Những khoản kinh phí chi cho cuộc bình chọn vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới vẫn chưa được công bố.

Hơn 24 triệu tin nhắn cùng các bình chọn trên internet đã giúp vịnh Hạ Long có tên trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới theo kết quả kiểm phiếu ban đầu của Tổ chức New Open World.

UNESCO không hợp tác

Sau khi có kết quả bình chọn, một lần nữa, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khẳng định rằng danh sách 7 kỳ quan thế giới mới là kết quả của một dự án cá nhân. Trên website chính thức của mình, UNESCO khẳng định đã được mời để hỗ trợ dự án của New7Wonders nhiều lần, nhưng tổ chức này quyết định không hợp tác với ông Bernard Weber, người sáng lập và điều hành New Open World từ năm 2001.

UNESCO nhấn mạnh dự án này, về cả tầm quan trọng và ý nghĩa bền vững, không thể đóng góp vào việc bảo tồn các địa danh sau khi được bình chọn.

Về phản ứng của UNESCO, ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Văn hóa - Thể thao và Du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng mỗi cuộc chơi cần tiếp cận theo một vấn đề. UNESCO tiếp cận theo hướng khoa học, còn cách Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa làm là tiếp cận theo hướng quảng bá sức lan tỏa và kêu gọi sự biết đến và ủng hộ của cộng đồng. Theo ông Hoàng, dù có được bầu chọn hay không, vịnh Hạ Long vẫn đẹp và vẫn xứng đáng là kỳ quan theo bất cứ tiêu chí gì.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng giá trị khoa học, địa chất, địa mạo của vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận 2 lần rồi, còn cuộc chơi này là cơ hội để chúng ta quảng bá tên tuổi của vịnh Hạ Long càng rộng, càng xa càng tốt. Chúng tôi muốn xem khả năng chúng ta thuyết phục cộng đồng quốc tế, cách chúng ta truyền thông điệp hiệu quả thế nào. Bạn muốn đến du lịch một nơi có giá trị khoa học cao hay đơn giản chỉ là một nơi bạn nghe người ta nói rất nhiều, được thấy rất nhiều ảnh đẹp và bạn bè bàn tán xôn xao?” - ông Hoàng nói.

Kinh phí - chuyện “nhạy cảm”

Theo thông tin từ lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra trong một cuộc trao đổi với báo chí, có thể ước tính số tiền mà New Open World thu được từ các tin nhắn sau cuộc bầu chọn khoảng 7,5 tỉ đồng. Về số tiền này, ông Trần Nhất Hoàng cho rằng có ý tưởng và vận hành được một cuộc chơi toàn cầu, nhà tổ chức cũng phải có chi phí và việc thu phí là điều dễ hiểu nếu nằm trong khả năng cho phép.

Trong khi không ít người có suy nghĩ rằng cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới là cuộc bầu chọn tốn kém tiền của, công sức không tương xứng với những gì thu được thì đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại khẳng định việc tham gia chiến dịch này được tiếp cận theo mục tiêu quảng bá và chúng ta đã đạt được hiệu quả ấy.

Theo ông Trần Nhất Hoàng, có thể dùng nhiều kênh để quảng bá xây dựng thương hiệu điểm đến quốc gia và đây là một trong số đó. Ông Hoàng cho rằng dù không có hoạt động bầu chọn vịnh Hạ Long thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn chủ trì, tổ chức nhiều hoạt động công chúng theo đặc thù của ngành. Hằng năm, vẫn sẽ có hàng chục lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam, Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, hàng chục hội chợ du lịch lớn nhỏ… “Có cuộc bầu chọn, chỉ khác là mọi người sẽ có thêm một điểm nhấn, thêm một thông điệp, đeo thêm một huy hiệu có hình vịnh Hạ Long và nói “hãy ủng hộ vịnh Hạ Long”. Tất cả hoạt động này được các đơn vị thuộc bộ tham gia với thuận lợi của ngành, không tốn kém” - ông Hoàng cho biết.

Khi trả lời báo chí, ông Trần Nhất Hoàng khẳng định trong suốt 4 năm qua, New Open World không yêu cầu Việt Nam chi trả bất cứ khoản nào. Tuy nhiên, tài chính luôn là một vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, một đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuy hứa sẽ trả lời các câu hỏi về tài chính liên quan đến Việt Nam như các loại phí tính cho việc sử dụng thương hiệu New7Wonders, kinh phí cho chuyến thăm Việt Nam của ông Bernard Weber, tổng chi phí cho chiến dịch vận động 4 năm... nhưng sau đó lại từ chối trả lời vì “nhạy cảm”. Khoản tiền phải nộp cho New Open World để tổ chức lễ đón nhận danh hiệu kỳ quan thiên nhiên mới cũng được giữ kín. Một đại diện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết khi việc đối soát hoàn tất và có kế hoạch về lễ đón nhận thì mới nói đến vấn đề kinh phí.

Rút vì những khoản tiền lớn

Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu tạm thời được công bố, báo chí thế giới liên tiếp đưa nhiều thông tin liên quan đến tài chính trong việc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới khiến nhiều nước rút khỏi cuộc bình chọn.

Hồi tháng 5 - 2011, Bộ trưởng Du lịch Maldives tuyên bố rút khỏi cuộc đua bởi những yêu cầu bất ngờ về những khoản tiền lên đến hàng triệu USD của các nhà tổ chức. Tháng

8 -2011, Chính phủ Indonesia, đại diện cho công viên quốc gia trên đảo Komodo, cũng rút lui vì nhà tổ chức đòi 10 triệu USD cho tiền bản quyền và 47 triệu USD để tổ chức lễ kết thúc chương trình.

Tuy nhiên, dù tuyên bố rút lui, hai nước này vẫn có tên trong cuộc bình chọn và phía New7Wonders Foundation bác bỏ việc họ đòi phí để quảng bá. Công viên quốc gia Komodo của Indonesia cũng có tên trong danh sách tạm công bố của 7 kỳ quan thiên nhiên mới vào ngày 11-11 vừa qua.

Du lịch, GO! - Theo báo Nguoilaodong, ảnh internet