Ở phía bắc Tây Nguyên còn có dãy núi đá hoa cương với đỉnh Ngọc Linh cao hơn 2.500 m, được coi là "mái nhà của Tây Nguyên"; đỉnh Ngọc Phan hơn 2.000 m, nơi bắt nguồn của những dòng sông chảy về miền Trung, như sông Tranh, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba... Di tích lịch sử, danh thắng Măng Đen (Konplong) hay di chỉ khảo cổ Lung Leng, di tích Đăktô - Tân Cảnh, di tích ngã ba Đông Dương huyền thoại. Những khu rừng nguyên sinh và đặc dụng, như Chưmon Ray, Đác Uy, Sa Thầy. Nhưng tiếc thay đại công trình đường Hồ Chí Minh đang triển khai, còn quá bề bộn, nên chúng tôi không thể bay qua mà tới đó được.
Những dòng sông ở bắc Tây Nguyên đều khởi nguồn từ những đỉnh núi cao đầy truyền thuyết: Ngọc Linh, Kon Ka King, Chưmonay... Chảy qua mỗi địa bàn dòng Ðăc Pla, Sê San hay Kroong Pôkô lại mang một tên gọi khác nhau: đơn giản vì nó xuyên qua nhiều vùng văn hoá, lúc là buôn làng của những người Bana, lúc là buôn làng của nhóm sắc dân Rơ Ngao, Gia Rai, Xơ Ðăng, Rơlăng, Rơmăm, Brâu...
Bến nước của người Rơ Ngao khác với bến nước của người Brâu, điệu chiêng người Gia Rai khác điệu chiêng người Xơ Ðăng, hoa văn trên gùi nơi vai các sơn nữ Rơlăng xa lạ với hoa văn nơi gùi các thiếu nữ Ba Na, hương vị ché rượu cần người Rơmăm ngọt ngào mà không hợp với hương rượu cần của người Xơ Ðăng... giữa dòng Ðăc Pla với Kroong Pôkô (có nghĩa là vùng nước lũ) phải qua những cù lao bãi đá rất ấn tượng. Nếu quan sát hai bên bờ sẽ gặp những cảnh đánh cá theo kiểu cổ xưa trên những chiếc xuống độc mộc của người Rơlăng, Ba Na, Rơ Ngao. Thỉnh thoảng hiện ra những dải rừng cà chít đang mùa đổi màu lá, từ đen sẫm sang đỏ nâu.
Trước khi xuôi xuống nam Tây Nguyên, chúng tôi tới quay phim thác Yaly. Cách thành phố Pleiku khoảng 40km về hướng tây bắc, thẳng quốc lộ 14 hướng Kontum, đi khoảng 15km đến ngã ba Yaly, quẹo trái, đi thêm 23km là tới thác Yaly nằm trên sông Sê San thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai. Nhưng đúng ra nó toạ ngay đường ranh giới Gia Lai - Kon Tum. Nơi đây đang rục rịch khâu chuẩn bị cho dự án lớn xây nhà máy thủy điện có sản lượng lớn thứ hai và là công trình thủy điện ngầm lớn nhất cả nước với công suất lắp đặt 720Mw và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ kwh/năm. Nhưng trước mặt chúng tôi lúc này vẫn là một Yaly vô cùng hoang vu.
Ở đoạn này lòng sông lởm chởm đá và có một độ nghiêng khá dốc làm cho giòng nước chảy xiết hơn những khúc khác nên đã tạo nên con thác Yaly. Thác đổ chụm trên một tiết diện hẹp cao chừng 40 thước, sức nước chảy rất mạnh tạo thành một cột nước tròn như chiếc vòi rồng khổng lồ, tung bọt trắng như những đám mây mù lan rộng một vùng. Âm thanh réo ầm ầm, man dại như tiếng rú rít của hung thần. Ai yếu tim, đảm bảo không thể đứng trên đỉnh thác mà nhìn xuống dòng Sesan sục ngầu dữ rằn cỡ như thế.
Chiếc Konvát đen đang quay bỗng trở chứng rụng rơi mất lẫy cò, máy đang lia dọc bị khựng lại. Tiếc chiếc cò máy chỉ nhỏ mỏng như chiếc cúc áo đang nẩy bần bật trên tảng đá phía duới, tôi dúi nhanh chiếc máy cho Sinh và Khang bên cạnh lao xuống định lượm lại mà không hề nghĩ đến nguy hiểm là gì. Sinh, Khang và Sơn hoảng quá cản không kịp liền hét toáng lên. Tôi có nghe thấy gì đâu mà hét. Tiếng nước dội ầm ầm thế này. Sau cú sốc như giỡn mặt với tử thần qua đi, tôi mới thấy sợ. Tôi có thể sẽ rơi xuống tan xác dưới cái cột nước khổng lồ điên cuồng ngầu ngầu bên dưới. Nhưng ở thời khắc đó tôi nào có nhận ra điều gì.
Nẩy vài cái, chiếc cò thép đã rơi kẹt vào khe tảng đá mấy chục mét bên dưới. Từng đợt sóng nước lớn oàm oạp đập mạnh xung quanh. Mọi người kéo tôi lên, Khang liền lấy dao zíp gọt cho tôi một mẩu gỗ bẻ bên bờ suối và giúp tôi thay tạm cái nút bấm mới. Chúng tôi cũng thực hiện nốt được phần công việc như dự kiến. Nhìn từ bờ này sang bờ kia ước lượng khoảng ba trăm thước. Hai bên bờ toàn là những tảng đá đủ cỡ nằm chen chúc lên nhau.
Mặt nước cũng lố nhố vô số mỏm đá. Người dẫn đường cho biết, nhiều người đã gặp cá sấu từ vùng biển hồ Mê kông bên Campuchia đã ngược dòng lên đây trú ngụ và sinh sống lâu năm ở đoạn sông khá lớn này. Trong đời, hễ ai mà một lần nhìn thấy cột nước lớn như thế có lẽ không bao giờ quên. Với tôi, thác Yaly quả là ngọn thác lớn vào bậc nhất của Tây Nguyên và cả Việt Nam. Ngày nay nó đã bị nhà máy thuỷ điện xoá sổ gần như hoàn toàn mất rồi...
Rời Yaly hùng vĩ, chúng tôi trở lại quốc lộ 14 và xuôi về Đắclák. Những cánh rừng Khộp dọc hai bên đường. Tiếp đến là những nông trường Cà Phê đang mủa hoa trắng muốt. Tô điểm cho muà xuân Tây Nguyên một mùi hương ngây ngất đầy quyến rũ.
Mùi hoa cà phê thoang thoảng kéo lũ ong khắp nơi về vờn lấy phấn, hút mật để cho ra những giọt mật ngon nhất. Từng đàn bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo về bay lượn khắp trời Tây nguyên.
Sau một ngày làm việc cật lực. Đêm đến, chúng tôi tản bộ vào trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Quả là thủ phủ của Tây Nguyên! Khác với Kon Tum, PleiKu, hơn 9 giờ tối, khách thập phương vẫn còn tấp nập. Rất đông cư dân thành phố tập trung tại các công viên sinh hoạt hoặc đi bộ trên lề đường như một hình thức tập thể dục.
Khách sạn khá tiện nghi được đại diện của bộ Điện Lực khu vực miền trung đặt trước cho chúng tôi. Xế mé trái là toà giáo đường Thiên chúa giáo khang trang. Những cô gái thành phố lớn nhất cao nguyên này da trắng bóc, giọng nửa Nam nửa Bắc đang lũ lượt kéo tới làm lễ ở nhà thờ. Hôm nay là tối chủ nhật, lễ chính rất đông tín đồ. Theo chân anh chuyên viên đứng tuổi của bộ điện, 4 thằng ngựa chúng tôi kéo nhau vào xem thánh lễ. Cho tới lúc mọi người cùng qùi xuống nền nhà, chúng tôi cũng bất đắc dĩ phải qùy theo, được bữa choét đầu gối. Thật dại dột. Nhớ mãi cái đận qùi ấy tới bây giờ.
Hôm sau chúng tôi lại tiếp tục tới các ngọn thác nổi tiếng quanh Buôn Mê Thuột. Tây Nguyên không chỉ có cà phê, có "cái nắng", "cái gió" mà còn ôm trong mình những con thác to lớn, nguyên sơ, hoang dại.
Từ Buôn Mê Thuột ngược đường quốc lộ 14, nhằm hướng Pleiku, chừng mươi cây số thôi, chúng tôi đã đến bên Đray H'linh rồi. Tiếng Êđê gọi Đray là thác, còn H'linh là tên một người con gái. Thác tuy không cao như Yaly, nhưng thơ mộng, bề thế, khó có thác nào ở Việt Nam mà sánh kịp. Nếu phải bình chọn một ngọn thác như một cuộc thi hoa hậu thì cô gái H'linh chắc chắn sẽ giành vương miện một cách xứng đáng. Những thước phim tôi quay trong bộ phim này có lẽ sẽ là những hình ảnh tư liệu cuối cùng của đời người con gái hồng nhan. Vì chỉ vài năm nữa thôi con thác này sẽ bị hiến tế, chặn dòng để xây nhà máy thuỷ điện Đray H'linh I.
Sau Yaly, tôi đã giành nhiều cơ số phim nhất để quay với đủ mọi góc độ về Đray H'linh như sự ngưỡng mộ, nuối tiếc vô bờ của một kẻ si tình trước bậc quốc sắc thiên hương vì việc nước sắp phải "qúa quan" đi xa mãi mãi.
Ai chưa biết Đray H'linh mà gặp Đray Sáp thì cũng tạm hài lòng vì vắng trăng mà còn sao thì cũng như được an ủi phần nào. Tiếng Êđê, Đray Sáp là thác Khói, cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Nước đổ từ độ cao khoảng 30m và rộng chừng trăm mét, vùng quanh chân thác, “khói” nước luôn bao phủ như màn sương khói diệu huyền. Truyền thuyết kể rằng thuở xưa có một thiếu nữ người Êđê xinh đẹp tên là H’Mi, nhiều chàng trai từ khắp các buôn làng của người Êđê, M’Nông tìm đến xin cầu hôn nhưng đều bị nàng cự tuyệt vì nàng đã có người trong mộng. Một hôm, nàng cùng người yêu ra bìa rừng ngồi nghỉ gần một tảng đá lớn. Đột nhiên xuất hiện một con quái vật đầu to như quả núi, mắt đỏ như lửa.
Con quái vật lao xuống sông dùng miệng ngậm nước và phun ra thành một cột nước cao hướng về phía đôi tình nhân. Chàng bị nước bắn ra phía xa và ngất đi, còn nàng bị con quái vật bắt và mang đi. Khi tỉnh dậy chàng vô cùng đau khổ vì mất người yêu, sau nhiều ngày than khóc đã hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá. Nơi quái vật lao xuống nước đã trở thành thác Khói ngày nay, còn chàng trai bây giờ là rừng cây bên bờ đá cạnh thác. Những người dân sống trong vùng bây giờ vẫn truyền miệng nhau rằng thỉnh thoảng họ nhìn thấy từ phía bầu trời đầu thác có một đám mây trắng giống hình cô gái sà xuống ôm lấy những tán cây cạnh thác. Và mỗi lần đám mây kỳ lạ ấy xuất hiện thì ở vùng đó lại có mưa to gió lớn.
Hai con sông Krông Knô và Krông Ana gặp nhau: “Là dân ở đây nhưng cũng chỉ nghe người ta nói thôi chứ chưa bao giờ đến đó cả. Chỉ biết người ta nói lạ lắm, hai dòng chảy song song với nhau để rồi gặp nhau, nhưng một dòng thì quanh năm đục ngầu, còn dòng kia lại trong veo lạ thường”, người dẫn đường thủng thẳng kể với chúng tôi như thế!
Huyền thoại Tây nguyên kể rằng xưa kia Krông Knô và Krông Ana chỉ là một dòng. Ngày ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tình yêu của họ ngày một lớn lên cho đến khi bị hai họ phát hiện. Hai dòng họ này vốn đã có hiềm khích với nhau từ hàng trăm năm trước nên không chấp nhận cho con cháu yêu nhau, tìm mọi cách ngăn cản và chia cắt tình yêu đôi trai gái. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai tìm cách phản kháng. Trong một đêm trăng thanh gió mát bên dòng Sêrêpôk, đôi uyên ương đã cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn. Sau khi họ chết đi, mây đen bỗng nhiên từ đâu kéo đến nhiều vô kể, trời đất đen ngòm, dòng sông cuồn cuộn nước chảy ầm ầm. Đến sáng mai, khi mọi người thức dậy thì dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào.
Thác Đray Nur trên sông Sêrêpôk nằm cách Buôn Ma Thuột 20km về hướng nam ngọn thác rất lớn với chiều dài trên 250m, cao hơn 30m, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Đắc Nông ngày nay. Giữa không khí núi rừng trong lành với vô vàn hạt bụi nước li ti bay bên bờ thác, đứng cách chân thác cả trăm mét vẫn cảm thấy mát mẻ. Nhiều người thích cảm giác mạnh đã vào hang đá trong lòng thác, và hang đá trong lòng thác chính là nét độc đáo riêng có của Dray Nur: “phòng mátxa” nước thiên nhiên. Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20m xuống. Nếu được đầu tư hợp lý, nơi đây có thể trở thành nơi nghỉ dưỡng, thư giãn rất tiện ích với những “phòng tắm” lộ thiên khổng lồ trông rất bắt mắt khách vãng lai.
Mỗi lần được tận mắt thấy những bức tường nước đổ, tận tai nghe tiếng reo vui của gió, nước và đá hòa quyện, bạn như trút bỏ bao ưu phiền của cuộc sống, nhập hẳn mình vào bản hoà ca bất tận của thiên nhiên kỳ thú, với những huyền thoại trong sáng về tình yêu... tâm hồn ta như được thăng hoa. Giữa mùa hè oi bức mà rời phố xá chật trội, lên đây thư giãn, an trí thì có lẽ không ở đâu hơn.
Đứng dưới chân thác, ta như lọt thỏm giữa rừng già nguyên sơ với những cây cổ thụ cao ngất trời, những tảng đá sừng sửng, vang vọng đâu đây bản tình ca của huyền thoại về một tình yêu bất tử lung linh cùng những tia nắng xuyên qua thác vẽ nên những sắc cầu vồng kỳ ảo làm cho cảnh đẹp đến nao lòng.
Được hợp lưu bởi hai dòng Krông Knô và Krông Ana bắt nguồn từ vùng lũng núi của nam Trường Sơn, sông Sêrêpôk có chiều dài hơn ba trăm cây số. Gần một nửa chiều dài là chảy trên lãnh thổ nước ta. Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia trước khi hợp vào dòng Mekong, xuôi về miền Tây Nam bộ Việt Nam rồi mới hòa vào biển lớn.
Theo các chuyên gia về địa chất đánh giá, chính dãy núi Trường Sơn Nam là đường phân thủy (chia nước) của những hệ thống sông chảy về đồng bằng duyên hải phía đông rồi đổ về biển Đông. Hệ thống sông đổ về phía tây là phụ lưu của sông Mekong. Sêrêpôk là một trong số ít dòng sông không tuân theo qui luật chảy về biển Đông mà ngược lên phía tây. Đây là dòng sông khá đặc biệt vì cả hai nhánh đều rất hiền hòa, nhưng khi hợp thành Sêrêpôk thì trở nên “hung dữ” với hàng loạt thác ghềnh liên tiếp như Đray H'linh, Gia Long, Đray Sáp, Đray Nur, Trinh Nữ... với dòng nước chảy xiết.
Các già làng bảo: Xưa nay trên dòng sông này chưa ai dám mạo hiểm lao từ trên thác Gia Long, Đray Nur xuống vực... Chỉ những ai yêu cái đẹp, nhưng dám mạo hiểm mới dám dùng thuyền bay từ trên thác cao hơn 10m xuống giữa vực sâu cuồn cuộn xoáy nước và đá ngầm để từ đó vui sướng reo lên một cách thoả chí, vì khát vọng tìm cảm giác mạnh...
Ai thích môn thể thao mạo hiểm thì đoạn sông Sê Rê Pôk từ thác Gia Long đến Đray Sáp là thật tuyệt vời.
Người dân Tây Nguyên cho rằng, thiên nhiên có nguồn gốc như con người, cũng được sinh ra bởi một đấng sinh thành. Với dòng Sêrêpôk, nó cũng có đấng sinh thành. Đó là hai dòng sông: K'rông Na và K'rông Ana. K’rông Na được coi là cha và K’rông Ana là mẹ.
Dòng sông mang dáng vẻ hùng vĩ, được thừa hưởng nét đẹp vẹn nguyên và vẻ hoang sơ, huyền ảo từ các đấng sinh thành, Sêrêpôk đã trở thành ngọn nguồn của trái tim Tây Nguyên. Trong suốt quá trình về với hạ nguồn, dòng sông đã hoá thân kỳ diệu thành trăm ngọn thác lớn nhỏ trên khắp cao nguyên.
Trải qua bao đời nay, người dân nơi đây luôn gắn bó với Sêrêpôk, luôn coi K'rông Na và K'rông Ana là cha mẹ, là linh hồn của đại ngàn. Dòng Sêrêpôk như sinh lộ dẫn dắt con người ta đi khắp Tây Nguyên.
Những chặng đường gió bụi (Phần 1)
Du lịch, GO! - Theo Goccomau Blog, ảnh internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.