Mặc dù đã được chiêm ngưỡng chiếc trống to nhất Việt Nam từ lâu nhưng hôm nay tôi mới có dịp tìm về nơi làm nên chiếc trống đó - làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam.
< Căng mặt trống là một trong những khâu đòi hỏi độ chính xác cao để đảm bảo tiếng vang của trống.
Làng nằm dưới chân núi Đọi, một trong những ngọn núi có vị thế và cảnh đẹp ở Hà Nam. Hiện nay cả xã có 545 hộ thì có tới 550 người làm trống.
Hình ảnh hiện ra đầu tiên trong mắt khách thập phương khi tới làng là những chiếc trống khá to được đặt ở trước cửa các ngôi nhà, rồi tiếng máy bào, máy xẻ chạy ầm ầm.
< Tinh xảo trên từng chi tiết của sản phẩm.
“Sáng bánh dày chè kho, chiều làng thi làm trống”
Theo con đường đổ bê tông vòng quanh giếng làng, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Bục (70 tuổi) hiện đang trông coi Từ Đình làng Đọi Tam để tìm hiểu về nghề làm trống của làng.
Trong gian nhà nhỏ nằm bên phải đình, treo đầy bằng chứng nhận, tranh ảnh lễ hội của làng trống, ông tự hào kể cho chúng tôi những chuyện từ xa xưa.
< Hộ gia đình ông Phạm Văn Huỳnh (phải) luôn được biết đến với những chiếc trống to kỷ lục do nhiều tổ chức cá nhân đặt làm.
Nghề làm trống ở Đọi Tam đã có từ lâu đời (trên 1.000 năm), ông tổ của làng này tương truyền là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Truyền thuyết kể lại rằng năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em họ đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống cất lên rền vang như tiếng sấm nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.
Làng trống có tục lệ cha truyền con nối, nhưng lại chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái, con rể. Nếu nhà nào vi phạm quy định thì sẽ bị đuổi khỏi làng hoặc là chịu lời nguyền sẽ không buôn bán được nữa. Chính vì lẽ đó, con trai trong làng biết làm trống từ hồi 12, 13 tuổi.
Khi đến 14,15 tuổi thì đã theo cha rong ruổi đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ cho tới miền núi và vào trong miền Trung, Tây Nguyên làm trống. Nếu thấy chàng trai nào trên vai đeo bọc da trâu và chão thì biết ngay là người làng Đọi Tam. Họ đến làng nào có trống hỏng thì sẽ bưng lại mặt, làng nào muốn có trống mới thì họ sẽ trực tiếp làm.
< Da trâu được làm sạch và phơi khô.
Để tạo ra được một chiếc trống hoàn chỉnh, người dân làng Đọi Tam phải trải qua 3 công đoạn chính: Làm da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm bằng da trâu. Da trâu được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô.
Tang trống được làm bằng gỗ mít khô, xẻ cong. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm. Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau, tạo thành trống kín, khít, tròn. Dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh.
< Ghép tang trống - khâu quan trọng trong công đoạn làm thành chiếc trống.
Bưng trống là việc khó nhất. Không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh bằng vâu hoặc tre đóng cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống có tai thính để thẩm định tiếng trống ăn vào nốt nhạc nào trong dàn trống.
Ra khỏi đình làng, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ con nô đùa trên bờ ruộng. Vừa chạy chúng vừa ngâm nga: “Sáng bánh dày chè kho, chiều làng thi làm trống”. Ông Bục cho biết trẻ con ở làng, ngay từ khi lên 5 tuôi đã được giáo dục về truyền thống, niềm tự hào của làng để luôn luôn ghi nhớ và phấn đấu.
Làng trống ngày mới
< Hầu hết các hộ gia đình làm trống đều sử dụng máy để cắt tang trống.
Về Đọi Tam hôm nay, đường làng đã được đổ bê tông. Đình làng đang được trùng tu lại. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên thay thế nhà tranh vách đất. Đời sống người dân đang được nâng lên nhờ làm trống.
Ông Đinh Văn Lương - trưởng thôn Đọi Tam hồ hởi cho biết: “Từ sau khi Nhà nước có chính sách cấm đốt pháo, làng trống Đọi Tam phát triển mạnh hẳn lên, với quy mô sản xuất lớn mang tính chất chuyên môn hóa. Cả làng có 14 cơ sở sản xuất khung trống, 13 cơ sở sản xuất da trâu. Trên 10 cơ sở làm hoàn chỉnh trống.
< Tỉ mỉ trên từng chi tiết của chiếc trống cơm.
Trẻ con ở làng này, 10 tuổi đã biết giúp đỡ gia đình và biết sơ lược về cách làm trống. Làng đã làm rất nhiều loại trống: Trống đế chèo, trống đình, trống trường học… với đường kính từ 20cm cho tới 2m. Ngoài ra, dựa trên công nghệ làm trống, các cơ sở sản xuất còn làm bình rượu và bồn tắm bằng gỗ. Thu nhập của người làm ở các xưởng sản xuất đạt từ 1.000.000 đến 1.500.000 đ/tháng”.
Làng trống Đọi Tam đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống Tiểu thủ công Hà Nam tháng 10-2004. Tháng 11-2007, làng trống Đọi Sơn được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Đây là sự cố gắng nỗ lực của chính quyền cơ sở và người dân làng nghề.
< Một lô hàng mới được hoàn thành chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ.
Vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, làng trống Đọi Tam đã làm chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam, hiện đang đặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám với đường kính mặt trống là 2,01m; chiều cao 2,65m; thể tích 10m3; diện tích xung quanh trống là 19,5m2. Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Lương cho biết, làng sẽ phấn đấu làm chiếc trống đạt kỷ lục thế giới với đường kính 2,3m và chiều cao 3m.
< Hiện nay, làng nghề còn mở rộng làm các loại bình nhỏ để rượu vang phục vụ trong ngày lễ tết và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh việc làm trống, làng Đọi Tam còn thành lập một đội trống gồm 60 người để đi phục vụ các lễ hội, các chương trình lớn ở các tỉnh.
Đội trống gồm có 12 cụ già khỏe mạnh, có kinh nghiệm; 48 cô gái đã có chồng. Mỗi người phụ trách một quả trống, trống cái to nhất đứng giữa gọi là trống sấm, hai cánh gà có hai trống nhỡ, và các trống con đứng xung quanh. Âm thanh của mỗi quả trống như một nốt nhạc trong cả dàn nhạc.
Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, ảnh Tuoitre
1 Comments
Thank you very much, Mr. Dung
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.