Quycoctu: Vậy là mạch cảm xúc bị chựng lại khá lâu kể từ khi từ tây bắc trở về bởi quá bận rộn, sáng nay thong dong một chút nên ra Bồng để tìm chút thư thả bình yên mà hồi tưởng lại.

Nhớ ngày xưa, núi rừng Yên Bái là mảnh đất đầy những câu chuyện huyền bí, là nơi nói đến có đi khó về, với rừng thiêng nước độc, với những cung đường hung hiểm, những vách đá cheo leo dựng đứng và là nơi đầy lâm tặc thổ phỉ.

Yên Bái là một trong những vựa gỗ pơ mu quý hiếm nên cũng là nơi có sức hấp dẫn cực lớn với lâm tặc, đã một thời hàng đoàn ngựa im lìm lặng lẽ thồ những súc gỗ pơ mu băng rừng về xuôi, nay rừng không còn những câu chuyện xưa chỉ còn mờ nhạt trong tâm trí, cũng như hình ảnh cây cầu xà beng này vậy đã hoàn toàn biến mất.

< Con đường xà beng cheo leo vách núi ngày xưa, bây giờ không còn.

Háng Tề Chơ (còn gọi là Háng Đề Chơ) được coi là bản tận cùng của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi được coi là trọng điểm tập kết của lâm tặc đi từ Yên Bái sang để xẻ thịt khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa rộng 1600 ha trải dài trên địa bàn huyện Phù Yên và Bắc Yên của tỉnh Sơn La.
Háng Tề Chơ, một cái tên có lẽ rất xa lạ với cuộc sống hiện đại này song với những người say mê du lịch khám phá thì nó lại như là một điểm có sức lôi cuốn lạ kỳ bởi sự hoang dại, hiểm nguy, nó là một thách thức ngạo nghễ khiến cho những kẻ chưa một lần chinh phục sẽ háo sức, những kẻ thất bại thì day dứt dằn vặt mãi, kẻ thành công được chiêm ngưỡng sẽ ngất ngây với sự quyến rũ đến ngợp thở.
Háng Tề Chơ là tên một bản làng người Mông thuộc xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Dân số ở Háng Tề Chơ không nhiều, chỉ khoảng vài chục nóc nhà và địa hình dạng đồi núi. Một số nằm cạnh nhau, cạnh trường tiểu học Tà Chơ, còn lại nằm rải rác trên các sườn đồi.

Nơi đây quanh năm mây mù bao phủ và có lẽ cũng hiếm dấu chân người "ngoại bang" như bao bản làng khác nếu không có một con thác hùng vĩ và đầy huyền thoại: Thác Háng Tề Chơ.

Những câu chuyện về con thác này thì không nhiều, bởi cũng chẳng mấy ai biết đến, ngoài  những kẻ "điên khùng" si dại cái thú lang thang lê lết.

Con đường từ TT Văn Chấn lên đến Phình Hồ đã đủ mệt mỏi, song từ Phình Hồ lên Làng Nhì càng khủng khiếp hơn.


Nhớ lần trước khi quỷ và kynhongcon đi bị mắc mưa, bánh xe cứ quay tít mòng mòng không cách gì vượt qua con dốc đất đỏ với độ nghiêng khoảng 12° nên phải ngậm ngùi quay về. Lần này may mắn là trời nắng, song càng lúc những con dốc càng cao, chiếc xe gầm rú, nhảy bổ như ngựa lồng, rồi mệt lữ thở dốc. Vậy là một thằng đẩy, một thằng lái. Cứ nghĩ qua khúc cua này rồi sẽ hết bởi đã quá cao nhưng rồi lại tần ngần khi nhìn cung đường chót vót trên kia.

Dốc lên khúc khuỷu là thế, dốc xuống lại đổ ào thăm thẳm.  Một bên vách đá, một bên vực sâu, bánh xe cứ trượt ào ào , hồn vía lên trời. Không thế nhớ hết bao nhiều khúc cua bao nhiêu con dốc như thế, chỉ biết cố cố và cố thôi.

Cái hiểm nguy tỷ lệ thuận cái hùng vĩ, núi rừng tây bắc luôn mang trong mình vẻ đẹp huyền  hoặc cuốn hút, dễ khiến cho những kẻ cuồng si sẳn sàng "tử vì đạo".
Ở đây, xe thì ít mà ngựa thì nhiều, dọc đường đi luôn bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái người Mông, Dao dẫn ngựa gùi hàng về bản. Hàng thì có đủ cả: từ muối, gạo, ngô, đến cả cây, gỗ và thậm chí là xăng. Ngựa trên đây không được đóng móng nên không chạy nhanh được mà chủ yếu  "lỏng buông tay khấu" mà thôi.

Đi mãi rồi cũng đến ngã ba trước khi vào Làng Nhì, theo lời anh dugia hướng dẫn thì trước khi đến Làng Nhì sẽ thấy 1 ngả 3, ngay đó có một nhà người Mông, hỏi nhờ họ dẫn đường vào thác chứ đi rất xa và dễ lạc. Thế nhưng khi 2 đứa vào thì nhà chẳng có ai, nhìn quay cũng u tịch vắng bóng người, thế là 2 đứa liều mạng đi luôn.

Con đường đất bắt đầu nhỏ hẹp và nhiều dốc nguy hiểm. Như chỗ này đây chỉ cần nhấn ga một chút lạc tay lái là "hận thấu trời xanh" luôn.

Càng vào sâu là khu vực riêng của bản nên thường có các cổng ngăn, tối cổng sẽ đóng lại, thật thú vị khi cứ đi một chút lại đóng mở cổng thế này.
Con đường ngày càng nhỏ hẹp và trơn trượt, mặt đường bị ngựa và trâu dẫm nhiều nên tạo thành những hố nước, chạy xe thật sự quá nguy hiểm, con đường chỉ rộng chừng 45cm nếu trượt thì thành người thiên cổ mất!
Quỷ cũng không dám ngồi xe nên đi bộ,  còn ku Litbadguy thì vừa chống vừa chèo mà tiến.
Đi chừng 5 km thì gặp một con thác nhỏ nhưng cao, chắc cũng tầm phải 50m, 2 đứa nghỉ chân một chút, nhấm nháp miếng bánh lấy sức.

Háng Tà Chơ có hai ngọn thác: ngọn thác thứ nhất trên đường vào Tà Chơ. Ngọn thác thứ hai chính là Thác Háng Tề Chơ. Từ trung tâm Tà Chơ đi tiếp sẽ có 2 lối rẽ: một đường đi thác Tà Chơ và con đường khác đi vắt lên phía trên là con đường mà những con ngựa thồ Pơ Mu sẽ đi vào khu rừng Pơ Mu Tà Sùa, sau đó đi nguợc lại.

Cũng tại khúc này không thể chạy xe tiếp được, quỷ và litbadguy phải vứt xe lại và lết bộ. Có một điều thí vị ở tây bắc là bạn cứ vứt xe đấy chả mất đâu mà sợ.
Ku litbadguy bị trượt cú này và xém toi mạng!
Chia tay chiến mã và bắt đầu cuốc bộ.

Sau khi đi hết đường là lối rẽ đi Thác Tà Chơ, dân nói chỉ có thể đi bộ được thôi. Đường đi trên sườn đồi, sườn núi, dưới này một nhà rất to có lợp mái fibro xi măng. Trước nhà có hàng rào cao lưng lửng và sân rất to - đây là trường tiểu học Tà Chơ. Từ tiểu học Đề Chơ tới Thác Tề Chơ khoảng 1h đi bộ đối với nguời Mông.
Trời lúc này nắng chang chang, hai đứa cứ cắm cúi đi, cũng chẳng biết còn bao xa vì có ai đâu mà hỏi, nhìn quanh chỉ thấy mênh mông núi rừng, nhìn tuốt phía xa, chính là ngã 3 bản Làng Nhì khi nãy.

Hai ngày hôm trước đã mất nhiều sức lực ở Y Tý, rồi gần 200k ngồi xe, rồi lang thang ở Suối Giàng nên giờ đây hơi ngắc ngoải.
Trời càng lúc càng như đổ lửa, mồm miệng cứ há hốc là thở mà táp không khí. Dọc đường đi gặp 1 anh người Mông, mừng qua hỏi đường đi mà anh ta lại không sõi tiếng kinh, chỉ cũng ấm ớ.
Đi tầm 3 km thì thấy có những mái nhà Mông thấp thoáng, 2 đứa mừng quá, đến nơi nhờ một bác Mông chỉ đường rồi lại đi tiếp.

Và điều tuyệt diệu bất ngờ là ở đây có một khu rừng chè cổ thụ, con đường quỷ và litbadguy đi xuyên qua một góc của rừng chè.
Thú vị nhất là chưa bao giờ có tài liệu hay sách báo nào nói về rừng chè Háng Tề Chơ này cả, có lẽ có nhiều người đi thác đã biết nhưng vì không để ý nên không có thông tin và hình ảnh, về rừng chè này quỷ sẽ viết một bài riêng sau.
Cứ tiếp tục băng rừng, lội suối đi tiếp, đây một máng lấy nước được làm bằng thân cây.
Rồi lại men theo những con đường treo mình bên vách đá chỉ rộng chừng vài bước chân
< Những chú trâu tò mò nhìn 2 kẻ lạ mặt.

Từ đây đi tiếp là ruộng bậc thang, mùa này lúa đã thu hoạch xong nên chỉ còn ruộng khô rạ cháy. Nếu đi vào mùa lúa chín chắc hẳn đây sẽ là bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.

Còn tiếp phần 2.

Du lịch, GO! - Theo Quycoctu.multiply