Quảng Nam có rất nhiều di tích thắng cảnh xứ thân thương và thơ mộng, nhưng cái tên mũi đá Bàn Than thì ít ai biết đến.

< Đá xếp chồng lên nhau đẹp như tranh vẽ.

Lời giới thiệu sơ khởi về Bàn Than của một ngư dân xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thu hút tôi ngay tức khắc. Và hành trình đến bãi đá Bàn được thực hiện ngay khi mặt trời chưa ló dạng.

Nhờ một ngư dân dẫn đường, tôi chọn cách đi xe máy qua miệt quê sông nước xứ Quảng với đò dọc đò ngang, biển trời trong xanh, bờ cát dài phẳng lặng, hoa muống biển dọc những bãi tắm xã Tam Tiến, Tam Hải… để đến địa danh lạ lẫm này.

< Bãi đá tạo thành nhiều hốc nước nhỏ.

Có cái sắc xanh đậm của khóm dừa lao xao trong gió, cái xanh ngút mắt của hàng dương chạy dài trên cát. Và cuối cùng là biển, phản chiếu màu trời trong xanh vời vợi như mời như gọi những bước chân lữ khách.

Gửi xe nhờ tại nhà dân ở cạnh bãi tắm xã Tam Hải, chúng tôi men theo đường đá ven biển để đến bãi Nồm của mũi đá.

Những con sóng bạc đầu theo gió biển thi thoảng lại vỗ vào bờ tung bọt trắng xóa, bắn cả lên người như đùa giỡn hân hoan chào đón lữ khách.

< Ông Đụn nhìn ra biển.

Mất khoảng 10 phút trên con đường đá đen kịt như than, lách qua những vách đá nhiều hình thù như xếp đặt và vượt qua rất nhiều vũng nước tự nhiên, chúng tôi mới đến được trung tâm bãi Nồm.
Đá, toàn đá với độc một màu than đen sáng lên trong nắng sớm mai. Những khối đá khổng lồ hình cá voi, cá mặt quỷ hay thủy quái… dạt vào bờ cứ dần hiện ra trước mắt.

Hỏi người dân về tuyệt tác thiên nhiên này, ai cũng đều trả lời: Không biết những khối đá này có từ thuở nào, chỉ biết khi sinh ra đã thấy chúng nằm liền kề núi Bàn Than, sừng sững trông mặt ra biển trời bao la.

Cái tên mũi đá cũng do ngư dân đặt từ việc khi đi tàu ngoài biển khơi trông vào bãi đá thấy những khối đá bàn khổng lồ có một màu đen tuyền như than nên người ta đặt là Bàn Than.

< Nhìn từ phía sau ông Đụn như con thủy quái hay cá mặt quỷ.

Giữa bao la biển trời mà ngồi đong đưa trên những khối đá phẳng lì ngắm ông Đụn bà Khe và mở toang lồng ngực hóng gió biển thì còn hạnh phúc nào hơn.

Khối đá ông Đụn, bà Khe được người dân ví như Linga và Yoni trong tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm. Sóng vẫn hát rì rào, biển vẫn gọi ngàn năm, ông Đụn bà Khe vẫn xếp chồng lên, quấn quýt nhau bên đời.

< Những hồ nước tự nhiên ở bãi Nồm.

Những hồ nước tự nhiên trong veo quanh khối đá ông Đụn bà Khe luôn sẵn chờ lữ khách tắm mát, ngắm chim biển. Vô số khe đá với nhiều hình thù ở bãi Nồm là điều kiện lý tưởng để chúng ta có những góc ảnh đẹp. Từ đây ta có thể thu được hình ảnh đẹp của hòn Thơm, cảnh Kỳ Hòa, Chu Lai và những con tàu no cá ngược xuôi.

Không thể đi thẳng ra đến bãi Bắc vì vách đá cao cheo leo nguy hiểm. Ngược lại vào xóm, chúng tôi tiếp tục khám phá bãi Bắc của mũi đá Bàn Than. Không như bãi Nồm với những khối đá dựng khổng lồ, bãi Bắc với vố số khối đá ong có hình rùa biển, hải cẩu tròn trùng trục nằm lẻ tẻ dọc bờ biển. Các bãi tắm nước biển trong xanh theo đó cũng hình thành và luôn sẵn chờ lữ khách ngâm mình.

< Đường dọc đến mũi đá Bàn Than.

Dọc bờ biển ở bãi Bắc có rất nhiều dứa núi, một loại trái cây có mùi thơm đặc biệt và chỉ có ở miền biển Quảng Nam. Bãi Bắc có những bãi cát trắng mịn màng, rộng thênh thang nên sáng nào ngư dân địa phương cũng đến đây tập thể dục, tắm biển. Những đêm trăng sáng, bãi Bắc sáng rực và là chốn hẹn hò lý tưởng cho những đôi trai gái quanh vùng.

“Bãi Nồm rực rỡ nhất lúc bình mình, bãi Bắc đẹp nhất khi hoàng hôn”, một ngư dân địa phương cho hay. Nghĩa là chúng tôi chưa khám phá hết vẻ đẹp của bãi Bắc nơi mũi đá Bàn Than.

Điều chưa thực hiện được này chắc chắn sẽ là động lực khiến tôi quay lại bãi đá kỳ bí một lần nữa. Và cũng vì về với mũi đá Bàn Than để tìm nắng trải, gió lượn, tìm lại chính mình trong sóng biển mênh mang.

Du lịch, GO! - Theo DulichVN