Vườn quốc gia Xuân Thủy đây rồi, tấm biển “Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng” hiện ra trước mắt chúng tôi.
Chiều muộn, từng đàn chim bay về tổ . Hàng trăm tiếng kêu của các loài chim tạo thành một sóng âm lớn khiến Xuân Thủy như trung tâm của bản hòa tấu có một không hai...

Gặp những “kẻ” tạo nên bức tranh sơn thủy

Chỉ kịp rút chìa khóa ra khỏi xe máy, chúng tôi bước thật nhanh về hướng nơi có nhiều chim nhất mà chân chẳng hề nhìn đường. Bất chợt Tuấn- người bạn tôi- giơ tay lên miệng ra hiệu rồi đưa tay chỉ về những rặng sú nhỏ gần sát chúng tôi. Một đàn cò lạo Ấn Độ (loài cò lớn gấp 5 lần cò bợ) đang “tâm sự” gần đó, khẽ rón rén cúi thấp người sau những búi cây.

Tiếp tục đi sâu vào khu vực Cồn Lu, chúng tôi phải quấn ống quần cao hơn một chút những khi lội xuống bùn. Bỗng dưới chân tôi nhói đau, nhìn xuống dưới thì...suốt từ này chúng tôi đã vô tình phá vỡ cơ man nào những “ngôi nhà” của Cáy. “Ngôi nhà” của những sinh vật họ hàng nhà Cua này nằm chi chít dưới mặt bùn, loài Cáy đào hang tròn nhỏ bằng đầu ngón chân – chúng chạy rất nhanh vào hang mang trên mình những gam màu sặc sỡ và chiếc càng to không được cân đối cho lắm với thân hình.

Men theo những triền đê chắn sóng, chúng tôi bắt gặp vài chiếc thuyền nan nhỏ của ngư dân bỏ lại. Những chiếc thuyền với khung cảnh ở đây làm cho chúng tôi có cảm giác như đang đi khảo cổ: những con hà nhỏ bé với chiếc vỏ sắc lẹm bám chi chít chiếc thuyền sần sùi. Gió biển se lạnh thổi vào đất liền đã buộc chúng tôi phải quay trở lại, lúc này ở trên những rặng sú, chúng tôi chỉ nghe được tiếng kêu của các loài chim...

Mênh mang sông Vọp

Đi bằng xe máy từ Hà Nội xuống với quãng đường gần 150km rồi lại lăn lê bò toài chụp ảnh khiến chúng tôi thấm mệt. Anh Dũng – cán bộ vườn Quốc gia động viên, có những đoàn khách nước ngoài cũng lăn lê như các anh mấy ngày khi quan sát được mọi động thực vật nơi đây thì sung sướng. Nhưng cũng không bằng mấy tay “phượt”, các bác ấy say lắm – có lần đi về tôi không nhận ra nữa quần áo mặt mũi thì bê bết bùn đất, giày dép dưới chân thì cái mất cái còn...

“Bản hòa tấu” ríu rít báo chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ. Trời hơi mù và mưa nhỏ khiến chúng tôi lo ngại cho chất lượng ảnh cùng đồ nghề. Nhờ Dũng liên hệ với một bác ngư dân, chúng tôi lên chiếc thuyền nhỏ để đi sâu vào khu vực nước ngặp mặn sâu hơn.

Lân la hỏi chuyện, chúng tôi được biết ở trong khu vực vườn Quốc gia có một số ít hộ dân sống ở đây - họ chủ yếu sinh sống bằng nghề mót ngao, câu mực và...nuôi hà. Vừa nói, bác vừa chỉ những đám hà to bằng nắm tay nằm lăn lóc trên bãi bùn anh cho biết: Khu vực này rất nhiều hà, chúng tôi gom lại rồi vứt ở đây cho chúng sinh sống, chỉ...1 năm là thu hoạch được.

Chiếc thuyền chèo tay chậm rãi dọc theo con sông Vọp hai bên là những rặng sú. Biết chúng tôi thích chụp ảnh chim cò, bác giải thích đặc điểm của từng loài chim cũng như điều kiện sống của các động thực vật ở đây. Tiếng mái chèo khuây nước làm các đàn cá lạ to gần bằng bàn tay xé đàn dưới làn nước trong vắt. Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, bác nói: Cá, chim...nhiều như vậy nhưng một cọng lông hay cái vẩy chúng tôi cũng không đánh bắt – bằng chứng như các anh thấy đấy, nếu đánh bắt thì không như những gì các anh đã thấy đâu.

Thuyền đi cắt qua sông Vọp, chúng tôi ra tới cửa Ba Lạt, thăm ngọn Hải Đăng Tiền Hải, đài quan sát Cồn Ngạn và thăm Cồn Xanh – một đảo cát pha mới bồi đắp....Sống ở nơi thiên nhiên ưu đãi, con người dường như cũng chân chất và lãng mạn như chim trời, cá nước....Chèo thuyền gần nửa ngày trời, bác chỉ xin chúng tôi tiền công hơn trăm ngàn.

Nếu đến vườn Quốc gia Xuân Thủy đúng tour thì bạn sẽ đi bằng xuồng máy như du thuyền cửa sông, xem chim, tuyến điền dã và tuyến du khảo đồng quê... Bạn sẽ được chứng kiến tất cả đời sống sinh hoạt của ngư dân trên bến cá Giao Hải, thăm làng dệt lưới, làm nước mắm và chợ quê...nhưng thú vị hơn cả vẫn là những cách đi kiểu “phượt”, chỉ cần một người dân bản địa dẫn đường và cũng có thể là tự khám phá.

Du lịch, GO! - Theo Báo Du lịch