Mạch đất An Nhơn về phía đông xã Nhơn Mỹ uốn lượn gồ ghề rồi cất lên thành một quả núi cao chừng trăm thước án ngữ ba thôn Ðại An, Thiết Tràng, Tân Ðức. Núi như một con rồng chạy đến giáp sông La Vĩ thì ngoảnh về phía tây, mê mẩn trước một bàu nước xanh thơ mộng.

Núi ấy gọi là núi Kỳ Ðồng, bàu kia gọi là bàu Sấu, vì rằng từng có cá sấu ở. Ngắm núi Kỳ Ðồng từ điểm khởi sơn về nơi tọa lạc, gò đống nối dài hợp với sườn núi khoan thai thoải xuống mặt bàu tựa như một con rồng xanh đang mải mê uống nước, chả trách người xưa bảo núi tượng hình thanh long ẩm thủy.

Sau khi Ðào Doãn Ðịch, thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Cần Vương ở Bình Ðịnh qua đời, Mai Xuân Thưởng đã cho xây dựng rất nhiều căn cứ kháng chiến. Một trong số đó là căn cứ núi Kỳ Ðồng. Song Mai Xuân Thưởng chọn nơi đây làm căn cứ không phải vì cảnh đẹp, mà vì thế núi rất thuận lợi cho việc trú quân lẫn dụng binh.

Trong núi rừng có hang, không hay lớn nhỏ thế nào, chỉ biết tại mặt nam núi đến nay hãy còn dấu tích một miệng hang chừng 2m², cây dại mọc đầy. Dẫn từ hang ra bàu Sấu là một con đường đất nhỏ, hoang phế đã lâu ngày.


Bàu Sấu rộng ngót ba mẫu, nước sâu thăm thẳm, thông với sông Côn. Từ núi Kỳ Ðồng, có thể theo đường thủy lẫn đường bộ tới các căn cứ khác của nghĩa quân thuộc huyện Tây Sơn. Mặt khác quãng chân núi phía đông giáp sông La Vĩ mở ra một lối thủy lưu quan trọng sang thành Ðồ Bàn, tỏa về một vùng dân cư ven thị đông đúc, rất thuận lợi cho việc thu thập thông tin và tiếp tế lương thực, vũ khí.


Năm 1887, quân Pháp và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy đã tấn công với quy mô lớn vào các căn cứ cần vương ở Bình Ðịnh. Quân địch quá đông. Nghĩa quân quá ít. Ðịch trang bị súng ống đạn dược. Nghĩa quân vũ khí chủ yếu là giáo mác thô sơ. Lần lượt các căn cứ Kho Lương, Thứ Hương Sơn, Bắc Trại, Nam Trại bị giặc chiếm. Nghĩa quân bị tổn thất lớn, chỉ còn vài trăm người. Mai Xuân Thưởng quyết định chọn Bàu Sấu làm nơi bày trận sống mái với quân thù.


Suốt hai ngày đêm, dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã chiến đấu rất kiên cường. Ban đầu, dựa lưng vào thế núi, nghĩa quân đã tiêu diệt được hàng trăm tên giặc. Nhưng Trần Bá Lộc cậy thế quân đông cứ xua binh tràn lên hết đợt này đến đợt khác, nghĩa quân trúng đạn hy sinh rất nhiều, máu trôi đỏ nước bàu và loang dài một khúc sông. Mai Xuân Thưởng bị thương nặng. Những nghĩa quân sống sót bèn mở đường máu đưa nguyên soái về mật khu Linh Ðỗng. Tìm không ra Mai, Trần Bá Lộc thẳng tay đàn áp nhân dân của ba thôn quanh núi Kỳ Ðồng. Chúng báo lên Nguyễn Thân. Tên gian thần này liền ra lệnh bắt giam dân chúng hai làng Phú Lạc, Phú Phong, trong đó có người mẹ già yếu Mai Nguyên Soái. Giặc bắn tin rằng nếu ông không ra hàng, chúng sẽ giết cụ bà và làm cỏ hai làng Phú Lạc, Phú Phong. Trước tình thế đó, Mai Xuân Thưởng quyết định hy sinh để cứu mẹ và dân làng khỏi nanh vuốt giặc. Ngày 4 tháng 5 năm 1887, ông ra nộp mình ở đình Phú Phong.


Ngày 6 tháng 6 năm 1887 (tức rằm tháng tư năm Ðinh Hợi) giặc đưa ông cùng 11 tướng lĩnh cần vương Bình Ðịnh ra chém tại Gò Chàm. Tương truyền, ngày lên đoạn đầu đài. Mai nguyên soái mặc áo dài vải ta trắng. Trước lúc thọ hinh, ông xé vạt áo trước, cắn ngón tay bật máu viết một bài thơ rồi ném vào không trung. Vạt áo mang bài thơ tuyệt mệnh của ông được gió nâng bổng lên cao, bay rất xa rời rơi xuống đám đông đồng bào chen chúc tiễn ông dưới chân gò. Một nghĩa quân cũ của Mai công bắt được, âm thầm giấu vào ngực áo. Sau người ấy quy y, thờ di vật của nguyên soái tại chùa Minh Tịnh. Sư thường giao du với một tín chủ họ Lê quê tại núi Kỳ Ðồng, thấy người này rất mực yêu kính Mai Công, bèn đem tặng lại, dặn rằng: “Bài thơ tỏ rõ chí khí của Mai nguyên soái. Nhờ ông minh bạch với đời”.

Vị tín chủ làm theo lời dặn của nhà sư, đặt vạt áo Mai công vào một cái tráp, mang về đặt giữa án thờ nhà mình, hôm sớm đèn hương cung kính. Về sau giặc giã, nhà cháy, vạt áo thiêng cũng thành tro, nhưng câu chuyện và bài thơ tuyệt mệnh của Mai công cụ Lê đã kịp truyền lại cho người đời và con cháu:

Không tính làm chi việc mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Ðá tạc lòng trung núi mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Ðỏ lòe bìa sách máu là son
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới
Một nhánh mai già trổ nụ non.

Người con thứ của cụ Lê là Lê Kim Anh, tục gọi ông Chín Nương, nay đã tám mươi ba tuổi, ngày ngày vẫn ra chòi quán bên bến Tân Kiều xem khách lại qua. Có ai ngỏ ý tìm thăm núi Kỳ Ðồng và báu Sấu, ông sẽ khẩn khoản mời ngồi lên cái chõng tre, kể về trận đánh hào hùng của nghĩa quân cần vương Bình Ðịnh, về vạt áo thấm máu của Mai nguyên soái, đọc lại bài thơ chính khí của người xưa rồi tận tụy chỉ đường.Qua ông Chín Nương, tôi được biết dân chúng quanh vùng Kỳ Ðồng, Bàu Sấu đã lấy ngày 14 tháng tư âm lịch hàng năm làm ngày kỵ vong hồn nghĩa quân chết trận bàu Sấu. Lệ ấy đên nay hãy còn.

Du lịch, GO! - Theo Saigon.net, internet