm gỏi đậu phụng là món ăn ngon miệng sau những buổi làm đồng mệt nhọc của người dân quanh bàu!”.

Bồng bềnh trên những khoảng trống mặt bàu, thấy nhiều vùng nước nổi tăm, điểm sóng, tôi đăm chiêu. Ông Liên giải thích: “Đó là cá đớp móng. Bàu này nhiều cá lắm! Đủ các loài cá nước ngọt nhưng nhiều nhất vẫn là cá sặc và cá sóc lát (có nơi gọi cá thác lát). Quý nhất vẫn là chình bông và rùa nước nhưng đã hiếm. Cá, tôm, cua, ốc, lươn, chình bàu này rất ngọt, thơm khi nấu, không giống bất kỳ mùi vị thủy sản vùng nào khác. Món ngon mang hương vị riêng của bàu là món rồng rồng nấu canh lá dang với bông súng!”.

< Giăng, xúc trên bàu Đưng.

Sõng xuyên qua một vùng lác thưa xào xạc. Nghe tiếng động, mấy chú chim to như gà choai, đen mượt, từ mặt nước bay lên phành phạch. Đâu đó trên bàu the thé tiếng chim đàn. Ông Liên nhanh miệng: “Đó là chim trích. Còn tiếng kêu đằng kia là chim le le. Chúng sống thành bầy năm, sáu mươi con. Bàu này vốn nhiều chim và động vật nước. Trước đây có cả mười mấy loài như: trích, le le, cò lép, cò trắng, cò lọ nồi, cò xám, cúm núm, bói cá, se sẻ tàu, chim dán. Nhiều loài mất đi rất đáng tiếc như chim dồng dộc, gà nước, trăn nước và rái cá!”.

Rong ruổi qua thủy phận Ghềnh Đá và eo đình Đại Hội, tôi gặp nhiều đàn vịt nuôi thả rông mặt bàu, con nào cũng căng diều, sà sệch. Ông Liên dừng sào, chỉ tay về những doi đất đầu các ngọn suối, xanh um màu cây lá, bảo: “Nhờ nước từ bàu này mà nơi ấy đã thành những vùng trồng rau màu bốn mùa tươi tốt!”.

Bắt theo con nước

Long rong nửa ngày trên mặt bàu, tôi bắt gặp nhiều người làm nghề câu lưới. Lân la trò chuyện với anh Trần Văn Rải ở thôn Quy Hội lúc ghìm sõng nghỉ tay. Anh cho biết: “Trước đây, có hơn nửa số dân hai thôn Quy Hội và Đại Hội làm nghề câu lưới, nay 1/3 trong số họ lưu nghề, đi làm xưởng, chỉ còn lại người già và những người trụ cột gia đình. Tuy vậy hiện giờ còn khoảng vài trăm người giăng bắt thường xuyên”.

“Bàu mênh mông thế này, làm sao để bắt được cá?”, tôi hỏi. Anh Rải vui vẻ: “Có nhiều cách bắt lắm! Tùy theo mùa nước mà có cách bắt khác nhau. Riêng câu, lưới, trúm thì mùa nào cũng bắt được. Từ tháng tư đến tháng sáu, bàu hơi cạn, người ta tát đìa, tát vũng, xúc cào, xúc lát.

Tháng bảy, tháng tám, mưa giông đầu mùa, lại đơm cá rô, cá luối, cá lóc, sóc lát lên đẻ. Tháng chín đến tháng mười một, người ta thả chà, đơm cá sặc ổ, thọc tăm, xúc rồng rồng. Tháng chạp đến tháng ba, con nước thường, lại thêm cách bắt bằng lờ bậu, lờ bóng, vớt ốc, xúc cua!”.

Nghe nhiều cách bắt mới lạ, tôi tò mò, muốn biết. Anh Rải lần lượt giải thích: “Chà là bó cây dẻ ốc, chặt từ núi, gánh về thả xuống bàu lúc lũ dâng. Tôm, cua, cá, lươn, chình chui vào trú lũ, ăn nhớt từ chà. Sau khi lũ rút, người thả chà lội bàu, lùa chà vào rổ to vành, vạch, rẽ bó chà, bắt được nhiều loại, nhất là tôm, cua. Cách bắt này phổ biến trong người dân thôn Quy Hội.

Thọc tăm là hình thức đuổi cá lớn bằng đầu sào thọc xuống nước, theo dõi tăm cá chạy, lướt sõng theo, rồi dùng nơm lớn chụp xuống điểm cá dừng có màu nước vợn đục. Cách bắt này đòi hỏi kinh nghiệm và tỏ mắt. Hai thợ tăm nổi tiếng ở bàu này, bắt được nhiều cá chép 4-5 kg, cá lóc 3-4 kg là Năm Rõ và Bốn Tuấn!”.

“Còn đơm cá sặc ổ và xúc rồng rồng là sao?”, tôi hỏi. Anh Rải tiếp tục cho biết: “Cuối tháng mười, lũ rút, cá sặc làm tổ dày chân lác. Người dân chống sõng, chở vài chục lờ và vài mươi cây cờ giấy ra bàu. Họ dồn ba, bốn tổ cá thành một, trọn vẹn trong lờ, cắm cờ làm dấu. Cá sặc chui nhanh vào lờ tiếp tục sú bọt cho tổ. Có lờ vào được cả năm, sáu mươi con. Mùa cá sặc làm tổ, bàu vui như hội. Tiếng gọi bạn vọng xa, lời hỏi, chào, tiếng nói cười rộn rã giữa rừng cờ đơm đủ màu trên mặt nước, thật thích!


< Bắt lươn bằng trúm.

Còn rồng rồng là cá lóc con, sống thành bầy từ năm, sáu trăm đến vài ngàn con. Chúng theo mẹ đi ăn ở những vùng nước rộng, nổi tăm trắng xóa. Chúng lặn, nổi theo chu kỳ nhất định. Người xúc rồng rồng đội rổ nan đan dày to vành, lội nhẹ nhàng về điểm cá ăn. Chờ đến lúc cá vừa nhô lên, ửng đỏ mặt nước, người xúc đạp chân lao tới, ụp rổ, xoay tròn, vừa xoay, vừa giậm, vừa kéo.

Rồng rồng bị dồn một hướng, co cụm vào rổ. Nhiều con thoát được tiếp tục lớn lên thành cá lóc. Kiểu bắt này cũng đòi hỏi quen tay, tinh mắt. Trước đây có ông Hai Sơn, bác Bảy Hảo ở thôn Quy Hội, nay có thêm Bốn Bình, Bốn Tân cùng thôn là những người giỏi bắt kiểu này!”.

Vui, buồn mặt bàu

Thấy anh Rải còn trẻ, khỏe, tôi hỏi anh: “Sao không đi làm xưởng như những người khác?”. Anh tâm sự: “Làm xưởng, thu nhập ổn định nhưng đi cả ngày, nhà cửa không ai lo. Làm câu, lưới, tuy mùa được, mùa ít nhưng chịu khó làm thêm trúm, lờ thì thu nhập cũng bằng làm xưởng. Làm bàu, tôi tranh thủ đưa đón, trông coi con cái học hành. Tôi mến bàu, quen nước rồi, khó dứt!”. “Bằng làm xưởng là bao nhiêu?”, tôi tò mò.

Anh Rải tiết lộ: “Hầu hết những người làm bàu đều kết hợp nhiều kiểu giăng, buông, xúc, vớt. Ngày đêm họ đi bốn chuyến, ra - vào tám lần: gần sáng, giữa trưa, chiều tối và nửa đêm. Bắt được cá, họ nhốt lại bàu, sáng sớm đưa về bán. Căn cứ số lượng người làm và kết quả họ thu được thì ước tính bàu này, mỗi ngày đêm cho trên 200 kg thủy sản các loại.

Tùy theo con nước và kinh nghiệm nghề nghiệp của từng người mà sản lượng giăng bắt khác nhau. Mùa lũ, người làm bàu bình thường, một ngày đêm thu nhập từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng. Ngày thường, từ 120 ngàn đến 150 ngàn đồng!”.
Nhìn nhiều cụ già buông câu, vài phụ nữ vớt ốc dập dềnh trên nước, tôi không khỏi ngỡ ngàng và động lòng. Anh Rải cho hay:

“Họ là những người cả đời gắn bó với bàu. Cha, ông họ truyền nghề dệt lưới, buông câu lúc họ còn nhỏ xíu. Quanh đây, nhiều nhà có ba, bốn thế hệ làm bàu như gia đình anh Trần Kính, Nguyễn Công Rang, Hai Thì ở thôn Đại Hội, ông Bảy Hảo, anh Hai Luôn ở thôn Quy Hội. Họ bám bàu là vì thói quen, kế mưu sinh và là cách giữ, truyền nghề cho con cháu. Nhiều người trong số họ nuôi dạy con cái thành đạt như anh Kính, anh Rang!”.

< Thơm ngon cá đồng.

“Số lượng người làm bàu nhiều, có khi nào rủi ro hay bắt lén, bắt nhầm của nhau không?”, tôi phân vân. Anh Rải cười: “Tất cả những người ra bàu đều giỏi bơi. Có người bơi từ bờ bàu thôn này sang thôn kia. Người làm trên bàu này chưa có trường hợp chết đuối. Mặc dù không phân chia ranh giới nhưng ai nấy đều có vùng nước riêng để làm, không lấn chiếm, không tranh giành. Ngược lại, họ biết bảo vệ phương tiện, tài sản lẫn nhau!”.

Người làm bàu vui vì luôn đảm bảo giá trị ngày công, giữ được nghề của cha ông; vừa làm bàu vừa lo được chuyện làng, chuyện nhà; nuôi được heo, vịt, con trâu, con bò nhưng nỗi buồn, lo cũng không nhỏ. Anh Rải bùi ngùi tâm sự: “Bàu này, nếu không có nạn rà xung điện thì quý biết mấy. Mặc dù chính quyền xã, thôn áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng một bộ phận người dân hám lợi trước mắt, quên chuyện lâu dài đã lén lút hoạt động. Bàu rộng, lác dày, lực lượng chức năng lại mỏng, rất khó khăn trong việc phát hiện, xử lý. Nếu ai cũng ý thức được rằng: ăn hôm nay phải để ngày mai thì mặt nước bàu Đưng sẽ luôn nhộn tăm, sóng cá đi về!”.

Du lịch, GO! 0 Theo báo Bình Định, internet