- Sau khi chuyện khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) bị lên án và tẩy chay vì lối phục vụ “chặt chém” quá quắt khiến du khách bức xúc tột độ, rất nhiều người đi du lịch đã chia sẻ những câu chuyện bị “chặt chém”, “hành hạ” khó tin của mình ở các địa điểm du lịch khắp mọi miền đất nước.
Nhức nhối nhất: Đồ ăn, khách sạn
Như thấy mình trong câu chuyện này, các thành viên khác cũng ào ào tuôn ra những chuyện bức xúc mình từng gặp phải.
Có du khách cho biết còn bị “thịt” ở Sầm Sơn theo cách rất chi là bất ngờ, như kiểu đánh úp khách: “Biết là khu này hay chặt chém, chúng tôi đã mặc cả rất kỹ giá của từng món ăn rồi ghi ra giấy, bắt chủ quán ký vào, sau đó mới ngồi xuống ghế.
Ăn uống xong đứng dậy thanh toán, cả hội gần chục người choáng nặng khi em nhân viên cho biết nhà hàng thu thêm 20.000 đồng tiền ghế ngồi/khách; 20.000 đồng tiền gia vị, chanh ớt cho cả nhóm; 100.000 đồng tiền phục vụ; 50.000 đồng tiền vệ sinh, dọn dẹp rác rưởi, vv… Chúng tôi đôi co một hồi thì họ bảo quy định ở đây là thế. Vì không muốn lằng nhằng, cãi nhau mất vui, chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán, trong lòng bức xúc khôn tả”.
Một khách du lịch đi Sầm Sơn bức xúc thuật lại: “Tôi đặt 2 triệu để chắc chắn là có phòng, với giá phòng toàn 500.000 đồng, cao gấp đôi giá ở Hà Nội. Đến sát ngày đi, khách sạn gọi điện hỏi đoàn chúng tôi ăn gì nhưng cả đoàn đã thống nhất sẽ ăn tự do, đến nơi thấy gì ngon, thích thì ăn. Chủ khách sạn cho biết quy định của là đã thuê phòng là phải ăn đồ ăn của khách sạn.
Thấy quy định quá vô lý, chúng tôi không đồng ý thì bà ấy cho biết sẽ không cho thuê nữa vì như thế là không tuân thủ quy định khách sạn. Cuối cùng vì đã quá sát ngày nên tất cả muối mặt chịu đựng, nếu không thì không còn chỗ mà ở”.
Từ các địa điểm du lịch nổi tiếng ở như Hạ Long, Cát Bà, Chùa Hương, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu đến các khu vực nổi tiếng “vừa vừa” trong cả nước đều từng khiến du khách hoảng hốt vì mức độ 'chặt chém', nhất là vào cao điểm mùa du lịch, và đặc biệt xảy ra nhiều ở các khu du lịch miền Bắc và miền Trung.
Một du khách từng đi Vũng Tàu khốn khổ kể lại: “Vợ chồng tôi đặt phòng trước rồi, 900.000 đồng/đêm. Cả hai hí hửng đến thì khách sạn thông báo không còn phòng vì có người gọi hủy phòng. Vợ chồng tôi cãi nhau với chủ khách sạn thì họ không những không giải thích mà đuổi ra luôn. Trời thì mưa, cả hai phải vật vờ đi tìm khách sạn, nhớ lại vẫn không thể nào chấp nhận nổi cách phục vụ như thế”.
Chưa kể sau đó, hai vợ chồng du khách này chỉ ăn “cơm bình dân” với các món bình thường như cơm trắng, tôm nhỏ (4 con), canh rau nhưng bị “móc ví” mất 800 ngàn!
Nhiều khách du lịch đi chơi cuối cùng mua thêm cái bực vào thân vì khách sạn quảng cáo là 3 sao, giá cũng 3 sao nhưng thực tế thì chất lượng chưa nổi 1 sao!
Tại Đà Lạt, có không ít người mếu máo cho biết mình mất hết cả tiền bạc, nữ trang, mỹ phẩm xịn chỉ vì gửi chìa khóa cho lễ tân.
Đến khi phát hiện thì không thể nào chứng minh được là khách sạn lấy, vì quy định của khách sạn là khách phải gửi các đồ có giá trị, mất là họ không chịu trách nhiệm!
Những “quái chiêu” khiến khách phát hoảng
Khốn đốn nhất là những dịch vụ 'quái chiêu' khiến du khách phát ốm. Trên các diễn đàn, nhiều người đọc những câu chuyện du khách bị “chăn” xong mà không thể nhịn nổi cười, đặc biệt là chuyện thuê ngựa để chụp ảnh, thuê ngựa để cưỡi thử ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Một du khách thuật lại: “Tôi đưa con gái và vợ đi Sầm Sơn, con gái thấy ngựa đẹp nên cứ đòi xem. Y như rằng một thanh niên mời chào chụp ảnh, giá 20 ngàn đồng/bức. Thế là chụp xong 2 kiểu, tay thanh niên vỗ vào mông con ngựa khiến nó lồng lên làm vợ chồng tôi hốt hoảng.
Khi dừng lại nó đòi 120 ngàn cho 6 kiểu, vì trong lúc ngựa phi, nó đã chụp thêm 4 kiểu! Không trả là không xong với nó”.
Cũng liên quan đến con ngựa, có du khách cay đắng móc ví, muốn khóc mà không khóc được vì tức. Khi cả đoàn du lịch đi ra hòn Trống Mái chơi, một thanh niên ngỏ ý mời một phụ nữ trong đoàn cưỡi ngựa thử với giá 5 ngàn đồng. Hí hửng trèo lên và chạy một đoạn rồi xuống ngựa, cậu ta hét “500 ngàn” với lý do 5 ngàn tính cho 1 bước chân ngựa, còn chạy vài vòng như thế phải trên 100 bước, tính 500 ngàn là còn rẻ (!?) Cãi nhau một hồi, cuối cùng người phụ nữ vẫn phải ngậm đắng rút ví 300 ngàn đồng trả cho kẻ “ăn cướp” trắng trợn.
Chưa hết, hiện nay ở các khu du lịch cứ ra đến cửa là có “ma cô”, “cò mồi”. Vì thế, đã có không ít bậc phụ huynh khốn đốn vì chúng toàn lừa dắt trẻ con ra chỗ kín cho ăn kẹo, trong khi đó một kẻ khác sẽ chạy ra thông báo cho bố mẹ chúng biết là lũ trẻ đang ở đâu.
Sau đó, hai “kẻ cướp” đường hoàng “xin được bồi dưỡng”, ít nhất cũng phải 200 ngàn đồng!
Một địa danh du lịch nổi tiếng là Đà Lạt cũng không ít lần khiến du khách xanh mặt. Một thành viên trên webtretho từng đi du lịch ở đây kể lại: “Lúc cả nhà đi thăm thắng cảnh có một thợ ảnh cứ bám theo dỗ ngọt. Mới đầu đi chơi thì bảo cứ chụp rửa ra cái nào đẹp mới lấy tiền, sau đó thì cứ theo khách suốt cả ngày chụp ảnh các nơi cho tới khi khách về khách sạn.
Rồi hắn bảo cái nào đẹp sẽ phóng to cỡ của tờ giấy A4, tôi không đồng ý nhưng cứ làm. Tối đến khách sạn thông báo tiền chụp ảnh gần 4 triệu cho cả ngày đi chơi bao gồm cả ảnh nhỏ và ảnh to. Thật quá đáng hết mức”.
Anh Văn Hùng ở Hà Nội từng đi du lịch tại Sầm Sơn thuật lại câu chuyện khá bức xúc. Nhóm bạn 4 người của anh đi du lịch ở đây, biết là sẽ bị 'chặt chém' không thương tiếc nên đã mặc cả trước với mọi thứ. Đến ngày cuối, cả nhóm hý hửng vì mình quá kinh nghiệm, không bị 'chém' gì.
Để 'tổng kết' thành tích này, nhóm đã đi hát karaoke ở ngay gần bãi biển. Trước khi vào hát, chủ quán đòi 500 ngàn cho 1 giờ hát, nhóm mặc cả xuống được 200 nghìn 1/giờ. Sau khi hát xong 1 giờ, đến lúc thanh toán tiền, chủ quán đòi 800 nghìn đồng.
Cả nhóm ngớ người ra thanh minh là đã mặc cả từ đầu là 200 nghìn, nhưng chủ quán lúc này 'mặt lạnh như tiền' tuyên bố xanh rờn: 200 nghìn là 1 người, 800 nghìn là 4 người!
Còn tiếp > Bài 2: Đi du lịch ở Việt Nam: Bỏ tiền để bị hành xác
Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet------------
Điền Gia Dũng: Các sự việc kể trên rất có thể xẩy ra khi đi du lịch trong dịp lễ tết, cao điểm hè hoặc cuối tuần. Tuy nhiên không phải chổ nào cũng như vậy. Do đó: tựa đề của bài thứ 2 "Đi du lịch ở Việt Nam: Bỏ tiền để bị hành xác" theo mình thì không thể chấp nhận được. Đó là một cách luận tội theo kiểu "vơ đũa cả nắm" chứ không có tính cách góp ý xây dựng, nói theo cách này là "giết" du lịch Việt Nam mất rồi.
.
Có những nguyên nhân khiến ta thường thấy trên báo chí hay các diễn đàn phê phán nhất là tại các điểm nóng như Sầm Sơn, Vũng Tàu, Nha Trang... là do:
.
- Địa phương thiếu cương quyết trong việc kiểm tra, xử lý các khiếu nại của khách du lịch.
- Khách du lịch thường đi vào dịp lễ tết, cuối tuần... khiến những nơi này quá tải.
- Nhiều khách du lịch dễ dàng chấp nhận sự chặc chém mà không nhờ đến CA địa phương giải quyết.
- Sự nhận thức về tương lai của một số người làm du lịch, kinh doanh buôn bán tại nơi đó quá kém - Thiếu tầm nhìn xa, lại thích theo cung cách "ăn xổi ở thì".
Và nhiều nguyên nhân khác
.
Mình và bà xã đi rất nhiều nơi, du lịch theo dạng tự tổ chức (Nói nôm na theo giới trẻ ngày nay là "phượt" hay du lịch bụi) nhưng chuyện "chặt chém" chưa từng gặp ngoại trừ một vài trường hợp bị tính hơi mắc một tý, một tý thôi. Có những chuyến hai vợ chồng mình đi cả tuần tại Bình Tiên nhưng tổng chi phí từ tiền xe khách, tiền phòng, tiền ăn và tiêu vặt chưa hết 2 triệu rưỡi - Năm ngày ở xứ biển Tuy Hòa tốn kém tròn 2 triệu... v.v.
.
Ít tốn kém, chưa từng phải trả những khoản tiền "trời ơi" như bài viết nêu trên thì đương nhiên đó là những chuyến đi tuyệt vời. Vậy nếu nhìn cảnh bị chặt chém theo bài viết "Chiêu chặt chém du khách có một không hai" thì có lẽ phiến diện quá vì tôi nghĩ có nơi này, nơi khác chứ.
.
Theo tôi nghĩ: cách để tránh gặp cảnh chặt chém giúp thay đổi cách nhìn về du lịch Việt Nam thì:
- Các địa phương có nhiều khách du lịch cần kiểm tra, quản lý và xử lý thích đáng những người kinh doanh theo kiểu "giết du lịch". Cần phổ biến số điện thoại nóng của công an phường ở mọi địa điểm kinh doanh (nhiều người không phải trả tiền giá trời ơi khi điện thoại gọi số 113).
- Thiên nhiên mất hàng triệu năm để tạo ra một bải biển đẹp, người địa phương chỉ mất vài tháng để kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì là xem như hàng trăm ngàn người khác sẽ gọi địa phương ấy kèm với câu "xứ chặt chém, cẩn thận" - chết cả danh!
- Tránh dịp lễ lạc, cuối tuần... nếu có thể. Nếu phải du lịch trong những lúc này thì cần chọn những nơi không quá náo nhiệt, những chốn ít người biết đến hơn (Nên nhớ là VN có trên 3000km bờ biển) . Thật khó có chuyện vui khi bãi biển đông kịt người - Du lịch thường do người ta muốn tránh xa cái ồn ào của phố thị tìm nơi xã stress, thư giãn... nhưng đầy người, dầy sự bức bối như trên thì du lịch làm gì nhỉ?
.
Một vài ý kiến nhỏ xin góp ý, mong rằng người ta đừng giết nền du lịch còn non kém của VN.
.
Du lịch, GO!
2 Comments
Đi du lịch kiểu 'hành xác'
Trả lờiXóaNgoài chuyện đến nơi rồi bị “chặt chém” không thương tiếc, rất nhiều du khách đã phải khóc dở mếu dở vì cách làm thiếu chuyên nghiệp, “mang con bỏ chợ” của các công ty lữ hành. Không ít người đã gói gọn hành trình “nghỉ ngơi, thư giãn” của mình trong hai từ: “Hành xác!”
Mặc dù, không phải công ty du lịch nào ở VN cũng hành xử với khách theo cách này, tuy nhiên, tình trạng trên khiến nhiều du khách quá xúc. Hơn nữa, tình trạng này nếu không được các cơ quan chức năng xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch nói chung.
“Mang con bỏ chợ”
Một du khách từng đi du lịch Hạ Long – Cát Bà với cái giá khá “chát”: 7 triệu/2 người/3 đêm 4 ngày. Nhưng kể từ khi đặt chân xuống Hạ Long đến khi bước chân về Hà Nội, cặp vợ chồng này bị “hành” đủ kiểu, chủ yếu bởi những lời cam kết không đúng sự thật, hướng dẫn viên không nhiệt tình và chuyện đổi lịch trình xoành xoạch của công ty lữ hành!
Đầu tiên là chuyện vừa xuống xe, cậu hướng dẫn viên đã đưa 320.000 cho hai vợ chồng và bảo “bên công ty du lịch không kịp lo chỗ ăn trưa và ăn tối cho khách nên anh chị cầm số tiền này để tự lo chuyện ăn uống trong ngày!”
Chưa hết sốc lần 1 thì cặp du khách gặp ngay cú sốc thứ 2! Trong hợp đồng, công ty lữ hành cam kết khách sẽ ở khách sạn 2-3 sao nhưng thực tế khách sạn không khác gì nhà nghỉ bình dân ở Hà Nội.
“Khách đến không có tiếp tân giúp đỡ, phòng ẩm mốc, kín mít, bí như cái hộp. Vui nhất là điều hòa bị hỏng!”, vị khách này kể.
Cuối cùng, sau một hồi tranh đấu, cả hai vợ chồng nhận được một phòng khác hướng ra biển. Nỗi bực tức dịu xuống vì cả hai không muốn mất một chuyến đi vui vẻ.
Đến ngày thứ 2, cuộc du ngoạn bắt đầu không suôn sẻ do tàu mà công ty du lịch thuê không đủ chỗ cho cả đoàn. Cuối cùng, cặp vợ chồng này cùng vài khách khác bất đắc dĩ bị chuyển sang tàu khác đi nhờ, thực chất là “bán” giữa đường.
Quá bức xúc, chị vợ gọi về công ty lữ hành để phản đối. Sau vài phút lời qua tiếng lại, người nghe điện thoại dập máy, chẳng thèm nói một lời xin lỗi hoặc có một câu giải thích. Hai vợ chồng tím mặt đi theo đoàn khác, bởi chẳng nhẽ là bỏ giữa chừng và chịu mất tiền?
Cuộc vui trở nên mất hết hứng thú. Đến khi trở về, công ty chẳng buồn lo xe cho khách, để khách tự đi taxi về khách sạn! Đến ngày cuối cùng, vì bị “bán” cho đoàn khác nên hai vị du khách khốn khổ này phải chịu đói vì không biết ăn uống thế nào. Đến khi gặp được cậu hướng dẫn viên của công ty ban đầu, cậu này hồn nhiên hỏi: “Ơ, thế anh chị chưa ăn cơm trưa à?!”
“Cuối cùng thì tôi cũng được trở về Hà Nội, thoát khỏi kiếp nạn hành xác 3 ngày ở Hạ Long – Cát Bà. Tôi không tưởng tượng nổi mình bỏ tiền ra đi chơi nhưng thứ nhận lại là sự mệt mỏi, bức xúc tột độ. Công ty không hề đặt tàu trước, tự ý thay đổi lịch trình, làm ăn không chuyên nghiệp”, vị khách xấu số chốt lại.
Câu chuyện của vị khách này đã “khơi mào” cho hàng loạt bức xúc của du khách. Có những du khách đi Hạ Long, nhận phòng rồi nhưng khách sạn cứ đều như vắt chanh cắt điện từ 8h sáng, với hàm ý “đuổi khách” ra ngoài.
Thắc mắc thì khách sạn toàn tỉnh bơ: Đang sửa hệ thống, hoặc bị mất điện cục bộ, vv… “Toàn lý do “khách quan và chính đáng” cả, thật khổ hết mức”, các thành viên trên box du lịch của diễn đàn ttvnol và webtretho đúc kết.
Quảng cáo 10, làm 1
Trả lờiXóaĐiều đáng nói là đây không phải trường hợp cá biệt. Có rất nhiều du khách đi đến nhiều địa danh du lịch khắp cả nước cũng đã bị “bán” giữa chừng hoặc sử dụng những dịch vụ kém chất lượng, khác hẳn những gì công ty quảng cáo trước đó.
Một hành khách từ TP.HCM đi Nha Trang cho biết đã bị công ty lữ hành tự ý “cắt” gần hết các dịch vụ như tắm bùn, thăm quan các đảo bằng cách cố ý mua vé tàu “hạng bét” khiến thời gian đi lại kéo dài. Khi khách phản đối vì đã bỏ tiền đã mua gói dịch vụ tốt, đơn vị lữ hành nhai lại “điệp khúc”: “Xin quý khách thông cảm, do đây đang là cao điểm của mùa du lịch nên công ty không thể mua được vé hạng A!”.
“Nghe xong không buồn nói nữa, vì có phải năm thì mười họa họ mới có một tour đâu? Giải thích kiểu ấy không lọt tai nổi nhưng chẳng nhẽ lại không lên tàu?”, du khách này kể lể “kỷ niệm” của mình với các thành viên trên diễn đàn webtretho.
Cũng tương tự như cặp vợ chồng đi Hạ Long – Cát Bà ở trên, đoàn du khách này khi đến Nha Trang đã chịu cảnh khốn khổ vì toàn ở khách sạn xa, không phải 3 sao như cam kết. Và y như rằng, công ty du lịch lại đưa ra lời giải thích không có lấy 1g trọng lượng: “Vì quá đông nên quý khách thông cảm!”.
Chưa hết, thay vì ăn uống hải sản với thực đơn hấp dẫn thì thực tế, du khách phải ăn trong các nhà hàng xa trung tâm, chủ yếu là các món ăn giá rẻ. “Công ty ăn bớt đủ đường. Cùng mức tiền trong hợp đồng, chúng tôi có thể đã có những bữa ăn tốt hơn thế. Nhưng khổ nhất là có phản đối kiểu gì thì họ vẫn “lễ phép” một cách giả tạo khiến chúng tôi muốn phát điên”, vị du khách thuật lại.
Tương tự, một du khách đi du lịch miền Tây kể trên webtretho rằng chị cùng cả đoàn đã bị xe khách “bán” giữa đường mà hoàn toàn không biết. “Hóa ra, công ty đó không có xe chở khách riêng mà phải thuê xe của công ty khác. Đến đoạn xe này rẽ vào đường khác, nó lại bán chúng tôi sang một xe khách nữa, thật bức xúc không chịu nổi”. Khốn khổ nhất là mỗi lần đợi xe, chuyển xe, cả đoàn phải vật vạ mất cả tiếng đồng hồ.
------
Doanh nghiệp du lịch chỉ biết móc túi khách hàng?
"Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam làm ăn manh mún.
Họ chưa phối hợp lại với nhau, chưa cùng nhau làm du lịch. Mỗi doanh nghiệp hình như chỉ nghĩ đến việc của mình, tìm cách móc túi khách hàng mà chưa có tầm nhìn, chưa nghĩ đến việc làm ăn lâu dài.
Khách đến với 1 điểm du lịch mà không có dịch vụ tổng thể sao níu chân họ quay lại!"
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books (Báo điện tử Tamnhin.net)
---------
Bó tay với những chiêu lật lọng
Có những du khách đã đặt cọc, ấn định thời gian đi, điểm đến và thu xếp thời gian xong xuôi. Đùng một cái, công ty du lịch báo lại: Hoặc là đi địa điểm khác, hoặc là đi thời gian khác vì công ty không tìm đủ khách để ghép đoàn!
Vi khách này giãy nảy lên, không đồng ý vì không thể thu xếp lại thời gian, đồng thời không thích đi địa điểm khác. Vì thế, chị đòi trả lại tiền đặt cọc. Nhưng công ty lữ hành khăng khăng không đồng ý, vì đây là lý do khách quan chứ không phải công ty muốn vậy!
“Cuối cùng tôi không làm gì được, làm lớn chuyện lên, đi lại, gọi điện bao nhiêu lần mà họ không trả lại, một lời xin lỗi cũng không có. Tôi coi như đó là “tiền ngu” vì sau khi đặt cọc tôi chủ quan, làm mất giấy tờ. Rút kinh nghiệm, tôi sẽ cạch mặt công ty này, từ giờ đi tour ở đâu tôi sẽ tìm các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn uy tín”, vị khách nói.
Theo Vietnamnet
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.