Sau những lúc mệt nhọc với sự chật chội của thành phố, bạn có thể giải toả sự căng thẳng bằng một cuộc khám phá Khánh Sơn – một huyện của người dân tộc Raglai.

Theo con đường tỉnh lộ 9 bắt đầu từ ngã ba Ba Ngòi hay còn được gọi là ngã ba Đồng Lác đến với Khánh Sơn phải trải qua đoạn đường dài 40km với những khúc khuỷu của núi đồi.

Hai bên đường là bạt ngàn đồng lúa xanh mơn mởn, hàng tre xanh thẳm, những rặng núi nhấp nhô ẩn hiện xa xa tạo cho chúng ta cảm giác thích thú được chinh phục. Ngay từ đỉnh đèo, chúng ta sẽ bao quát được hết vịnh Cam Ranh, tận hưởng khung cảnh thanh bình, yên ả của một vùng rừng núi chập chùng. Con đường tỉnh lộ nằm xuyên qua rừng xanh bạt ngàn, như đưa chúng ta đến với một thế giới cách xa với sự náo nhiệt chốn đô thị. Khi qua khỏi đỉnh đèo, hai bên đường là những ngôi nhà nhỏ xíu của cư dân Raglai.

Có những căn hộ chơ vơ một mình lại có khu họ quần cư lại thành một chỗ, nơi có con suối nhỏ chảy ngang qua. Hiện nay, họ không còn sinh sống trong những ngôi nhà sàn nhỏ của mình nữa, mà cư trú trong những ngôi nhà xi măng vững chắc do Nhà nước cho xây dựng để khuyến khích việc định canh định cư.

Người Raglai hiện nay không còn giữ được những nét riêng truyền thống của mình, có lẽ một phần do nơi cư trú của họ quá gần người Kinh. Bởi thế, sự giao thoa văn hoá làm cho họ mất đi bản sắc. Chỉ có thể nhận diện được họ qua làn da và chiếc gùi mang sau lưng. Dầu vậy, tại xã Ba Cụm Bắc còn lưu giữ được ngôi nhà sàn truyền thống của người Raglai, ngôi nhà có gần một trăm năm tuổi. Sườn nhà là những thân cây to, vững chắc. Mái nhà được làm bằng tranh. Vách, sàn nhà được lát bằng những thân cây tre đập dẹp. Ngày nay, với công cuộc giữ gìn bản sắc dân tộc, huyện Khánh Sơn đã cho xây dựng khoảng chín ngôi nhà dài truyền thống của người Raglai.

Khi gần đến thị trấn Tô Hạp, huyện lỵ của Khánh Sơn, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hiền hoà của một vùng quê chưa bị đô thị hoá, chưa bị những thói xấu của cuộc sống hiện đại làm cho biến dạng. Đâu đó bên sông Tô Hạp hay những con suối vẫn còn hình bóng những đứa trẻ nô đùa, thả mình trong dòng sông xanh mát, hình dáng của chị, của mẹ đang giặt quần áo.

Và dễ dàng nhận thấy nhất mà cũng làm cho chúng ta, những đứa con của đồng bằng thích thú có lẽ là những chiếc cầu treo bắc ngang qua con sông Tô Hạp, với đồng bào miền núi thì chiếc cầu treo nó thân thuộc như những cây cầu khỉ ở miền Tây sông nước vậy.

Từ thị trấn Tô Hạp của huyện Khánh Sơn, chỉ cần đi khoảng  8km có thể đến được với thác Tà Gụ, một địa điểm thắng cảnh khá nổi tiếng. Tại đây, thác nước đã tạo ra một cảnh quan hài hoà giữa non và nước. Những chiếc hồ với làn nước trong leo lẻo, cây cối um tùm, tiếng chim kêu sẽ làm cho chúng ta quên đi hết mọi phiền muộn, âu lo trong lòng. Chúng ta đắm mình trong dòng nước xanh, lặng nghe tiếng suối róc rách.

Chỉ cần bỏ khoảng 12 tiếng đồng hồ là chúng ta có thể khám phá hết Khánh Sơn, nơi mà du lịch chưa phát triển, chính quyền ở đây chưa đủ tài lực, tài chính để đầu tư cũng như kêu gọi để phát triển du lịch. Và biết đâu, cũng vì những điều này mà Khánh Sơn còn giữ cho mình được những nét hoang sơ chưa bị khai phá, chưa bị bàn tay con người làm cho biến dạng cả một vùng thiên nhiên hoang sơ và huyền bí.

Du lịch, GO! - Theo TCDL, ảnh sưu tầm

Du lịch Khánh Sơn (Khánh Hòa): Tiềm năng cần đánh thức

Khánh Sơn (Khánh Hòa) có điều kiện khí hậu được ví như “Đà Lạt thứ hai”, cùng với đó là nền văn hóa bản địa hấp dẫn, những danh thắng tự nhiên độc đáo, di tích lịch sử ý nghĩa… Tất cả những lợi thế trên khiến người ta nghĩ đến việc triển khai nền “công nghiệp không khói” ở huyện miền núi này. Tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn nếu được đánh thức đúng hướng thì việc hình thành một nền kinh tế du lịch nơi đây không phải là điều quá xa xôi.

Trong nhiều lần trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo huyện Khánh Sơn, điều trăn trở của các anh chính là làm thế nào để khơi dậy tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. “Làm du lịch ở Khánh Sơn - điều tưởng như xa vời nhưng lại rất thực tế. Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh thì việc khơi dậy tiềm năng du lịch chính là điều chúng tôi đang hướng tới”, ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ. Với đặc thù của một huyện miền núi nằm tách biệt với đồng bằng, giao thông đi lại khó khăn, đời sống cũng như trình độ dân trí còn thấp chính là rào cản trên con đường Khánh Sơn hướng tới nền kinh tế du lịch. Tuy nhiên, không vì thế mà Khánh Sơn “nhụt chí” bởi với những tiềm năng đầy mới lạ, hấp dẫn cho du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch khám phá… sẽ có một ngày những tiềm năng ấy sẽ thức giấc.

Từ TP. Cam Ranh, du khách ngược Tỉnh lộ 9 lên huyện Khánh Sơn. Sau khoảng hơn 30km, đặt chân đến đỉnh đèo, chúng ta đã cảm nhận thấy sự khác biệt của khí hậu nơi đây. Một bầu không khí mát lành, với sương mù vờn quanh đỉnh núi đẹp như một bức tranh thủy mặc. Trên đường đến thị trấn Tô Hạp, chúng ta dễ dàng bắt gặp những ruộng lúa nước, những thửa nếp rẫy với hạt đen như than mà đồng bào nơi đây gọi là “nếp quạ”, những nương bắp, những “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”…

Hai bên đường là những căn nhà nhỏ của đồng bào dân tộc Raglai với lối sinh hoạt giản dị, mộc mạc. Những em bé Raglai nước da ngăm đen, ánh mắt xoe tròn hồn nhiên được các bà mẹ địu trên lưng; những thiếu nữ Raglai với chiếc gùi trên lưng mải miết trỉa bắp, cắt lúa; những người già vô tư lự thả hồn mình theo khói thuốc lá như tìm về một miền ký ức xa xăm. Khám phá du lịch ở Khánh Sơn, địa điểm đầu tiên được nhiều người hướng tới chính là danh thắng thác Tà Gụ ở xã Sơn Hiệp.

Thác Tà Gụ còn có tên gọi là Thác Ngà Voi Đá Đứng bởi nó có hình dáng giống như chiếc ngà voi khổng lồ. Thác cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian đặc sắc của dân tộc Raglai. Ngọn thác đứng cắt dọc rừng xanh ngắt, thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh. Xung quanh khu vực thác Tà Gụ là cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng các loài động thực vật.

Đến thưởng lãm thác Tà Gụ, du khách còn có thể trải nghiệm để khám phá cuộc sống của người Raglai nơi đây. Những ruộng mía tím, những trang trại cây ăn trái với sầu riêng đã được công nhận thương hiệu độc quyền, măng cụt, chôm chôm, vú sữa… có hương vị độc đáo chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Thưởng thức một bữa ăn dân dã bên thác với cơm lam, thịt gà nấu trong ống lồ ô sẽ là một điều rất lý thú với nhiều người.

Đến với Khánh Sơn không chỉ có thác Tà Gụ mà còn có nhiều địa điểm hấp dẫn khác như thác Dốc Quy, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp…; đặc biệt là nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc. Đêm đêm, trong những ngôi nhà dài, bên ánh lửa bập bùng, trong hơi men rượu Tapai, người già kể sử thi Akhà Duka cho con cháu nghe. Nam thanh nữ tú cùng nắm tay nhau đung đưa trong âm thanh mã la vang vọng tưởng như không bao giờ dứt. Khúc hát A Lâu thiết tha, trữ tình xua tan đi cái mệt mỏi, vất vả của một ngày lao động cực nhọc trên rẫy.

Tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn đã rõ, nhưng đầu tư như thế nào để những tiềm năng đó phát huy hết giá trị là một bài toán khó đối với địa phương. Trước hết, huyện cần hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 9 để việc đi lại được thuận tiện. Tiếp đó, sớm xây dựng và ban hành Đề án phát triển du lịch - lễ hội trên địa bàn huyện, trong đó nêu rõ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như thế nào? những sản phẩm du lịch cụ thể Khánh Sơn cung cấp đến du khách là gì? giải pháp thu hút và lưu giữ du khách khi đến với Khánh Sơn…

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng địa phương, từ đó kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Mới đây, có thông tin một doanh nghiệp lớn đã nhìn thấy tiềm năng du lịch ở Khánh Sơn và quyết tâm cùng với huyện sẽ đầu tư khai thác những thế mạnh này. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với người dân Khánh Sơn cũng như với những ai yêu mến mảnh đất này.

Với một cái nhìn mang tính chiến lược, cùng những bước đi đúng hướng, trong một tương lai không xa, Khánh Sơn có thể trở thành điểm dừng lý tưởng trên hành trình du lịch ở vùng Tây Nam Khánh Hòa.

Du lịch, GO! - Theo báo Khánh Hòa, ảnh internet