Những di cốt hóa thạch và các hang động không chỉ có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa quốc gia mà còn mang ý nghĩa quốc tế.

Khu hang động khảo cổ học chùa Nhẫm Dương và một số hang động, nằm ở thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Vào đầu thế kỷ XIX, thôn Nhẫm Dương thuộc xã Duyên Linh, tổng Thượng Chiểu, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn Kim Bào, Trại Xanh, xã Châu Xá, xã Duyên Linh hợp nhất, lấy tên là xã Duy Tân cho đến nay.

Khu hang động khảo cổ học chùa Nhẫm Dương và các hang động tại khu vực núi đá vôi xã Duy Tân được hình thành do sự biến đổi của tự nhiên từ hàng triệu năm trước. Hệ thống núi đá vôi, các hang động và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ là những kiệt tác đẹp hiếm có của Hải Dương và cả nước. Khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 15/QĐ- BVHTT ngày 14/4/2003 của Bộ Văn hóa- Thông tin.

Chùa Nhẫm Dương có tên tự là Thánh Quang . Đây là ngôi chùa lớn, được xây dựng từ thời Trần, thờ phật, đến thế kỷ XVII, chùa là nơi tu hành của thủy tổ thiền phái Tào Động  do sư  Thủy Nguyệt trụ trì. Chùa còn mang tên thôn Nhẫm Dương, nhân dân gọi tắt là chùa Nhẫm.

Di tích khảo cổ học chùa Nhẫm có hai hang quan trọng: hang Thánh Hóa nằm về phía Tây của chùa và hang Tối nằm tại sườn núi phía Tây Bắc, cách chùa chừng 250 m. Hệ thống hang động trên núi thuộc địa bàn xã Duy Tân gồm 26 hang lớn nhỏ, chủ yếu nằm về phía Tây Bắc, phía Tây Nam và phía Đông Bắc của chùa.

Duy Tân là một xã thuộc vùng bán sơn địa, nơi có địa hình đa dạng, ngoài ruộng canh tác, ao, sông, hồ, Duy Tân còn có một số dãy núi đá vôi, đồi đất nằm tập trung ở thôn Nhẫm Dương. Với địa hình đa dạng như vậy, người dân nơi đây có khá nhiều ngành nghề khác nhau nhưng nhìn chung vẫn lấy nghề nông là nghề chính của mình. Trước đây, khi rừng chưa cạn kiệt, nơi đây còn có nghề săn bắn, gần đây do nhu cầu của thị trường mà nghề khai thác đá làm vật liệu xây dựng khá phát triển, do đó đã nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

Là một xã có khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trước đây, các thôn đều có đình, chùa, riêng thôn Kim Bào có nhà thờ Thiên chúa giáo, là họ lẻ của xứ đạo Minh Hòa, thuộc địa phận Hải Phòng. Trong kháng chiến chống Pháp nhiều đình, chùa, đền, miếu bị hủy hoại, kể cả chùa Nhẫm Dương. Hiện nay, một số di tích đã được khôi phục lại, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Duy Tân có hệ thống hang động gắn với chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Các hang như hang Mạt, hang Ma, hang Trâu, Thung Xanh, Thung Thóc, hang Đình, hang Bò Lê... đều gắn với các sự kiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của địa phương, nhiều hang động là nơi đóng quân và là bệnh viện của Quân y viện 7 quân khu III. Những sự kiện lịch sử, những chiến công oanh liệt xảy ra ở đây đã, đang và mãi mãi không phai mờ trong tâm thức của người dân Duy Tân.

Trong hệ thống hang động, quan trọng nhất là hai hang: Hang Thánh Hóa và hang Tối là những hang phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học, khẳng định cho sự phát triển của loài người từ hàng vạn năm trước.

Hang (động) Thánh Hóa nằm ở chân núi sau chùa Nhẫm Dương, hang có diện tích khoảng 100 m2, từ cửa hang tới cuối hang theo hướng nhỏ dần. Trên đỉnh hang có nhiều thạch nhũ với muôn hình muôn vẻ, càng về cuối lòng hang càng hẹp và tối, cho đến nay chưa ai xác định được hang còn sâu đến mức nào? Vì cuối hang vẫn còn khá nhiều hóa thạch trên vách.

Trong những năm 1996 - 1997, khi sửa sang hang Thánh Hóa, nhân dân đã tìm thấy nhiều tượng phật có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX) chất liệu đá, đã được cất dấu trong kháng chiến. Đặc biệt, từ năm 1999 đến năm 2001, nhân dân và nhà sư trụ trì đã phát hiện nhiều di vật lạ, đã báo cáo lên cơ quan chuyên môn để xác định. Bảo tàng Hải Dương đã có nhiều cuộc thám sát, nghiên cứu và đã có những nhận định ban đầu: Hang Thánh Hóa có dấu vết từ thời tiền sử.

Trong hai năm 2000 và 2001, Bảo tàng Hải Dương đã kết hợp với Viện Khảo cổ, Viện Nghiên cứu địa chất đã tiến hành nhiều cuộc thám sát, điền dã, nghiên cứu và kết luận: Hang Thánh Hóa là di tích khảo cổ học quan trọng của cả nước. Tại đây, đã tìm được di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như: Voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím...và đặc biệt tìm thấy khá nhiều răng Pôngô (đười ươi).

Theo giám định của Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, thì những hóa thạch và di vật đó cách ngày nay từ 3 vạn đến 5 vạn năm. Hiện nay, động Thánh Hóa có tầng văn hóa dầy 4m, chắc chắn sẽ có nhiều di vật quý mà chúng ta chưa phát hiện được, nếu tiếp tục khai quật sẽ mang lại nhiều kết luận quan trọng về sự phát triển của loài người.

- Hang Tối: Hang được gọi theo tên gọi của nhân dân địa phương vì hang có nhiều ngách và rất tối. Hang nằm bên sườn núi phía Tây Bắc chùa Nhẫm Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, hang Tối là nơi ẩn náu của cán bộ cách mạng. Những chiến sĩ đã phát hiện ra một số hiện vật lạ như rìu và giáo đồng. Nhưng đã rất nhiều năm, không ai báo cáo tới các cơ quan chuyên môn về những hiện vật đó.

Đến năm 2001, Bảo tàng Hải Dương đã quyết định thám sát hang Tối để nghiên cứu, càng vào sâu, lòng hang càng rộng và tối, đặc biệt tại đỉnh hang có nhiều thạch nhũ đẹp. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số hiện vật như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, các hiện vật trên thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Hang Tối có khả năng là di chỉ có niên đại thuộc hậu kỳ đá cũ. Trong tương lai, nếu khai quật lớn sẽ có nhiều tài liệu khảo cổ học quan trọng. Ngoài ra, tại khu vực núi Nhẫm Dương, nhân dân đã tìm thấy rìu đá, các công cụ bằng đá cuội, lõi khoan, hòn mài, đá mài và rìu thuộc thời đại đồ đá mới.

Các công trình nghiên cứu khảo cổ học thông qua các cuộc thám sát, điền dã và hệ thống các hiện vật khảo cổ đã khẳng định hang Thánh Hóa và hang Tối là các di chỉ khảo cổ học quan trọng, cần được bảo vệ và khai quật để nghiên cứu. Cho đến nay chúng ta đã thu được hàng vạn hiện vật tại hai hang này, chủ yếu là hóa thạch của các loài động vật có niên đại từ hàng vạn năm trước. Đây là các tài liệu quan trọng  trong việc xác định địa chất và diện mạo khu vực núi đá Nhẫm Dương trong lịch sử.

Hệ thống hang động ở xã Duy Tân khá dầy đặc, nhân dân địa phương đã phát hiện được 26 hang động lớn nhỏ, nằm trên dãy núi đá vôi. Đến nay, nhiều hang động không còn do khai thác đá. Tuy nhiên, trong ký ức của cán bộ và nhân dân địa phương, những hang động đó đã từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng không thể phai mờ.

Từ những năm 1948 - 1949 - 1951, tại hang Thánh Hóa đã có nhiều đơn vị về đóng quân, đồng chí Lê Thanh Nghị  và đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dùng hang làm trụ sở chỉ huy của Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Cũng tại đây, huyện ủy Kinh Môn tổ chức hai cuộc họp vào tháng 7 và tháng 9 năm 1947, nhằm đối phó với âm mưu đánh chiếm của địch.

Tại hang Ma: Tương truyền từ thời xa xưa, khi giặc phương Bắc sang chiếm nước ta, chúng dồn dân vào hang sâu, dùng rơm hun chết rất nhiều người, vì thế, nhân dân gọi tên là hang Ma. Trong kháng chiến, hang là nơi trú quân của bộ đội huyện và tỉnh.

Nằm ở phía Tây chùa Nhẫm Dương, hang Mạt trong kháng chiến chống Pháp nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu gay go ác liệt, trên đỉnh núi quân ta cắm cờ, giặc bắn gẫy, ta lại cắm lên, cứ như vậy quân giặc phải chịu lui.

Thung Xanh nằm ở phía Đông chùa, nơi đây là căn cứ đóng quân của du kích địa phương. Thung Xanh  chứng kiến nhiều cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng dân quân du kích, nay hễ nói đến địa danh này đều nhớ câu:

“Đây Thung Xanh còn tanh máu giặc” hay “Đất mẹ anh hùng, Thung Xanh còn đó” hoặc “Trong hang tối vẫn sáng ngời”...

Một số hang như hang Đình, hang Lợn, hang Bò Lê, hang Thóc... là những hang rất rộng và là căn cứ đóng quân của bộ đội trong kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1965 đến năm 1973, một số hang động trên núi là địa điểm đóng quân của Quân y viện 7 quân khu III.

Cùng với hệ thống hang động, chùa Nhẫm Dương được coi là chốn tổ của Thiền phái Tào Động do vị sư tổ Thủy Nguyệt đứng đầu. Di tích có qui mô lớn, được khởi dựng từ thời Trần, chùa được tôn tạo khá sầm uất vào thời Lê và thời Nguyễn. Năm 1952, chùa bị thực dân Pháp tàn phá nặng nề. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), nhân dân dựng chùa bằng tranh, tre, nứa lá để làm nơi thờ Phật. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), nhà sư trụ trì cùng tín đồ phật tử xây lại chùa bằng gạch, lợp ngói với qui mô nhỏ. Năm 1996, bằng nguồn vốn của nhân dân địa phương và công đức của khách thập phương, chùa được trùng tu với qui mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Công (I), chất liệu bằng gạch ngói, bê tông cốt thép chắc chắn và nghệ thuật. Trong những năm tới, nhiều công trình phụ trợ sẽ được xây dựng, trở thành trung tâm phật giáo của xã và khu vực. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày 6 tháng 3 âm lịch, thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài tỉnh.

Khu hang động khảo cổ học chùa Nhẫm Dương với các hiện vật quí giá đã khẳng định tiến trình lịch sử của tự nhiên và con người từ thời đại đồ đá, thời đại kim khí, thời đại phong kiến và thời kỳ hiện đại. Những di cốt hóa thạch trong hang Thánh Hóa, những di vật của văn hóa Đông Sơn tìm được trong hang Tối không chỉ có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa quốc gia, mà nó còn mang ý nghĩa quốc tế.

Khu vực núi Nhẫm Dương là dãy núi hình thành do biến đổi của tự nhiên từ hàng triệu năm trước, tạo thành cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có nhiều hang động và môi trường sinh thái hấp dẫn. Khu vực núi Nhẫm Dương đã được người xưa ca ngợi là “danh lam cổ tích”, ngày nay có thể phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Căn cứ vào giá trị của di tích, UBND tỉnh đã quyết định khoanh vùng 34,23ha diện tích núi có nhiều hang động và chùa Nhẫm Dương.

Từ sau khi được xếp hạng, Ban quản lý di tích của xã được thành lập, việc bảo vệ và phát huy tác dụng của di tích được tăng cường. Đặc biệt, vai trò của nhà sư trụ trì có ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục, tôn tạo và bảo vệ di tích. Trong những năm tới, di tích từng bước được qui hoạch, bảo tồn và phát huy tác dụng, góp phần tích cực giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Du lịch, GO! - Theo Báo Hải Dương, ảnh sưu tầm